Bình Định:
Bi đát những mảnh đời sau bão dữ ở nơi “rốn lũ”
(Dân trí) - Dựng lều ở tạm, ăn nhờ ở đậu… là tình cảnh của hàng trăm hộ dân tỉnh Bình Định bị bão số 5 cuốn sập nhà vào đêm 30/10. Nhiều gia đình có hoàn cảnh quá bi đát, con cái bệnh nặng, chẳng biết làm thế nào để dựng lại nhà mới.
“Bỏ của chạy lấy người” vì bão quá dữ
Huyện Tuy Phước được ví là vùng “rốn lũ” của tỉnh Bình Định. Nếu có bất cứ cơn bão hay trận lũ lớn nào thì địa phương này thường gánh chịu thiệt hại nặng nề nhất.
Bão số 5 đổ bộ, tỉnh Bình Định chịu hậu quả rất nặng nề, thiệt hại ban đầu ước tính trên 350 tỷ đồng. Đặc biệt, trong số 144 ngôi nhà sập, 1.120 nhà hư hỏng trên địa bàn tỉnh, riêng huyện Tuy Phước có đến 99 nhà sập, 224 nhà bị tốc mái hư hỏng.
Bình Định: Bi đát những mảnh đời sau bão dữ
Sau 4 ngày bão số 5 đổ bộ, hiện người dân Bình Định lại đang lo sốt vó vì khả năng xuất hiện đợt lũ mới đang hiện hữu. Trong khi đó, hàng trăm hộ dân ở địa phương này vẫn đang sống trong tình cảnh “màn trời chiếu đất”.
Ở xóm chài ven đầm Thị Nại (thuộc thôn Bình Thái, xã Phước Thuận, huyện Tuy Phước), 4 ngày sau bão số 5 đổ bộ, vẫn cảnh ngổn ngang ngạch, đá… khi ông trời trút cơn thịnh nộ xuống những ngôi nhà của người dân nghèo. Hiện, những hộ dân này đang trong cảnh ăn nhờ ở đậu, dựng lều tạm chờ xây lại nhà mới.
Cảnh nhà cửa tan hoang ở xóm chài ven đầm Thị Nại sau bão số 5 đổ bộ.
Qua tìm hiểu, phần lớn các hộ này thuộc diện khó khăn, đặc biệt có hộ còn thêm gánh nặng con cái bệnh nặng. Bởi vậy, có gia đình nhà cửa xây dựng đã lâu năm, xuống cấp nghiêm trọng nhưng chẳng có tiền sửa chữa hay xây mới và cố ở liều.
Gia đình vợ chồng ông Châu Văn Nhân (53 tuổi) và bà Dương Thị Gái (53 tuổi, ở thôn Bình Thái, xã Phước Thuận) có 1 người con gái duy nhất năm nay 31 tuổi nhưng bị mù bẩm sinh. Thắt lưng buộc bụng hàng chục năm trời từ nghề đánh bắt thủy sản ven đầm Thị Nại, vợ chồng ông Nhân mới xây được căn nhà gạch, bê tông tạm gọi là kiên cố.
Thế nhưng, tất cả đều tan tành trong vài giờ bão số 5 đổ bộ. Hiện, vợ chồng ông Nhân che tạm túp lều mép đầm Thị Nại để ở, con gái bị mù thì gửi về nhà ông bà nội ăn ở nhờ.
Ông Nhân kể: “Khoảng 23h đêm 30/10, bão số 5 giật mạnh, đến khoảng 1h sáng ngày 31/10, nước triều cường dâng cao. Lúc đó, nước sông vừa lớn kèm gió bão giật mạnh lùa vào đẩy sập nhà, toàn bộ tài sản hư hỏng hết chẳng còn một thứ gì. Nhưng chẳng thà mình “bỏ của chạy lấy người” chứ ở lại thì chết luôn rồi”.
Theo ông Nhân, từ hôm bão đến giờ, cuộc sống gia đình rất khó khăn, vợ chồng trốn chui trốn nhủi, điện không, nước sạch không…
“Hết bão, vợ chồng đi nhờ anh em, bà con trong xóm dựng cái lều ở tạm, rồi nhờ anh em phụ giúp dọn dẹp, chứ hai vợ chồng làm biết đến lúc nào cho xong. Giờ cũng nhờ cấp trên xem xét hỗ trợ chút ít, rồi vợ chồng cũng cố gắng thêm xây căn nhà nhỏ để ở”, ông Nhân nói.
Ngồi dọn dẹp trong ngôi nhà đổ sập, bà Dương Thị Gái (vợ ông Nhân) nói như khóc: “Chẳng ai muốn sống gần sông nước làm gì, mỗi mùa mưa bão đến là sống trong lo sợ. Cứ nghe có bão là lo chạy trốn cực khổ lắm, nếu Nhà nước bố trí tái định cư thì gia đình tôi sẵn sàng xin đi”.
Không dám lấy vợ vì nhà quá cũ!
Lâm vào cảnh tương tự là gia đình ông Huỳnh Thanh Thi (55 tuổi) và bà Lưu Thị Trang cũng ở thôn Bình Thái. Căn nhà mà vợ chồng ông Thi và 4 người con sinh sống hàng chục năm nay đã bị bão dữ giật sập. Ông Thi và mấy người con mưu sinh bằng nghề khai thác thủy sản ven đầm Thị Nại, còn bà Trang ở nhà chăm sóc người con gái út bị bệnh nặng nhiều năm nay.
Ngồi bế đứa con gái 17 tuổi, mà trông như đứa bé 7 tuổi do bị thiểu năng trí tuệ, bà Lưu Thị Trang “đau đớn” nhìn về phía ngôi nhà giờ chỉ còn là đống đổ nát, ngổn ngang gạch, đá.
Bà Trang bùi ngùi: “Hồi giờ, nhà nó có cũ nhưng cũng đâu có sao, nhưng năm nay sao bão lớn lại thêm gió nồm gì mà ghê quá. Ông nhà tôi nói không sao, không sao, nhưng vừa lên nhà con trai thì nhà sập. May không ở lại chứ không bị đè chết rồi ấy chớ. Giờ nhà cửa thì sập rồi mà không biết làm gì, ở nhà chăm con. Nó bệnh hoạn nằm một chỗ, cả chục năm nay tôi phải ở nhà lo chăm nó chứ có làm được đâu. Ổng đi làm với mấy thằng con, nhưng nước có cạn thì đi làm sò, làm hàu kiếm ăn”.
Bi đát hơn có lẽ là hoàn cảnh 2 mẹ con cụ Huỳnh Thị Nghe (75 tuổi) và con trai cũng ở thôn Bình Thái. Cụ Nghe tuổi già, vừa mang trong mình bệnh tim lại thêm bệnh đau cột sống lâu năm, con trai bà cũng mưu sinh bằng nghề thủy sản ven đầm Thị Nại. Từ khi căn nhà bị sập, người con trai dùng bạt che tạm ở phần nhà bếp còn lại để ở. Giờ hai mẹ con chẳng biết lấy tiền đâu xây dựng nhà mới.
“Khổ lắm chú ơi! Ông nhà tôi mất hơn 2 năm nay, nhà giờ chỉ còn 2 mẹ con. Năm nay, nó 36 tuổi rồi nhưng ăn rồi lo nuôi, cõng bà mẹ già đi nhà thương suốt thì ai đâu dám làm vợ nó. Có ngôi nhà nhỏ để mẹ con chui ra chui vào cũng sập rồi, giờ nó lo đi kiếm tiền để cất nhà chứ biết làm sao”, cụ Nghe đưa tay lên quẹt những giọt nước mắt.
Xóm chài Nhơn Hải tan hoang sau bão số 5
Đến ngày 4/11, tại xã Nhơn Hải (TP Quy Nhơn), nhiều hộ dân sống cạnh bờ kè đoạn thôn Hải Nam vẫn bất chấp nguy hiểm quay trở lại sinh sống trong căn nhà bị sóng đánh sập trong bão số 5.
Ông Lê Công Trình, Chủ tịch UBND xã Nhơn Hải cho biết: “Dọc kè biển Nhơn Hải có 91 ngôi nhà, thuộc diện phải di dời vì luôn bị triều cường uy hiếp. Đối với 14 ngôi nhà sát bờ kè bị đánh sập, hiện xã đã động viên các hộ này đến ở tạm nhà người thân. Địa phương sẽ kiểm tra lại và yêu cầu người dân không được ở những ngôi nhà này vì rất nguy hiểm”.
Doãn Công