TT-Huế:
Bệnh viện trăm tỷ thi công “ì ạch” suốt 7 năm
(Dân trí) - Dù mang “sứ mệnh” phục vụ hàng chục ngàn bệnh nhân khu vực phía nam tỉnh Thừa Thiên - Huế nhưng sau hơn 7 năm thi công, Bệnh viện Đa khoa Chân Mây (thôn Phú Cường, xã Lộc Thủy, huyện Phú Lộc) vẫn chưa thể đi vào hoạt động.
Bệnh viện thi công “siêu” chậm
Được khởi công ngày 20/4/2005, BV Đa khoa Chân Mây do Sở Y tế tỉnh Thừa Thiên – Huế làm chủ đầu tư, do Công ty Xây lắp tỉnh Thừa Thiên - Huế đảm nhiệm thi công. BV có diện tích trên 4.000 m2, quy mô 200 giường bệnh, bao gồm 3 phòng chức năng và 15 khoa lâm sàng và cận lâm sàng; kinh phí xây dựng gần 100 tỉ đồng.
Dự án BV này được Bộ Y tế phân loại bệnh viện đa khoa hạng 2, với trang thiết bị hiện đại. Ngoài chức năng cấp cứu, khám điều trị bệnh cho người dân toàn huyện Phú Lộc, Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô, bệnh viện còn tham gia đào tạo cán bộ, nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế.
Tuy nhiên sau khi khởi công, công trình ngưng trệ nhiều năm qua. Từ giữa năm 2005, BV được bắt đầu khởi công xây dựng tuyến đường dài khoảng 1,3km; đồng thời được cải tạo, san lấp mặt bằng trên diện tích 3ha đất ruộng. Tiếp đến là hoàn chỉnh hệ thống tường rào. Đến đây, công trình bỗng nhiên bị gián đoạn. Đến 2009, BV được tiếp tục xây dựng tiếp.
Theo cam kết chủ đầu tư, dự án này sẽ đưa vào sử dụng cuối năm 2011. Nhưng cho đến đầu năm 2013 này, dự án vẫn còn một số hạng mục đang tiếp tục thực hiện, chưa biết đến khi nào xong. Chính điều này đã gây rất nhiều khó khăn cho nhân dân khi muốn đến khám, chữa bệnh.
Có mặt tại đây vào những ngày giữa tháng Chạp khi cái tết đã cận kề. Chúng tôi chứng kiến có khoảng vài chục công nhân uể oải đang sơn tường, chỉnh sửa nội thất. Có một phòng dành cho hành chính, văn thư, kế toán. Những người này chỉ cho chúng tôi, muốn khám bệnh thì phải chạy lên xã Lộc Tiến cách đó khoảng 7km, hiện bệnh viện đang dùng tạm phòng khám của trung tâm y tế huyện Phú Lộc.
Đi khảo sát một vòng quanh bệnh viện với khuôn viên rộng đẹp, các tòa nhà gần như hoàn chỉnh có kiến trúc, thiết kế hiện đại, có một số mảng tường đã lên rêu mốc. Bụi rậm, cây cỏ mọc um tùm ở một số khu nhà tràn ra đường đi nội bộ, khu vực sân lồi lõm. Nhiều đoạn tường rào được xây dựng từ năm 2005 vẫn chưa được khắc phục sửa chữa nên đã bị xuống cấp, nứt nẻ do phơi mưa, phơi nắng lâu ngày. Thi thoảng, có vài chú bò thẩn thơ vào gặm cỏ trong khuôn viên BV.
Nội thất một số phòng chưa được sử dụng đã khá xuống cấp. Nhiều phòng chưa có cửa, hệ thống điện được đấu nối thủ công, nước chưa có.
Bệnh nhân, bác sĩ chen chúc ở trạm xá
Chúng tôi phóng xe máy về địa điểm dùng làm chỗ khám tạm của BV Đa khoa Chân Mây ở xã Lộc Tiến. Căn nhà tồi tàn ọp ẹp nằm sát quốc lộ 1A và đường sắt. Một số phòng vì không đủ chỗ để kê giường bệnh nên bàn làm việc của y tá bác sĩ phải kê ra ngoài hiên. Có phòng tới 6 - 7 cán bộ chen chúc trong diện tích chật chội dưới 10m2. Những mảng tường loang lổ, ẩm thấp, đèn điện tờ mờ, trang thiết bị chưa đầy đủ… tất cả những điều chúng tôi có thể cảm nhận khi chứng kiến sự hoạt động của 1 trạm xá tạm thay cho BV Đa khoa đang dang dở. Tuy nhiều y tá, nữ hộ sinh, bác sĩ đang làm việc ở đây có một thái độ rất khẩn trương, trách nhiệm. Nhưng vẫn còn thiếu một chỗ để làm nghề mà dường như họ đã chờ đợi quá lâu.
Một cán bộ làm ở bệnh xá cho biết, từ đầu tháng 9/2011, đội ngũ của BV Đa khoa Chân Mây được thành lập. Do không có chỗ nên mỗi lần họp phải đi ra ngoài thuê bàn ghế vào tại BV đang xây dở để họp. Mỗi tháng chỉ họp 1 lần, xong thì giải tán để đi học bồi dưỡng tại các trung tâm y tế huyện, BV Trung ương Huế…
Đến tháng 10/2012, tất cả chuyển về ở trạm xá nguyên là phòng khám khu vực 2 thuộc Trung tâm y tế huyện Phú Lộc. Hiện phòng ốc tại trạm xá đã xuống cấp nhiều. Bên cạnh đó, điều bất tiện là ở trạm xá này là phải hứng chịu quá nhiều tiếng ồn.
Hiện có 55 cán bộ với 3 bác sĩ, 5 hộ lý và các nữ hộ sinh hưởng lương tại đây. Số cán bộ này trong lúc chờ BV đi vào hoạt động chính thức thì được đi bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng tại các cơ sở y tế lớn hơn. Mỗi ngày trạm xá khám khoảng 45 đến 50 lượt, siêu âm từ 10 đến 15 lượt. Các bệnh nặng như mổ sản, mổ ruột thừa tuy trong chức năng của BV Đa khoa Chân Mây thực hiện được, nhưng do chưa đi vào hoạt động nên phải chuyển lên tuyến trên.
BS CK I Hoàng Văn Thám, Giám đốc BV Đa khoa Chân Mây cho biết lý do BV chậm hoàn thành là do thời tiết (?!), bên cạnh đó là thiếu vốn và điện nước chưa hoàn tất. Tuy nhiên, năm 2013, theo thống kê của Khí tượng thủy văn là một năm hiếm thấy tại Huế khi lượng mưa rất ít. Ngành lâm nghiệp cũng đã chỉ ra đây là năm có chỉ số khô hạn cực kỳ cao. Hệ quả đã dẫn đến nhiều vụ cháy rừng cũng như không có mưa nên thủy điện khô cạn, đồng ruộng vào vụ mùa mới bị chuột cắn phá triền miên vì không có lũ để quét chuột, sâu bệnh, rác thải… Như vậy, lý do chậm vì thời tiết của BS Thám xem ra không hợp lý.
BS Thám cũng cho biết thêm, do trượt giá nên sau này ủy ban tỉnh Thừa Thiên – Huế đã phê duyệt lại tổng kinh phí bệnh viện là 109 tỷ. Dự kiến vào khoảng quý I năm 2013 bệnh viện sẽ hoàn thành.
Mong muốn và hy vọng BV Đa khoa Chân Mây sẽ đưa vào hoạt động sớm cũng là nguyện vọng tất yếu của hàng ngàn người dân. Hy vọng, năm mới đến, lời hứa của ngành y tế Huế sẽ thành hiện thực.
Vì BV Đa khoa Chân Mây lâu đi vào hoạt động mà chất lượng BV huyện Phú Lộc (thuộc Trung tâm Y tế huyện Phú Lộc) không đảm bảo điều kiện khám, chữa bệnh cao cấp nên mới đây, hàng trăm nhân viên của khu Resort Laguna 5 sao ở huyện này đã phải đi vào Đà Nẵng khám chữa bệnh, gây thất thu cho ngành y tế địa phương
Dưới đây là một số hình ảnh "hoang hóa" tại BV Đa khoa Chân Mây - Huế:
Những hình ảnh vắng lặng, ngổn ngang
Phòng khám tạm của BV Đa khoa Chân Mây đặt ở 1 trạm xá cũ kỹ, xuống cấp