Bị CSGT phạt “oan” vì ngân hàng giữ giấy đăng ký xe ô tô?

(Dân trí) - Nhiều người mua xe trả góp trong quá trình tham gia giao thông đã bị lực lượng Cảnh sát giao thông (CSGT) xử phạt lỗi không có Giấy đăng ký xe. Đáng nói, nguyên nhân thiếu Giấy đăng ký xe là do ngân hàng vi phạm quy định, giữ bản chính Giấy đăng ký xe của bên thế chấp.

Nhiều người bị xử phạt lỗi thiếu Giấy đăng ký xe, trong khi lỗi này là do ngân hàng cố tình làm sai quy định
Nhiều người bị xử phạt lỗi thiếu Giấy đăng ký xe, trong khi lỗi này là do ngân hàng cố tình làm sai quy định

Trên thực tế, những xe ô tô mua trả góp buộc phải thế chấp giấy đăng ký gốc tại ngân hàng. Quá trình làm thủ tục người thế chấp chỉ sử dụng bản sao Giấy đăng ký xe và xác nhận của ngân hàng cho đến khi trả hết số tiền đã vay ngân hàng.

Nhiều người tin rằng, chỉ cần có giấy tờ công chứng là đủ điều kiện tham giao thông đường bộ. Tuy nhiên, không ít trường hợp đã bị CSGT xử phạt về lỗi thiếu Giấy đăng ký xe và không chấp nhận bản sao công chứng loại giấy tờ này. Nhiều người bất ngờ khi bị xử phạt, không phục và có hành vi chống đối lực lượng chức năng.

Về vấn đề này, Cục CSGT cho biết, thời gian qua đã nhận được công văn của một số công an đơn vị địa phương đề nghị hướng dẫn xử lý vi phạm hành chính đối với người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ sử dụng bản sao giấy đăng ký xe có xác nhận của ngân hàng tham gia giao thông.

Cục CSGT khẳng định việc xử phạt chủ phương tiện không có Giấy đăng ký xe bản gốc khi là đúng luật. Bản giao giấy đăng ký xe kèm theo xác nhận của ngân hàng không có giá trị sử dụng trong tham gia giao thông đường bộ.

Theo Cục CSGT, đối với những phương tiện thế chấp ngân hàng khi tham gia giao thông thì bên thế chấp (người mua xe) được giữ bản chính giấy chứng nhận đăng ký xe trong thời hạn hợp đồng có hiệu lực theo đúng quy định tại Nghị định số 163/2006/NĐ-CP về giao dịch đảm bảo và công văn số 3851/NHNH-PC ngày 24/5/2017 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Mới đây, Bộ Công an đã có văn bản gửi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Công an nhấn mạnh, trường hợp người điều khiển phương tiện không có Giấy đăng ký xe bản gốc thì sẽ bị lập biên bản và xử phạt lỗi không có Giấy đăng ký xe. Điều này gây khó khăn cho người tham gia giao thông và việc áp dụng luật xử phạt của lực lượng chức năng.

Về vấn đề này, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khẳng định, theo Nghị định 163/2006/NĐ-CP, bên thế chấp giữ bản chính Giấy đăng ký phương tiện giao thông trong thời hạn hợp đồng thế chấp có hiệu lực.

Như vậy, việc các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài giữ Giấy đăng ký xe bản chính của người thế chấp là phạm luật.

Ngân hàng Nhà nước đề nghị các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện nghiêm túc các quy định về việc bên thế chấp giữ bản chính Giấy đăng ký phương tiện giao thông.

Châu Như Quỳnh