1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Bi hài một dự án nước sạch

(Dân trí) - “Bỏ hơn triệu bạc tiền xây dựng, lắp ống để được dùng nước sạch. Mùa hè nước không có một giọt, còn mùa đông mở vòi thì vừa hứng được nước, vừa… bắt được cá”.

Những chuyện cười ra nước mắt

 

Đó là lời than thật tưởng như đùa của ông Nguyễn Duy Viêm (thôn Phú Cường) về công trình nước tự chảy trị giá gần 1 tỷ đồng của xã Lộc Thủy (Phú Lộc - Thừa Thiên Huế). Công trình đi vào hoạt động được hơn 3 năm nay, nhưng nước chỉ “tự chảy” được ít tháng rồi ngừng.

 

Xưa nay, người dân xã Lộc Thủy khổ sở vì phải dùng nước nhiễm phèn nặng, nên khi thấy có chủ trương xây dựng công trình nước tự chảy (năm 2005) thì không ngần ngại bỏ tiền phí xây dựng (300.000 đồng) cùng cả triệu bạc tiền lắp ống, mua đồng hồ nước với hy vọng được tiếp cận dòng nước sạch dự án. Con số này không hề nhỏ so với thu nhập bình quân của người dân Lộc Thủy: 1.350.000 đồng/năm (theo thống kê của UBND xã cùng năm).

 

Tuy nhiên, công trình đưa vào sử dụng được 3-4 tháng (từ 4/2006) thì nước đột nhiên yếu dần rồi lịm hẳn. Một người dân xã Phước Lộc chua chát: Nước tự chảy ở thôn này chảy theo kiểu “hên xui”, thích thì chảy, không thích thì thôi!

 

Cái khó ló cái khôn, người dân bèn vác dao ra… chặt ống chính để lấy nước, vừa có được nước dùng, vừa đỡ mất tiền nước 2.000 đồng/m3. Nhưng dần dà mạnh ai nấy chặt nên nước thất thoát hết, đến ống chính cũng ráo trọi.

 

Ông Đinh Bán - Chủ tịch UBND xã Lộc Thủy - còn cho biết, người dân ở các thôn sát nguồn nước thấy ống nước chạy ngang nhà “ngon mắt” bèn đục ống cho nước chảy vào ruộng lúa, coi như công trình thủy lợi trời cho.

 

Việc các thôn thượng nguồn “sáng kiến” dùng nước dự án phục vụ tưới tiêu khiến mấy chục hộ thôn Phú Cương, Phước Lộc điêu đứng. Tiếc tiền, dân quay lên xã đòi lại tiền xây dựng khiến xã cũng rối như tơ vò. Trao đổi với PV, ông Bán luôn miệng than khổ.

 

Cực chẳng đã, UBND xã đành xây một bể chứa nước, cho người dân xô chậu ra xách về nhà dùng. Nhưng đầu năm nay, bể nước cũng không còn do bị sét đánh tan hoang. Hiện nay, chính quyền xã đang cho xây lại bể chứa với lời hứa sẽ dùng bơm để đẩy nước về đến từng hộ. Nhưng người dân sau 3 năm chờ đợi bây giờ chỉ có một nhu cầu bức thiết nhất: đòi lại tiền!

 

Ban đầu, tiền nước chỉ là 800 đồng/m3, nhưng sau do nước thất thoát nhiều, không thu được tiền nên UBND xã đành “cắn răng” tăng lên 2.000 đồng/m3 nhằm tăng thêm kinh phí tu sửa, bảo dưỡng đường ống. Chẳng hiểu bảo dưỡng kiểu gì, nhưng hiện nay số ống nhựa của dự án bị dân đục lỗ chỗ, có nơi các co nối bị tháo vung vãi. Hệ thống ống vốn được chôn ngầm, nhưng nhiều chỗ bị người dân đào tung lên như công sự, chiến hào! Chính quyền xã “tiếc rẻ”: giá mà từ đầu dùng ống kim loại thì chắc không đến nỗi.

 

Thực tế, sau một thời gian quản lý chiếu lệ, UBND xã đã “giao trọn gói” công trình này cho hợp tác xã. Nhưng số tiền thu cước hàng tháng cứ co dần, co dần khiến HTX cũng bối rối vì số tiền này trả công cho cán bộ phụ trách còn khó, nói gì đến chuyện bảo dưỡng, sửa chữa đường ống, bể chứa. 

 

Và thực trạng không cười nổi

 

Theo tìm hiểu, nguồn nước ở xã Lộc Thủy bị nhiễm phèn, nhiễm sắt nặng; lượng nước trên 2 con sông Bù Lu và Nước Ngọt đoạn chảy qua xã này chỉ sử dụng để làm thủy lợi, hàng năm phải “gánh” 7-10 tấn thuốc bảo vệ thực vật, phân hóa học. Là một xã ven khu vực đầm, phá nên nguồn nước ở đây cũng bị nước mặn xâm thực mạnh. Bằng giác quan có thể thấy nước giếng trong xã thường có màu vàng đục, bốc mùi tanh hôi, đóng váng và có vị mặn của muối biển. 

 

Bi hài một dự án nước sạch  - 1

Người dân tự động ngắt ống để lấy nước, nhưng cả mấy tháng nay cũng chẳng còn giọt nào.

 

Hàng năm, người dân chỉ sử dụng nước mưa khoảng 4 tháng (từ tháng 8-12), còn hầu hết phải sử dụng nước nhiễm bẩn để sinh hoạt. Theo thống kê của Trạm Y tế xã, tỷ lệ người dân bị mắc bệnh đường ruột là 51%, đau mắt 60%, bệnh về da 55% và 65% phụ nữ bị bệnh phụ khoa.

 

Dự án nước sạch này được kỳ vọng là “phương thuốc” giúp người dân thoát khỏi nguy cơ bệnh tật. Tuy nhiên, với thực trạng của dự án hiện nay, các hộ dân thôn Phú Cường, Phước Lộc vẫn phải “nhắm mắt” sử dụng nước ô nhiễm vì không có lựa chọn nào khác.

 

Trao đổi với Dân trí, ông Bán thừa nhận tình trạng bể chứa, ống dẫn không đạt chuẩn như thiết kế, nên lưu lượng nước thực cũng không đạt như ước tính. Thêm vào đó, chính quyền xã cũng “vì nhu cầu người dân” mà tự tiện đục lỗ ở đường ống chính, bắt thêm nhiều ống nhỏ ngoài sơ đồ thiết kế để mở rộng phạm vi phục vụ của công trình. Nước vốn đã yếu, thất thoát nên càng mở rộng thì càng thiếu trầm trọng.

 

Một phép tính cơ học: lưu lượng thiết kế là 400 m3/ngày đêm, tức 12.000 m3/tháng mà chỉ thu được khoảng 2 triệu tiền cước/tháng (tương đương 1.000m3) sẽ cho thấy hiệu quả công trình này như thế nào. Thực tế, không ít lần cán bộ phụ trách đến các hộ thu tiền nước nhưng thấy đồng hồ tháng sau cũng hiển thị số như tháng trước nên đành bỏ về.

 

Ngay cả các thôn có nước dự án thì cũng không lấy gì đảm bảo nguồn nước này là sạch. Nguồn nước của dự án lấy từ Suối Tiên, có thượng nguồn từ khu vực rừng núi. Theo ông Bán, nguồn nước này đã được lấy mẫu và khẳng định đạt chất lượng nhưng ông không trình được biên bản thẩm định này. Do nguồn nước chảy tự nhiên, các loại chất độc tích tụ và rác thải sinh hoạt hầu như không kiểm soát được. Tương tự, chuyện người dân phản ánh “bắt được cá khe” trong bể nước sạch cũng không phải là thiếu cơ sở.

 

Ông Bán cho biết, xã có tính đến phương án kéo ống dẫn nước từ cảng Chân Mây về nhưng không khả thi do không kham nổi kinh phí mất (khoảng 1 tỷ đồng). Trong khi đó, để xây dựng công trình nước tự chảy này, số vốn các bên bỏ ra cũng đã lên tới 850 triệu đồng.

 

Như vậy, vì nhiều nguyên nhân, dự án nước tự chảy đã vô tình cung cấp nước miễn phí cho người đầu nguồn… làm thủy lợi, còn người dân cuối nguồn vẫn phải dùng nước bẩn, đối mặt với bao nguy cơ bệnh tật chết người. Điều này quả khó mà cười nổi!

 

Bài, ảnh: Hồng Kỹ

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm