“Bệnh viện” động vật hoang dã giữa đại ngàn

(Dân trí) - “Bệnh viện” sẽ tiếp nhận, cứu chữa và phục hồi chức năng hoang dã cho động vật bị thương, bị dính bẫy do con người gây nên. Sau quá trình điều trị và “huấn luyện”, các “bệnh nhân” đặc biệt này sẽ được thả về rừng.

Cấp cứu!

 

Trung tâm Cứu hộ gấu và Bảo vệ động vật hoang dã nằm trong Vườn Quốc gia (VQG) Cát Tiên, thuộc huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai. Nơi đây được mệnh danh là “bệnh viện” dành cho gấu và động vật hoang dã. Được thành lập và đi vào hoạt động từ năm 2008, đến nay, trung tâm đã cứu chữa và thả về môi trường tự nhiên hàng vạn cá thể động vật hoang dã.
 
“Bệnh viện” động vật hoang dã giữa đại ngàn
Bác sĩ thú y Nguyễn Văn Cường đang phẫu thuật nối gân cho một cá thể cầy vòi bị dính bẫy của thợ săn

 

Mỗi khi có động vật bị thương, các cán bộ của trung tâm, y bác sỹ lại vội vã vào ca cấp cứu. “Động vật cũng như con người, khi bị thương sẽ rất đau đớn; nếu mình không cứu chữa kịp thời, cá thể động vật sẽ bị ảnh hưởng đến tính mạng. Bởi vậy, mỗi khi có “bệnh nhân” mình phải thực hiện cấp cứu ngay lập tức”, một cán bộ của trung tâm cho hay.

 

Bác sĩ thú y Nguyễn Văn Cường, nhân viên quản lý dự án Cứu hộ gấu và bảo vệ động vật hoang dã cho biết, “bệnh viện” tiếp nhận tất cả các loài vật bị bệnh, bị thương tật trên địa bàn các tỉnh miền Đông Nam Bộ. Mỗi khi lực lượng kiểm lâm ở địa bàn các tỉnh lân cận phát hiện động vật bị dính bẫy, bị trúng đạn của thợ săn, họ sẽ chuyển về cho trung tâm tiến hành cấp cứu. Trong đó có nhiều “ca bệnh” rất khó chữa, đòi hỏi người trực tiếp điều trị phải có kinh nghiệm.

 

Theo bác sĩ Cường, nhiều cá thể động vật được đưa về trung tâm trong tình trạng vết thương bị hoại tử, thậm chí có dòi. Đối với những vết thương như vậy, để cứu chữa cho “bệnh nhân” đòi hỏi phải có kinh nghiệm chuyên môn và phải nhẫn nại. “Nếu sơ suất vết thương không những không lành mà có thể bị nhiễm trùng, ảnh hưởng đến tính mạng con vật”.

 

Cấp cứu để giành giật sự sống cho động vật nhưng đôi lúc các cán bộ của trung tâm lại bị chính “bệnh nhân” của mình tấn công. Nhiều cá thể động vật rất hung hăng, đặc biệt là gấu. Bởi vậy, mỗi khi tiếp nhận ca bệnh, điều trước tiên phải làm là sử dụng các biện pháp bảo hộ, ngăn chặn tối thiểu sự hung hăng của “bệnh nhân”. Một cán bộ cho biết, dù “bệnh nhân” bị thương nặng, có khi kiệt sức vì vết thương nhưng không vì thế mà chủ quan. Nếu phẫu thuật vết thương hoặc thực hiện các biện pháp xét nghiệm, phải sử dụng thuốc gây mê. Đối với gấu hoặc báo, chỉ cần sơ suất là bị tấn công tức khắc.

 

Gắng hết mình để cứu chữa “bệnh nhân” nhưng không phải ca bệnh nào các bác sĩ cũng thành công. Nhiều “bệnh nhân” bị thương quá nặng, lại được đưa về trung tâm quá muộn nên các cán bộ không thể thực hiện cấp cứu. Những lần như vậy, các bác sỹ chỉ còn cách rửa và thực hiện sát trùng các vết thương để “bệnh nhân” bớt đau đớn trước khi ra đi. Nhiều trường hợp, các bác sĩ phải chích thuốc, làm nhân đạo để giúp “bệnh nhân” sớm kết thúc sự đau đớn.

 

Đưa “bệnh nhân” về rừng

 

Sau khi cứu chữa và thực hiện các biện pháp hồi sức, cán bộ Trung tâm Cứu hộ gấu và Bảo vệ động vật hoang dã sẽ tiến hành tập luyện để động vật được khỏe hẳn và sau đó thả về môi trường tự nhiên.

 

“Trước khi được đưa về trung tâm, các “bệnh nhân” là những cá thể mạnh khỏe, vùng vẫy ở rừng. Bởi vậy, sau khi điều trị lành vết thương, mình phải tập luyện để chúng hồi phục trở lại chức năng hoang dã rồi thả về rừng” - anh Cao Thanh Tùng, nhân viên chăm sóc và phục hồi chức năng cho động vật hoang dã cho biết. Nhiều “bệnh nhân” bị mù mắt, cụt chân, cụt tay… thì sự phục hồi chức năng hoang dã là điều rất khó. Đối với những trường hợp như vậy, cán bộ trung tâm lại phải nuôi dưỡng và tập luyện hàng năm trời.
 
“Bệnh viện” động vật hoang dã giữa đại ngàn
Gấu Quý Giá được đặt tên bởi gia đình ông Pascoe người Australia. Mỗi năm gia đình ông Pascoe tài trợ gần 1.200 USD để nuôi dưỡng gấu Quý Giá đến khi nó được thả về rừng

Báo Lucy đang được nuôi dưỡng tại khu phục hồi chức năng hoang dã

Báo Lucy đang được nuôi dưỡng tại khu phục hồi chức năng hoang dã

 

Được đưa về “bệnh viện”, những cá thể động vật sẽ được chăm sóc theo chế độ đặc biệt. Nếu “bệnh nhân” thiếu trọng lượng, ốm yếu thì sẽ được tăng khẩu phần ăn để bồi bổ sức khỏe. Ngược lại, những “bệnh nhân” quá mập các cán bộ lại thực hiện các phương pháp giảm cân. Lý giải về điều này, anh Tùng cho biết, làm như vậy là để động vật có kích thước, trọng lượng cơ thể phù hợp với môi trường tự nhiên. Khi đó thả về môi trường tự nhiên là động vật có thể thích ứng ngay được.

 

“Bệnh viện” có khu điều trị và khu phục hồi chức năng bán hoang dã. Sau khi lành vết thương, động vật sẽ được đưa vào môi trường bán hoang dã để phục hồi chức năng tự nhiên. Cán bộ Cường cho biết, “bệnh nhân” có phục hồi được chức năng hoang dã hay không là nhờ khu bán hoang dã. Tại đây từ việc ăn uống đến tập luyện đều giống với môi trường tự nhiên. Thức ăn được cho vào các ngõ ngách, nuôi thả để “bệnh nhân” tự tìm kiếm và săn mồi.

 

Đến nay, “bệnh viện” đã phục hồi và thả về môi trường tự nhiên hàng vạn cá thể. Hiện tại có gần 50 cá thể bao gồm gấu, báo, cá sấu, vượn… đang được phục hồi chức năng để thả về rừng.

 

Tại trung tâm, “bệnh nhân” được đặt tên. Những người đặt tên cho động vật sẽ là người đứng ra tài trợ chính với vốn tương đương 1.200 USD/năm để nuôi dưỡng “bệnh nhân”. Đó cũng chính là lý do tại “bệnh viện” có những tên như Báo Lucy, Gấu Quý Giá, Gấu Mila…

 

Minh Hậu