1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Hà Nam:

Bí ẩn hầm cổ chứa đầy vàng dưới chân núi Trà Trâu

(Dân trí) - Hơn 20 năm qua, một chiếc hầm cổ phía sau nhà ông Lê Đình Bảng, thôn Thong 1, xã Thanh Tâm, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam vẫn luôn khiến nhiều người tò mò. Đến tận bây giờ, dù vẫn chưa có ai tìm ra được bí mật ẩn chứa về khu hầm cổ này nhưng không ít người tin rằng trong khu hầm cổ này có chứa vàng và những câu chuyện nhuộm đầy màu sắc cổ tích.

Hầm cổ - nơi đồn đoán chứa đầy vàng của người Tàu để lại

Nằm cách trung tâm xã Thanh Tâm, huyện Thanh Liêm gần 2km về hướng Đông Bắc, dãy núi Trà Trâu rộng lớn thuộc địa phận thôn Thong và thôn Chè Núi. Khu vực nhà ông Lê Đình Bảng (SN 1964), thôn Thong 1, xã Thanh Tâm, Thanh Liêm, Hà Nam nằm ngay chân dãy Trà Trâu suốt nhiều năm qua luôn nhận được sự quan tâm của nhiều người về di tích hầm cổ, hay nhiều người đồn đón gọi là “hầm thần của” nằm sau phía sau nhà của ông.

Dù chưa một ai tìm ra bí ẩn của hầm cổ nói trên nhưng lời đồn đoán ngày một loang xa rằng trong hầm cổ này có chôn giấu vàng và kho báu của phú hào thời xưa hoặc của người Trung Quốc thời 1000 năm Bắc thuộc. Cũng không ít nhà các đoàn khoa học đến khu hầm cổ này để thăm dò hầm cổ, tuy nhiên đến nay vẫn chưa có sự thống nhất nào về nguồn gốc cũng như thời gian chính xác về sự ra đời của hầm cổ ở núi Trà Trâu này.

Ông Lê Đình Bảng cho biết, vào năm 1987, ông Bảng mua lại khu đất này của một người dân di cư vào tỉnh Lâm Đồng với giá 160 nghìn đồng và định cư tại đó đến nay. Đến năm 1994, do nhu cầu mua đất san lấp nền của người dân tăng cao, thấy khu đất nhà mình cũng hưa được bằng phẳng, vuông vắn nên ông Bảng quyết định thuê người đến đào đất theo hướng từ ngoài vào chân núi và mua công nông đầu dọc về chở đất dôi ra mang đi bán. Khi đào được khoảng 4 mét đất thì lộ ra cửa hầm, ông Bảng quan sát kỹ và nhận thấy những viên gạch được xếp khéo léo vừa khít với nhau mà không hề có vật liệu kết dính. Mỗi viên gạch có độ dày chỉ từ 3-5 cm, màu đỏ tươi. Cửa hầm được bày trí theo hình cánh cung vừa phải, trên gạch có những hoa văn hình lưỡi búa.

Khu vực dãy núi Trà Trâu Núi nơi có hầm cổ
Khu vực dãy núi Trà Trâu Núi nơi có hầm cổ

Ngay tại cửa hầm có một lỗ nhỏ rộng đủ thò được cả cánh tay vào, nhiều người thử sử dụng que dài cả 10m đưa vào trong mà vẫn không chạm tới đáy của hầm cổ này. Sau khi phát hiện hầm lạ, những người làm thuê cho nhà ông Bảng lúc đó cũng hiếu kỳ và cố tình đào sâu thêm vào 5 đến 6m nữa, nhưng kết quả vẫn không thu hoạch được gì. Đồn đoán về hầm cổ cổ ngày càng lan rộng, không chỉ người dân địa phương mà cả những người ở những nơi khác đến ngỏ ý muốn tìm kiếm bí mật ẩn giấu trong khu hầm cổ này.

Có người còn mang cả máy dò kim loại đến, đưa đến đâu là máy phát ra tiếng kêu đến đó nhưng vì phần đất sau nhà không biết đổ đi đâu nên ông Bảng không đồng ý để họ đào hầm cổ, dù với lời hứa hẹn ăn chia rất hấp dẫn như 40 - 60 hoặc 50 - 50, nếu như tìm ra kho báu trong hầm cổ này.

Ông Bảng cho hay: “Từ khi tôi sinh sống tại mảnh đất này, không thấy có chuyện kỳ lạ gì xảy ra, từ sức khoẻ cho đến việc làm ăn của gia đình tôi thấy đều tốt. Dù đã hơn 20 năm phát hiện ra hầm cổ, nhưng tôi vẫn luôn cho rằng đây là hầm mộ cổ chứ không nghĩ nó là hầm thần của. Nghĩ như vậy cũng là cách cho đầu óc nhẹ nhàng, chứ lỡ đào ra không có gì lại phạm vào tâm linh mà có đào ra thì phần đất dư tôi cũng không biết đổ đi đâu. Phần hầm mộ nằm trong sổ đỏ nhà tôi nên tôi sẽ cố gắng bảo vệ, vì thế nên dù có những lời mời tỷ lệ ăn chia nghe chừng rất hấp dẫn nhưng tôi vẫn sẽ từ chối”.

Những giai thoại kỳ bí khó lý giải

Khi được hỏi đến những câu chuyện đồn đoán xoay quanh hầm cổ phía sau nhà mình, ông Bảng cũng khẳng định là có nghe nói, không phải một mà rất nhiều chuyện khác nhau, mà chính ông cũng không thể khẳng định là có thật hay không.

Đầu tiên là về câu chuyện của người chủ cũ của khu đất. Theo ông Bảng, việc chủ khu đất quyết định bán đất và chuyển đi nơi khác làm ăn sinh sống cũng liên quan đến những giấc mơ khi sống tại đây. Người chủ cũ khi sống tại đây vào ban đêm khi đang ngủ thường hay có cảm giác bị người khác trêu và giữa đêm đang ngủ thì nghe thấy có tiếng ai đó ném đá vào nhà mình, nhưng khi ra ngoài lại không thấy ai. Điều này khiến người chủ cũ vô cùng kinh hãi.

Năm 1986, ông Bảng mới xuất ngũ về, bản tính gan góc nên dù nghe câu chuyện này ông Bảng không sợ và quyết định mua lại mảnh đất này để lập nghiệp.

Câu chuyện tiếp theo là câu chuyện mà nhiều người dân trong vùng truyền tai nhau nhiều nhất đó là giai thoại về một đàn lợn vàng trên núi Trà Trâu, thuộc xã Thanh Tâm, Thanh Liêm. Cứ vào mỗi đêm trăng đứng bóng trên núi Trà Trâu lại xuất hiện một đàn lợn vàng khoảng hơn chục con nối đuôi nhau đùa giỡn. Trong số ấy, con cuối đàn bị què nên chậm chạp, lặng lẽ theo sau. Có người nhiều lần nhìn thấy liền đuổi theo để bắt nhưng đàn lợn cứ chạy đến chân đồi rồi mất hút.

Miệng chiếc hầm cổ nơi đồn đoán chứa đầy vàng dưới chân núi Trà Trâu
Miệng chiếc hầm cổ nơi đồn đoán chứa đầy vàng dưới chân núi Trà Trâu

Điều kỳ lạ là khu vực đàn lợn thường xuyên xuất hiện chính là khu vực hầm cổ của nhà ông Bảng. Rất nhiều tay săn đồ cổ, có cả đội săn lùng kho báu ở xa đến hỏi thăm dùng bẫy bắt đàn lợn này nhưng không thành. Theo lời các cụ cao niên trong thôn, khi còn là thiếu niên, vào buổi trưa họ thường cùng nhau đùa bên khu đất rộng của làng thì nhìn thấy có ánh sáng rực lên như một mâm vàng ở trên vùng núi Trà Trâu, nhiều người tò mò chạy về hướng núi có ánh sáng phát ra thì khi chạy đến nơi, ánh sáng trên bỗng dưng vụt tắt.

Ngoài những giai thoại trên còn có giai thoại về cặp rắn hổ mang to như thân cây, đầu có mào dữ tợn nằm vo tròn canh hai bên cổng hầm. Câu chuyện này do hai cụ cao niên trong làng là cụ Đỗ Văn Đặt (đã mất) và cụ Bùi Ngọc Sổ nhìn thấy khi đến khu vực hầm cổ kể lại. Ban đầu, vì quá sợ hãi nên hai cụ đã chạy một mạch về nhà mà không dám kể lại cho ai biết. Mãi sau này, sợ con cháu gặp bất trắc khi đến khu vực trên nên hai cụ mới kể lại câu chuyện để cảnh báo.

"Hầm thần của” hay hầm mộ cổ?

Cũng từng về thăm dò tại khu hầm cổ này, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Lâm Thị Mỹ Dung, Giám đốc Bảo tàng Nhân học, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn vào ngày 12/4/2009 đã khẳng định rằng, đây là mộ hán cổ, có kết cấu mộ gạch cuốn vòm, xếp bằng gạch múi bưởi, hoa văn ô trám, quy mô vào loại trung bình trong phức hợp mộ gạch cuốn vòm, có niên đại khoảng 2000 năm.

Dựa vào kiến trúc và những hoa văn cổ có trên các viên gạch có thể thấy rằng, lối kiến trúc của những ngôi mộ cổ này thường bắt chước kiến trúc của người sống, tức là trong mộ có gian giữa, gian trước, gian sau nên hẹp về bề ngang nhưng ăn sâu vào lòng núi. Không những thế, tại khu đồi trọc hình vòng cung dài chừng 100m này còn phát hiện thêm khoảng 13 ngôi mộ như thế. Đối chiếu với các tài liệu khảo cổ cho thấy đây là những ngôi mộ Hán cổ, có niên đại từ khoảng thế kỷ thứ I - III (sau công nguyên), tức là giai đoạn 1.000 năm Bắc thuộc.


Ông Lê Đình Bảng cho biết, có rất nhiều người đến xin ông tìm vàng rồi chia tỷ lệ, nhưng ông không đồng ý

Ông Lê Đình Bảng cho biết, có rất nhiều người đến xin ông tìm vàng rồi chia tỷ lệ, nhưng ông không đồng ý

Nguồn gốc của loại mộ này là từ Trung Quốc và khác hẳn với mộ truyền thống của người Việt cổ thời Đông Sơn là mộ đất, mộ quan tài hình thuyền, mộ vò... Những ngôi mộ Hán cổ, xây bằng gạch này thường có nhiều gian, được đắp nấm nổi cao như những gò lớn. Bên trong thường chôn theo người chết các đồ tùy táng bằng gốm, sành, sứ, kim loại... Chủ nhân của những ngôi mộ này thường thuộc tầng lớp cai trị người Hán và do vậy mộ gạch thường phân bố ở những khu vực lị sở của chính quyền phong kiến phương Bắc và có một quy luật phổ biến là những trung tâm chính trị - hành chính thời Bắc thuộc thường được xây dựng ở những nơi trước đó là những trung tâm của văn hóa Đông Sơn.

Niên đại của những mộ gạch được xác định dựa trên quy mô, cấu trúc của mộ, kích cỡ, màu sắc và trang trí của gạch xây mộ cũng như loại hình và chất liệu của đồ chôn theo. Mộ gạch thường được phân thành các giai đoạn Hán, Lục Triều và Tùy Đường. Sau thời Đường, truyền thống mộ gạch này cũng biến mất, không còn bất cứ rơi rớt nào. Những ngôi mộ này thường thấy ở các khu vực thuộc vùng văn hóa Đông Sơn. Các nhà khảo cổ học đã tìm thấy những ngôi mộ cổ tương tự tại các nước khác như Hàn Quốc, Trung Quốc. Riêng tại Việt Nam những ngôi mộ thế này xuất hiện nhiều tại Hà Nam, Hà Nội, Hưng Yên....

Một tài liệu khảo cổ khác có ghi, hầm cổ tại thôn Thong chỉ là hầm mộ cổ chứ không phải là “hầm thần của” cất giấu nhiều vàng, châu báu mà nhiều người đồn đoán bởi “hầm thần của” thường được xây dựng bằng loại gạch đỏ tươi rất đẹp mắt. Trên mỗi viên gạch có các hình hoa văn chữ A, chứ không phải là hoạ tiết hình búa hay ô vuông trám.

Đức Văn