1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Bệnh ung thư ám ảnh một xã nghèo

(Dân trí) - Từ năm 2000 đến nay, xã An Lộc (Lộc Hà, Hà Tĩnh) có gần 50 người chết vì bệnh ung thư. Căn bệnh nan y này đang ám ảnh người dân ở một xã vốn chỉ sống bằng nghề nông.

Ám ảnh bởi một căn bệnh nan y

 

An Lộc vốn nghèo và thanh bình. Nhưng từ khi một cụ bà tên Quốc Xứng ở thôn 2 chết vì căn bệnh “đau vòm họng”, sau biết đó là bệnh ung thư, nhiều người dân An Lộc bắt đầu lo lắng, bất an. Bởi không bao lâu sau lại có hai người trong thôn là ông Trần Văn Kỉnh và Trần Văn Linh đều là bộ đội về hưu chết vì ung thư gan.

 

Cùng trong năm 2002,  bà Nguyễn Thị Thanh từng là thanh niên xung phong ở chiến trường Quảng Trị, mới ngoài 50 tuổi, ở thôn 3 xã An Lộc cũng chết vì ung thư gan. Sau đó chưa bao lâu, vợ chồng anh Trần Văn Thuẩn và Chị Nguyễn Thị Thanh cũng qua đời.

 

Liên tiếp từ năm 2003 đến nay, mỗi năm người dân trong xã phải tiễn biệt 5-7 người về nơi chín suối vì căn bệnh ung thư. Họ xót thương cho những người đã khuất bao nhiêu thì lại càng lo cho số phận những người đang sống bấy nhiêu. Người dân nghèo không còn vui vẻ lao động sản xuất, bởi trong họ luôn có nỗi lo về một căn bệnh vô phương cứu chữa. Dân nghèo hiểu biết hạn chế, họ hình như e dè hơn trong giao tiếp, thậm chí tỏ ra nghi ngờ, kỳ thị lẫn nhau vì cho rằng bệnh này có khả năng… lây nhiễm.

 

Người dân An Lộc kể, đau xót nhất là chuyện nhà vợ chồng anh Trần Văn Thuẩn. Anh chị mất đi để lại 6 người con, người con út là Trần Văn Tân mới học lớp 6. Người chị cả Trần Thị Ngọc Lan, sinh năm 1974, gác chuyện riêng tư thay cha mẹ nuôi dạy các em. Mới đó đã 5 năm, người con út tên Tân đã chuẩn bị lên lớp 11. Kể chuyện gia đình mình, Tân xúc động: “Nhà em nghèo lắm, chúng em sống chỉ biết trông chờ ở mấy sào ruộng. Cha mẹ mất rồi nay chị gái phải nuôi  đàn em ăn học, quên cả chuyện lấy chồng. Nhiều lúc chúng em muốn bỏ học để chị đỡ vất vả, nhưng chị không cho. Bởi vậy chúng em sẽ cố gắng học hành chăm chỉ, mong sao sau này có công ăn việc làm tử tế để đền đáp công ơn nuôi dưỡng của chị”.

 
Bệnh ung thư ám ảnh một xã nghèo - 1

Cụ bà Nguyễn Thị Nuôi thắp hương cho người con mới qua đời vì bệnh ung thư gan.

Tôi ghé vào thăm nhà chị Nguyễn Thị Minh. Chồng chị bị chết vì ung thư vừa tròn trăm ngày. Chị cho biết: Khi chồng ngã bệnh, cả nhà lo chạychữa hết bệnh viện này đến bệnh viện khác. Bán sạch trâu bò, lợn gà rồi vay tiền ngân hàng về chạy chữa cho chồng. Nhưng căn bệnh quái ác đã cướp đi sinh mạng của chồng, để lại nợ nần chồng chất cho gia đình.

 

Giờ đây 3 mẹ con chị cam chịu cảnh túng quẫn. Đứa con đầu phải nghỉ học vào Nam làm công nhân kiếm tiền giúp mẹ trả nợ. Trên bàn thờ, mâm cơm cúng trăm ngày cho chồng chỉ có đĩa rau và mấy lát thịt luộc. Chị Minh hút ảnh mắt vào di ảnh chồng, trào nước mắt.

 

Ở An Lộc, bệnh ung thư ám ảnh cả người chết lẫn người sống. Ông Nguyễn Quang Bá ở thôn 5 đang mắc bệnh ung thư đại tràng. Ông từng là một người lính thời chống Mỹ, có hai bằng dũng sĩ và huân chương các loại. Trong chiến tranh ông bị thương ở tay, cả hai bàn tay đều bị cụt mấy ngón. Ông có 7 người con nhưng hai người con sau sinh ra chưa đầy tuổi thì bị chứng khoèo tay chân, co giật mà chết. Người con thứ 5 mất vì bệnh ung thư. Còn lại 4 người con thì đều bị chứng thần kinh, nói ngọng, cơ thể yếu ớt. Người con trai đầu lòng lập gia đình nhưng sinh ra hai người con đều bị bệnh co giật và thiểu năng, mất khi chưa đầy tuổi. 

 

Ông Bá bày tỏ: căn bệnh của tôi chắc là do thời kỳ đi bộ đội bị nhiễm chất độc da cam nên sinh con ra đều bị tật nguyền. Ông cho biết mình phát bệnh từ đầu năm 2009. Vài tháng gần đây căn bệnh quái ác quật ngã ông, khiến ông đau đớn. Vợ ông phải bán cả trâu bò, rồi vay thêm tiền ngân hàng để đưa chồng ra Hà Nội chữa trị. Ông Bá đã được mổ lần thứ nhất và sẽ mổ lần hai khi có điều kiện về sức khoẻ. Hiện tại ông rất yếu còn gia đình thì nợ nần chồng chất.

 

Ông bộc bạch: “Tôi không biết sẽ chết lúc nào, nhưng thương vợ thương con lắm. Với tiền trợ cấp hiện nay mỗi tháng 800.000 đồng thì quả là không đủ cho tôi bồi dưỡng sức khoẻ. Vợ được một sào ruộng sản xuất không đủ ăn. Trông vào các con thì đứa nào cũng bị tật bệnh hoành hành”.

 

Mong tìm ra nguyên nhân

 

Tiếp xúc với phóng viên, bà con ở đây ai cũng mong cơ quan chức năng về tìm hiểu, điều tra nguyên nhân gây nên bệnh ung thư ái ác đang hoành hành nơi đây. Anh Nguyễn Duy Hiển, cán bộ Tư pháp xã, cho biết: “Từ năm 2000 đến nay đã có gần 50 ca chết vì bệnh ung thư. Không biết vì sao trong xã chúng tôi lại có nhiều người chết vì ung thư như thế”.

 

Tìm hiểu về nguồn nước sạch ở đây, được biết xã An Lộc có 190 hộ dân nhưng chỉ có 90 hộ sử dụng nguồn nước sạch, còn lại đều phải dùng nước nhiễm phèn để sinh hoạt ăn uống hằng ngày. Nước có màu vàng, mùi tanh, vị mặn. Trong xã có một  giếng làng dùng chung từ mấy trăm năm, nhưng mấy năm trở lại đây thường bị trẻ con vứt rác bẩn xuống gây ô nhiễm, vẩn đục nên bà con bỏ không dùng nữa.
 
Bệnh ung thư ám ảnh một xã nghèo - 2
Những thùng xi măng đựng nước nhiễm phèn để dùng trong sinh hoạt của bà con An Lộc.

 

Anh Nguyễn Đình Thành - Phó Bí Thư Đảng uỷ xã - cho biết: “Bây giờ người nông dân đi làm đã biết dùng các loại giày, ủng cao làm bằng nhựa để bảo vệ chân, nhưng ngày trước mỗi lần đi ra ruộng về là tay chân bà con lại nổi mẩn ngứa. Chúng tôi đang nghi ngờ nguyên nhân dẫn đến bệnh ung thư nhiều ở xã là do nguồn nước, nhưng không chắc chắn. Mong ngành chức năng có liên quan sớm về kiểm tra nguồn nước và cho chúng tôi biết kết quả, để nhân dân còn biết đường mà phòng tránh”.

 

Một cụ già gần trăm tuổi ở thôn 3 thì nói: “Những năm 68 xã An Lộc phải hứng chịu những trận mưa bom của giặc Mỹ. Người chết hàng loạt ở phía trước kia kìa”. Rồi ông chỉ ra cánh đồng kéo dài từ thôn 5 lên đến thôn 2.

 

Nguyên nhân gây nên căn bệnh ung thư ở An Lộc còn bỏ ngỏ. Bà con An Lộc mỗi ngày vẫn sống trong nơm nớp lo sợ, hoang mang.

 

 

Hoài Thu