1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Bí ẩn cầu đá 1000 năm đặt xác người chết đường chết chợ

Cây "cầu đá" kỳ lạ này nằm tại làng Viêm Xá, xã Hòa Long, TP Bắc Ninh. Cách đây hàng trăm năm, người làng Viêm Xá đã sử dụng cây cầu vào việc để xác người chết. Hiện phong tục đó vẫn được duy trì cho đến ngày nay.

Khi vào đền Cùng, khách tham quan sẽ phải đi qua "cầu đá" rồi mới vào giếng Ngọc và đền Cùng.

"Cầu lạ"

"Cầu đá" nằm cạnh đền Cùng và giếng Ngọc đã nhiều đời nay. Nói là "cầu" nhưng nhìn bề ngoài chẳng khác nào một ngôi nhà. "Cầu" được dựng bằng tám cột đá cao khoảng 2m, trên mỗi cột đá đều được khắc chữ Nho.

Tuy nhiên, trải qua thời gian những bản chữ Nho đã bị mòn gần hết, một số chân cột cũng bị mòn.

Do sự xuống cấp của "cầu đá" nên người dân đã tu sửa lại bằng cách lát gạch và đổ bê tông xung quanh.

Nhưng vẫn giữ lại kiến trúc như ban đầu và đặc biệt, tám cột đá vẫn được giữ nguyên tại vị trí cũ. Bên cạnh "cầu đá" có ba phiến đá hình chữ nhật. Theo nhiều người cao tuổi ở làng Viêm Xá thì ba phiến đá này để người dân qua lại ngồi uống nước.

Bí ẩn cầu đá 1000 năm đặt xác người chết đường chết chợ
Khi vào đền cùng, khách tham quan sẽ phải đi qua "cầu đá" rồi mới vào giếng Ngọc và đền Cùng.

Ông Nguyễn Văn Dai, hiện là Thổ nhang đền Cùng cho biết: "Cầu đá" trước đây còn đóng vai trò của một cái điếm đầu làng. Khi người dân đi làm đồng mệt thì vào "cầu" nghỉ ngơi hoặc người làng đi chợ xa khi về đến "cầu đá" cũng là lúc mệt, nên họ vào nghỉ ngơi và múc nước giếng Ngọc uống giải khát.

Theo ông Nguyễn Văn Màng, Hội Người cao tuổi làng Viêm Xá, đàn bà có chửa hay đến kỳ kinh nguyệt tiệt không được bén mảng đến "cầu đá". Điều cấm kỵ đó không biết có từ bao giờ.

Trước đây, khi chưa xây bờ rào bao quanh đền Cùng thì "cầu đá" nằm tách biệt so với đền Cùng và giếng Ngọc. Cách "cầu đá" khoảng 50m có một con đường nhỏ chạy vòng qua cánh đồng vào làng.

Đàn bà con gái trong làng nếu mang thai hay đến kỳ kinh nguyệt thì phải đi men theo con đường nhỏ đó để vào làng, chứ không được đi qua "cầu đá".

Người chết đưa về "cầu đá"

Ông Nguyễn Văn Dai nói rằng, không biết từ bao nhiêu đời nay, mỗi khi làng Viêm Xá có người chết đường, chết chợ vì tai nạn giao thông, hay ốm đau bệnh tật hoặc bất cứ trường hợp nào mà tắt thở trước khi về nhà thì sẽ phải đem xác ra "cầu đá". Phong tục này bất kỳ ai cũng phải tuân thủ.

Dân làng Viêm Xá quan niệm, nếu đem những người chết đường, chết chợ về nhà thì sẽ đem lại sự không may mắn, chết chóc cho cả làng. Nó cũng giống như sao chổi quét qua phương nào thì phương đó sẽ chỉ toàn chết chóc và tang thương.

Bí ẩn cầu đá 1000 năm đặt xác người chết đường chết chợ
Hầu hết những bản khắc chữ Nho trên cột đá đã bị mờ. 

Khi xác người chết đường, chết chợ được đưa ra "cầu đá", người nhà sẽ phải tổ chức tang lễ tại đây. Tùy vào điều kiện kinh tế của mỗi gia đình mà tổ chức với thời gian dài, ngắn khác nhau. Ngày trước có nhà tổ chức tang lễ ở "cầu đá" kéo dài đến ba ngày, có nhà thì chỉ tổ chức một ngày.

Mặc dù đã trải qua hàng trăm năm nay nhưng phong tục dị kỳ độc bản đó vẫn được duy trì. Ông Nguyễn Văn Màng cho biết: “Hiện phong tục này vẫn tồn tại.

Tuy nhiên, từ khi xây dựng khu giếng Ngọc, đền Cùng, Nhà nước đã xây gộp cả "cầu đá" vào và trở thành địa chỉ tham quan của đông đảo khách du lịch”.

Năm 1996 làng Viêm Xá đã góp vốn xây dựng một ngôi nhà riêng cách "cầu đá" khoảng 20m dùng làm nhà để xác thay cho "cầu đá". Mọi phong tục và nghi thức cử hành tang lễ vẫn được giữ nguyên như cũ.

Bà Nguyễn Thị Xuân, một liền chị ở làng Viêm Xá nói rằng: “Phong tục chung của cả làng thì nhà nào cũng phải tuân thủ. Xác người chết đưa ra “cầu đá” sẽ đảm bảo vệ sinh chung của làng.

Càng ngày càng có nhiều bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, chẳng hạn như bệnh gan, cúm... nếu đưa ra “cầu đá” tổ chức tang lễ thì việc khoanh vùng để khử trùng, diệt dịch sẽ dễ dàng hơn.

Tuy nhiên, cũng có một số gia đình khi có người gặp tai nạn, hay ốm đau bệnh tật vẫn cố cho người bệnh thở bằng bình oxy về đến nhà mới chết để khỏi phải đưa xác nạn nhân ra "cầu đá".

Cầu đá có tuổi thọ 1.000 năm

Sử sách làng Viêm Xá có nói đến cơ sở lịch sử để khẳng định "cầu đá" đã có từ thời Lý. Có nghĩa là "cầu" đã được dựng lên từ một ngàn năm trước. Ông Nguyễn Văn Màng nói rằng: “Ở làng Viêm Xá vẫn còn lưu truyền lại lịch sử của "cầu đá".

Bí ẩn cầu đá 1000 năm đặt xác người chết đường chết chợ
Ba phiến đá lớn đặt cạnh cầu đá dùng để ngồi uống nước. 

Chẳng hạn như "cầu đá" được xây dựng cùng thời gian với đền Cùng và giếng Ngọc. Trong khi đó, ở đền Cùng hiện vẫn còn giữ được nhiều sắc phong của các đời vua từ cả ngàn năm trước. Mặt khác, trên tám cột đá còn lưu lại những bản khắc chữ Nôm, trên đó ghi lại thời gian và hoàn cảnh dựng "cầu đá"...”

Ngoài ra, trên những tấm bia đá cổ còn giữ tại đền Cùng có đoạn trích: "Từ thời tiền Lý, quan quân triều đình đánh giặc dọc sông Cầu có đến nơi này cầu đảo và đều được linh nghiệm đánh bại quân xâm lược.

Đến thời vua Lý Thánh Tông sinh con "mình hổ" cũng đến đây cầu đảo. Hoàng tử đã tai qua nạn khỏi, vạn sự như ý. Đến thời vua Bảo Thái đã cho dựng những cột đá, mà ngày nay dấu ấn ấy vẫn còn để lại". Theo ông Màng, những cột đá mà vua Bảo Thái dựng lên chính là cây "cầu đá" ngày nay.
 
Theo Quang Thái
Kiến thức