1. Dòng sự kiện:
  2. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định
  3. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV

Bí ẩn đường hầm xuyên núi Bà Chúa Kho

Mỗi năm đền Bà Chúa Kho đón hàng ngàn khách thập phương về tham quan, hành lễ. Ít ai biết được, đằng sau ngôi đền khang trang đó là một đường hầm bí mật nằm sâu trong lòng núi, xuyên từ đầu núi ra tận bến sông Như Nguyệt (ngày nay là sông Cầu).

Bí ẩn đường hầm xuyên núi Bà Chúa Kho - 1
Cửa hầm từng bị bịt kín bởi một bức tường bằng gạch đỏ nhưng trải qua thời gian,
góc phải của bức tường đã bị đổ nát, đủ cho một người chui qua để đi sâu vào hầm.
 
Không ai biết đường hầm có từ bao giờ. Ngay cả những người già nhất trong thôn Cổ Mễ, phường Vũ Ninh, TP Bắc Ninh - nơi có đền thờ Bà Chúa Kho cũng chỉ có thể biết được khi họ lớn lên đã nhìn thấy đường hầm và vào thời Pháp - Nhật giao tranh, đường hầm được sử dụng làm nơi trú ngụ của bộ máy hành chính và công nhân Nhà máy giấy Đáp Cầu mà thôi.

 

Đường hầm xuyên lòng núi

 

Đường hầm nằm sát ngay sau khu đền thờ Bà Chúa Kho và chỉ cách bức tường chính điện thờ bà Chúa khoảng 1,5m. Theo quan sát của chúng tôi, cửa hầm từng bị bịt kín bởi một bức tường được xây bằng gạch đỏ và xi măng, nhưng do lâu ngày bị bỏ hoang nên góc phải của bức tường đã bị đổ nát, đủ cho một người chui qua để đi sâu vào hầm. Xung quanh cửa hầm bụi và mạng nhện bám đầy lối đi.

 

Để vào sâu bên trong hầm chúng tôi đã phải dùng tới 2 chiếc đèn pin loại bóng tuýp lớn và một bó đuốc. Chui qua miệng hầm, phải bước qua khoảng 20 bậc thang cũng được xây bằng gạch đỏ, xi măng rất kiên cố mới tới con đường bằng phẳng đi thẳng vào hầm. Càng đi sâu lối đi càng được mở rộng dần.

 

Đường hầm được kiến trúc theo kiểu mái vòm hình chữ u, trần đường hầm được bao bọc bằng đá xanh (loại đá thường dùng để xây dựng), nhiều chỗ có hình thù khá độc đáo. Hai bên thành đường hầm được trát bằng xi măng, mỗi đoạn lại được thiết kế một ô hình chữ nhật nằm lùi vào vách núi. Do bị bỏ hoang quá lâu nên trên nền đường hầm gạch vữa sụp đổ ngổn ngang, bùn đất nhão nhoét, bốc mùi ẩm mốc rất khó chịu. Chiều cao từ trần đến nền hầm chỗ cao nhất ước chừng khoảng 2m, còn chỗ thấp nhất cũng tới 1,8m.

 

Theo ông Nguyễn Ngọc Thùy, 62 tuổi - thành viên Ban an ninh bảo vệ khu di tích đền Bà Chúa Kho - người dẫn chúng tôi đi “thám hiểm” thì tính từ cửa vào đến chỗ sâu nhất của đường hầm là khoảng 30m, càng đi sâu đến cuối hầm đường đi càng bằng phẳng, thẳng góc. Cách cửa đường hầm khoảng 200m về phía trái là một căn phòng rộng chừng 3m, cao khoảng 2m, bên trong còn có một cái bàn làm bằng bê tông và rất nhiều khối bê tông đổ nát ngổn ngang. Những người dân địa phương ở đây cho biết, dưới thời Pháp - Nhật giao tranh, căn phòng này là nơi trú ẩn cũng là nơi làm việc của chủ Peto, người Pháp (chủ nhà máy giấy Đáp Cầu) nhằm tránh sự tấn công của quân Nhật.

 

Một điểm khác biệt của đường hầm này là càng đi vào sâu bên trong lại càng ít lối rẽ, không giống với những đường hầm ở Quảng Trị, Củ Chi có rất nhiều lối rẽ ngang dọc. Đi hết đường hầm độc đáo này là qua bên kia chân núi Kho (nay là đồi Cổ Mễ), với tổng chiều dài ước chừng hơn 500m. Cửa ra bên kia của đường hầm giáp với một con đường nhỏ dẫn ra sông Như Nguyệt, cảnh quan khá thoáng đãng, đẹp đẽ.

 

Ông Thùy cho biết: “Đường hầm dù tồn tại từ rất lâu đời, lại bị bỏ hoang bao nhiêu năm nhưng dường như vẫn giữ được khá nguyên vẹn những công trình kiến trúc bên trong. Trước đây trong hầm có rất nhiều loại rắn, dơi, chuột... cư ngụ. Thời lên 9, lên 10, mỗi lần ra đây thả trâu tôi cùng mấy đứa bạn lại đốt đuốc đi vào trong để bắt dơi, bắt chuột nhưng không bao giờ dám đi hết cả đường hầm vì càng đi sâu vào trong càng khó thở... Gần đây, có một số doanh nghiệp trên địa bàn thấy đường hầm độc đáo, định xin ban quản lý di tích cho trùng tu và tôn tạo lại để kinh doanh du lịch nhưng các cụ cao niên trong làng Cổ Mễ chưa đồng ý vì các cụ sợ bị mất những dấu tích thời gian của đường hầm...”.

 

Đường hầm có từ bao giờ?

 

Cho đến nay, sự ra đời của đường hầm này vẫn là một “ẩn số” và xung quanh nó tồn tại rất nhiều giai thoại khác nhau.

 
Bí ẩn đường hầm xuyên núi Bà Chúa Kho - 2
Chui qua miệng hầm, phải bước qua khoảng 20 bậc thang cũng được xây bằng gạch đỏ,
xi măng rất kiên cố thì mới tới được con đường bằng phẳng đi thẳng vào hầm.
 

Theo ông Nguyễn Ngọc Thùy, vào thời cụ nội ông còn sống có kể lại rằng, dưới thời nhà Lý khi quân Tống sang xâm lược nước ta, vùng đất quanh sông Như Nguyệt có địa thế khá hiểm trở nên được xây dựng thành một tuyến phòng thủ vững chắc nhằm chống lại quân xâm lược. Và đường hầm này là đường hầm có từ thời bà Chúa Kho, được bà cho đào nhằm giúp quân lính vận chuyển lương thực, nhu yếu... theo đường thủy từ sông Như Nguyệt lên kho quân lương dự trữ trên núi được thuận lợi. Vừa tránh được sự phát hiện của quân Tống vừa tạo một lối đi bằng phẳng, không phải leo lên đồi cao.

 

Chính vì thế đường hầm mới có lối vào ngay sát sau đền bà Chúa (nguyên thủy đền bà Chúa được xây dựng trên nền kho chứa quân lương ngày xưa) và lối ra là phía sau chân núi, ngay sát sông Như Nguyệt. Sau này qua các triều đại phong kiến, đường hầm này vẫn được tiếp tục sử dụng để đánh lại các quân xâm lược phương Bắc mà dấu tích còn lại của thời đại đó là những phiến đá to, những bức tường bằng cát bi kéo dài, phân nửa chìm dưới lòng đất (xây bằng cát bi và một loại keo dính hỗn hợp) hiện vẫn còn trên đồi.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Mão, 68 tuổi - thành viên Ban quản lí di tích đền Bà Chúa Kho và một số người dân sở tại thì thực chất đây là một đường hầm xuyên núi có từ thời Pháp - Nhật giao tranh. Vào năm 1945, các ông chủ và công nhân nhà máy giấy Đáp Cầu đã sử dụng nơi này làm nơi trú ẩn và làm việc mỗi khi quân Nhật đánh xuống vùng này.

 

“Trước đây chúng tôi gọi nó là Tulen (tên thời Pháp) nhưng thực chất nó là một đường hầm xuyên qua núi có từ thời Pháp. Trong lòng đường hầm có một chỗ phình ra, hình vuông vốn là phòng làm việc của giám đốc sở máy giấy Đáp Cầu. Còn những khu xung quanh chỗ nào rộng hơn bình thường là chỗ bộ máy hành chính và công nhân của nhà máy giấy chuyển vào đó làm việc cho an toàn. Từ lúc tôi còn đi chăn trâu, chăn bò ra đây đã nhìn thấy hầm này mà năm nay tôi đã 68 tuổi nghĩa là nó cũng phải được xây dựng từ những năm 1942 hay 1944 gì đó...”.

 

Theo ông Nguyễn Đăng Trúc - Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh thì: “Mặc dù xung quanh nguồn gốc sự ra đời của đường hầm này hiện tồn tại rất nhiều giả thiết khác nhau nhưng chúng tôi vẫn thiên về giả thiết cho rằng đường hầm được xây dựng dưới thời Pháp thuộc. Hiện chúng tôi vẫn đang cho tiến hành các thủ tục để tìm hiểu kỹ hơn về con đường hầm này cũng như có các phương án đề xuất với bên quân đội trùng tu và bảo quản...”.

 

Trong những năm đế quốc Mỹ đánh bom phá hoại miền Bắc, dân làng thôn Cổ Mễ sơ tán ra trú ẩn ở đường hầm này để tránh bom đạn. Trên nóc hầm được sử dụng làm trận địa pháo cao xạ của một số đơn vị pháo của Quân đội nhân dân Việt Nam.

 

Một điều mà từ người già cho đến người trung niên ở đây đều nhắc tới và mặc nhiên thừa nhận như một sự bí ẩn khó hiểu: Trong hai cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ rất ác liệt, bom đạn thả nhiều vô kể nhưng không có bất kỳ một quả bom nào “dám bén mảng” tới chỗ đất này. Những đoàn pháo cao xạ khi chiến đấu ở đây cũng không hề bị một quả bom nào dội trúng, nhưng khi vừa bước qua quả đồi bên kia thì liền bị bom Mỹ dội ngay. 

 

Theo Hà Tùng Long

 Gia đình & Xã hội

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm