1. Dòng sự kiện:
  2. Sập cầu Phong Châu
  3. Mưa lũ lớn ở miền Bắc

Bi hài chuyện cả thôn cùng “phát điên” vì... thèm điện

Người dân than: “Tủ lạnh, nồi cơm điện chỉ để làm… cảnh thôi chứ tối nào cũng phải thắp đèn dầu để ăn cơm”.

Là thôn xung phong đi vùng kinh tế mới nội địa, vất vả khai hoang từng khoảnh rừng để phát triển kinh tế cho địa phương, thế mà gần 30 năm qua, 100 hộ dân thôn Thanh Sơn, nằm ngay gần thành phố, thủ phủ tỉnh Hà Nam, chưa một ngày được biết đến ánh điện. 180 hộ còn lại thì vài ngày thay bóng điện một lần, tivi, đầu đĩa trong xóm thay nhau cháy.

Người dân than: “Tủ lạnh, nồi cơm điện chỉ để làm… cảnh thôi chứ tối nào cũng phải thắp đèn dầu để ăn cơm”.

Trên bóng điện, dưới vẫn đèn dầu

Nhà anh Nguyễn Văn Thắng ở cuối khu Con Phượng, nằm ven trục đường chính của thôn Thanh Sơn (xã Thanh Nghị, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam) phải dùng tới ổn áp Lioa mới thắp sáng được bóng đèn, nhưng chỉ dùng được vào ban ngày. Đến buổi tối, đèn tịt hẳn, ăn cơm phải thắp sáng bằng đèn dầu hoặc nến.

Tiếng là có điện, song nhiều năm nay gia đình anh Thắng - chị Duyên vẫn phải thắp nến để ăn cơm tối
Tiếng là có điện, song nhiều năm nay gia đình anh Thắng - chị Duyên vẫn phải thắp nến để ăn cơm tối

Ban ngày là lúc điện “khỏe” nhưng cái tivi 19 inches ở góc nhà anh giống như chiếc đài, chỉ có tiếng, không thể lên nổi hình.

Từ năm 2003, vợ chồng anh Thắng ra ở riêng, kinh tế khó khăn đun bằng bếp rạ nhưng đến khi mua được nồi cơm điện… thì chỉ để ngắm. Nhìn nồi cơm điện phủ đầy bụi và mạng nhện, chị Duyên - vợ anh Thắng - phân trần: “Ăn cơm bằng đèn dầu nhưng khu nhà tôi vẫn thuộc diện có điện, chứ trong Cửa Đải với Động Đình còn thiếu cả đường dây”.

Gia đình anh Nguyễn Văn Quý - một trong vài hộ hiếm hoi ở đầu khu Động Đình có điện. Có điện là “sướng” nhất xóm! Thế nhưng chưa bao giờ được sử dụng điện, anh Quý cho biết, tivi mở lên vài phút là tự tắt, tủ lạnh để xếp xó…Mỗi lần có khách, có bao nhiêu cái điện thoại phải bật lên để lấy ánh sáng ăn cơm. Quanh năm phải dùng đèn dầu. Ấy thế mà mỗi tháng vẫn phải đóng tiền điện đều đều, mùa hè cũng như mùa đông, cứ trung bình 5.000 - 6.000 tiền điện một tháng.

Nhắc đến chuyện điện, ông trưởng thôn Ngô Quang Tiến bức xúc: “Nhà tôi lúc nào cũng phải dự trữ cả đống đèn compac, vài ngày lại phải thay bóng một lần vì điện phập phù, cháy liên tục. Nhiều nhà cháy cả tivi, cả đầu đĩa. Không có điện hẳn thì đỡ tức, chứ có điện mà lại trong cảnh trên đèn điện, dưới đèn dầu, cơm vẫn và vào mũi thì ai mà chịu được?”.

Đào đất, làm đường dẫn đến lún cột, đứt dây khiến Thanh Sơn mất điện suốt 11 ngày hè.

Khổ như… không có điện

Năm 1985, theo chính sách kinh tế mới nội địa của tỉnh Hà Nam, 186 hộ dân chủ yếu từ thôn Bồng Lạng (xã Thanh Nghị, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam) xung phong vào vùng kinh tế mới.

Khó khăn thiếu thốn đủ đường, đến độ năm 2000, thôn Thanh Sơn mới bắt đầu có trạm biến áp, có đường dây điện vào đến đầu thôn. Thế nhưng nhà nước chỉ kéo gần 1km điện cao thế vào đến trạm biến áp. Còn dân, ai muốn có điện thì tự bỏ tiền túi để kéo điện hạ thế về nhà. Bấy giờ ông Phạm Văn Lịch là chủ nhiệm Hợp tác xã đứng ra vận động bà con xây dựng đường điện hạ thế. Xóm Cửa Chùa nằm gần trạm điện nhất, mỗi hộ dân khi đó phải đóng 650.000 đồng để mua cột và dây điện. Xa hơn, các hộ dân ở khu Con Phượng, mỗi hộ đóng 1,2 triệu đồng (thời điểm năm 2002).

Song đường từ trạm biến áp vào khu Con Phượng, Cửa Đải, Động Đình khá xa nên đầu tư một đường dây đủ tải với bà con là điều rất khó vì chi phí lớn. Đường dây điện bé tẹo, đứt nối nham nhở gá trên những cột điện tre kéo từ nhà này sang nhà kia là hình ảnh thường thấy ở Thanh Sơn. Như ở đầu khu Động Đình nhà anh Quý, những năm qua vẫn chỉ 3 - 4 hộ dân có điện, những nhà hàng xóm có muốn cũng không dám “câu” nhờ điện vì san sẻ thêm nữa thì ngay cả việc bóng điện sáng vào ban ngày cũng đã là điều không tưởng.

Trưởng thôn Ngô Quang Tiến nhớ lại ngày đầu dựng trạm điện: “Cái bốt điện này ban đầu rất khỏe, đủ để cấp điện cho những hộ dân đã kéo đường dây. Nhưng đến giờ cái bốt đó không còn là cái bốt nguyên thủy nữa. Khoảng năm 2008, sau trận bão to, bốt điện bị cháy, sở điện mang về một cái khác để thay. Từ đấy điện bắt đầu yếu”.

Bà con Thanh Sơn, 180 hộ chịu đựng sống trong cảnh điện đóm phập phù, 100 hộ khác gần 30 năm mò mẫm trong đêm tối. Đến năm 2010, khi Thanh Sơn bàn giao điện lưới hạ áp cho Công ty điện lực Hà Nam, điện đã yếu nay lại càng xuống cấp hơn. Ông Huy ngoài 70 tuổi, giọng chậm rãi: “Bây giờ chế độ, chính sách ban hành toàn thấy thông báo trên tivi, trên đài, mà lại không có điện thì chúng tôi không biết được. Rồi những kiến thức về khoa học trồng trọt chúng tôi cũng đều mù tịt hết”.

Về vấn đề 100 hộ ở Thanh Sơn 29 năm qua chưa từng có điện, đại diện công ty Điện lực Hà Nam từng trả lời: Các thiết kế và dự toán xây dựng đường dây, trạm biến áp cho Thanh Sơn đã được phê duyệt để triển khai xây dựng. Tuy nhiên, theo thiết kế, đường dây tải điện từ đường dây 35kV đến trạm biến áp đặt tại trung tâm thôn Thanh Sơn dài 1.784m phải đi theo đường đồi núi.

Do đó, để bảo đảm an toàn lưới điện, cần phải chặt cây hai bên hành lang đường điện chạy qua với khoảng cách mỗi bên là 7m. Chính vì vậy, các hộ dân đòi tiền đền bù khi chặt cây của họ. Theo tính toán của chúng tôi, số tiền đền bù cho số cây phải chặt lên đến hơn 1 tỉ đồng, nếu chi trả như vậy, chúng tôi sẽ không còn đủ kinh phí để đầu tư cho dự án. 

Ông Nguyễn Quốc Trưởng hóm hỉnh mà chua chát: “Nếu cứ không có điện như trước đây thì chả sao, bà con vẫn thấy bình thường - như trong khu Động Đình ấy, gần 30 năm rồi chưa một ngày có điện, họ không bức xúc nặng nề như chúng tôi đâu. Nhưng đã có điện hẳn hoi rồi mà đến lúc không có điện nữa thì không thể chịu được. Chúng tôi vẫn đùa nhau rằng hôm nay tôi thuê ông 50.000 đồng ông quạt cho tôi cả ngày thì ông có quạt được không?!”.

Ông Tiến trưởng thôn thì đay đả: “Bà con muốn thái được củ sắn thì phải canh điện từ nửa đêm. Nhà nào mà dậy muộn thì chỉ có nước thái… bằng tay, vì điện quá tải, chạy máy làm sao được”.

Trời nhá nhem tối, bà Phạm Thị Minh chân thấp chân cao trổ dốc từ đỉnh đồi về nhà. Bà Minh nói, “Điện đóm lại cứ như trêu ngươi, trêu tức. Chị em chúng tôi đi làm về lại bắt đầu vào bếp tay nến tay đèn. Tôi thấy cuộc sống như thế này quá khổ”.

Nằm giữa đường biểu tình đòi điện

Nỗi khổ sống trong cảnh thiếu điện hàng chục năm, khiến bà con bức xúc và đỉnh điểm là 2 cuộc biểu tình đã xảy ra.

Vào tháng 7.2012, 11 ngày mất điện giữa ngày hè, mọi người kéo ra ủy ban hỏi sao lại mất điện lâu thế ?. ”Ủy ban trả lời không biết, cái đó là của ngành điện. 50 - 60 con người chúng tôi kéo nhau ra cái dốc cửa Đình ngoài xã, căng lều bạt nằm ở đấy biểu tình để đòi điện. Cuối cùng cả tỉnh, cả huyện, cả công an về giải quyết. Họ nói chúng tôi giải tán rồi sẽ có điện, và họ bắt công ty điện lực Hà Nam phải giải quyết cho chúng tôi. Ngày thứ 12 là đã có điện ngay. Rõ ràng là họ làm nhanh được” - ông Nguyễn Xuân Luận cam đoan sự thật với các nhà báo.

Đầu hè năm nay, lại xảy ra biểu tình vì điện. Nguyên nhân do công ty ximăng Xuân Thành (đóng trên địa bàn xã) xúc đất làm đường khiến chân cột điện lún, đứt đường điện. Bà con kiến nghị thì công ty Xuân Thành bảo phải đến công ty điện. Đến công ty điện lực Hà Nam thì họ bảo Xuân Thành làm đứt dây, đổ cột, trách nhiệm thuộc về Xuân Thành.

Trước đây, bà con xã viên quản lý điện thì còn đỡ “bi đát”, từ ngày bàn giao về cho công ty điện quản lý “các ông ấy mặc kệ, hết tháng thu tiền, còn nhiều việc lẽ ra là của bên thợ điện thì dân chúng tôi vẫn phải làm” - ông Nguyễn Quốc Trưởng cho biết. “Cơn bão cuối năm 2012, dây đứt, cột điện đổ. Nhân viên điện lực không đoái hoài. Dân tự dựng lại. Rồi nữa, khi điện lực về thay cái cột điện do Xuân Thành làm đổ, họ đập tan cái cột ximăng cũ, lấy lõi sắt mang về trong khi dân phải dùng cột điện bằng tre, hỏi trách nhiệm của họ để đâu?” - ông Trưởng nói.

Công ty điện lực Hà Nam nhiều lần giải thích rằng chưa thể kéo điện phủ khắp Thanh Sơn vì bà con đòi tiền đền bù nhiều quá. Ông Nguyễn Quốc Trưởng và bà Phạm Thị Minh thẳng thắn trả lời: “Dự án không triển khai do dân đòi đền bù nhiều là sai. Để có điện, chúng tôi sẵn sàng hy sinh cây cối, hoa màu”. Một cụ già ở đây than thở: “Cùng là công dân, tại sao tận Mù Cang Chải (Yên Bái) dân thưa hơn, qua bao nhiêu là núi mà bà con còn có điện cơ mà?”.

Theo Thảo Giang – Văn Nguyên

Lao Động