1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Bến xe nghẹt người, khách bị “hành” khốn đốn

(Dân trí) - Các bến xe, những ngả đường rời thành phố 4 ngày nghỉ lễ lại quá tải. Xe khách lèn nghẹt người, bắt khách từ trong bến ra tới đường quốc lộ. Lực lượng quản lý mục sở thị cảnh chèo kéo, chêm lèn khách nhưng đành “quay đi” và… than khó.

Càng về chiều, hành khách càng ùn ùn đổ về Bến xe phía Nam (Hà Nội). Phụ lái, “chim mồi” chèo kéo khách từ cửa bến vào tới xe. Hiện tượng quá tải, nhồi ép là chuyện tất yếu trên các tuyến xe huyện về Thanh Hoá, Nam Định, Thái Bình... dịp 30/4-1/5. 

Một chiếc xe 24 chỗ đi Ý Yên - Bo (Nam Định), mỗi hàng ghế lèn 5-6 khách. Hàng ghế sau cùng cao vượt lên hẳn, loạt khách phải ngồi nghiêng người để ấn vừa khoảng không gian quá khiêm tốn. Những đầu và vai xếp so le, lố nhố trong xe, phía cửa lên xuống vẫn người đứng người ngồi, chưa xoay xở ổn trong khi chiếc xe vẫn lăn bánh, tiến dần ra phía cổng.

Sát cổng ra khỏi bãi, khu vực dành cho xe Nam Định, một chiếc Ford Transit 16 chỗ biển 18, đề tuyến “bến xe Đò Quan”. 5 hàng ghế đã đủ “tiêu chuẩn” 23 khách (ghế lái lèn 3 khách, mỗi hàng ghế dưới 5 khách). Phụ xe vẫn đảo qua lại hàng dài khách đứng chờ, rao bán 2 ghế phía sau cốp.
 
Bến xe nghẹt người, khách bị “hành” khốn đốn - 1
Lượng khách căng thẳng nhất được dự báo từ chiều 29 đến trưa 30/4.

Một nhóm những cô gái trẻ ùa tới theo điệu vẫy tay mời chào nhưng cũng chùn bước khi phụ lái mở cửa, chỉ 2 chiếc ghế thấp “gia giảm” thêm sau hàng ghế cuối cùng. Chiếc ghế bố trí lọt thỏm ở khoảng không gian để hàng hoá cuối xe, suất vé “ngồi cứng” đúng nghĩa, không khác nhốt trong hộp. Sau khi nhóm cô gái le lưỡi, lắc đầu lảng đi, 2 nam thanh niên khác đã đồng ý. Cửa sau xe đóng sập, rù rù cắn đuôi xe trước chờ xuất bến.

Khoảng trống giữa 2 chiếc ghế kê sát 2 bên thành xe ra ngoài bến sẽ còn phải dành cho chính anh chàng phụ xe.
 
Bến xe nghẹt người, khách bị “hành” khốn đốn - 2
Ghế 4 người "tiêu chuẩn"... 5 khách.

Nhóm khách nữ đã từ chối 2 suất vé “ngồi cứng” vẫn còn đứng chuyện trò về chỗ ngồi. Một cô trong nhóm, Đỗ Thanh Hằng (sinh viên năm thứ 3, Học viện Ngân hàng) phân trần: “Vẫn biết những dịp lễ tết thế này bắt xe về quê không tránh được đông, trước sau cũng bị lèn, ép nhưng em vẫn chưa đi kiểu “vé vớt” như vậy lần nào. Thực ra, lần trước dịp nghỉ giỗ Tổ Hùng Vương hầu hết các xe phía cốp sau ấy không chỉ cho 2 khách mà chen chúc nhau đứng lố nhố tới 4-5 người. Em ngồi hàng ghế cùng lái xe mà còn bị chèn 4 khách. Lái xe cũng dẹp hẳn về 1 bên, nhường 1 góc ghế lái cho khách”.

Một nam sinh ĐH Giao thông vận tải khác đứng gần xen vào câu chuyện: “Xe Nam Định những dịp này, tốt nhất là khách tự động ngồi dẹp vào để nhà xe lèn xếp cho nhanh còn về vì trước sau họ cũng phải nhặt đủ 5 người/ghế”.
 
Bến xe nghẹt người, khách bị “hành” khốn đốn - 3
2 suất vé "ngồi cứng" giá không mềm hơn chút nào.

Theo ông Nguyễn Tất Thành, Giám đốc bến xe phía Nam, từ chiều 28 đến trưa 29/4 có hơn 1.000 lượt xe rời bến Giáp Bát, với khoảng 32.000 khách. Dự kiến lượng khách của buổi chiều 29/4 và sáng 30/4 có thể đến khoảng 35.000… Theo ông Thành, bên cạnh các xe khách, bến xe có thêm 10 xe buýt sẵn sàng tăng cường, chủ yếu cho tuyến Thanh Hóa.

Khi được đề cập đến vấn đề nhồi nhét khách, ông Thành thừa nhận, đây là một thực tế. Theo ông, giải quyết vấn đề này trong những ngày lễ như 30/4 là khó với một nguyên nhân được nói đến đầu tiên là tâm lí hành khách ai cũng muốn về sớm!
 
Bến xe nghẹt người, khách bị “hành” khốn đốn - 4
Nhiều xe nhưng không nhiều lựa chọn.
 
Ở góc độ quản lí, ông Thành cho biết, các lái phụ xe đều có cam kết về việc không chở quá tải và bến xe có biện pháp kiểm tra, xử lí theo cam kết này. Tuy nhiên, khi hỏi về việc đã có trường hợp nào bị xử lí trong ngày hôm qua và hôm nay, câu trả lời phóng viên nhận được là… chưa.
 
Ông Thành còn cho biết, dù biết thực tế, nhiều lúc cán bộ kiểm soát cũng phải “quay đi” vì ban quản lí không có xe trong tay để điều thêm mà người dân có tâm lí muốn về sớm. Có thể làm tốt việc này lại dẫn đến hỏng việc kia như siết chặt quản lí, có khi không giải tỏa được khách!
 
Bến xe nghẹt người, khách bị “hành” khốn đốn - 5
Hành khách được "chăm sóc" kỹ lưỡng.

Liên quan đến vấn đề hành khách có thể bị thu tiền nhiều hơn giá qui định, ông Thành cho rằng, nguyên nhân là do ý thức hành khách rất kém. Có đến 40% khách không mua vé trong bến mà chọn cách “lên thẳng” xe và khi rời bến, phụ xe đã thu tiền cao hơn.

Phía ngoài bến, mặc lực lượng công an, áo xanh có, áo vàng có, thanh tra giao thông có “rợp” đường, các loại xe vận tải khách vẫn lù rù di chuyển, chờ đón, bắt khách. Lượng khách đứng chờ suốt dọc đoạn từ cổng bến, ngã ba Giải Phóng - Kim Đồng tới đầu cao tốc Pháp Vân nhiều khó kể hết. Ai cũng chỉ vì sự tiện lợi, nhanh gọn cho mình.
 
Bến xe nghẹt người, khách bị “hành” khốn đốn - 6
Xe dừng đón khách trên đường Giải Phóng.
Bến xe Lương Yên, tình hình xem chừng ít căng thẳng hơn. Khu vực xe khách lại “thoáng đãng”, tuần tự hơn lãnh địa của xe buýt tuyến dài. Tại cổng xuất bến, cứ mỗi chuyến xe buýt Hưng Yên, Hải Dương nổ máy chuẩn bị dời bánh là những tốp sinh viên lại đổ xô tới nhưng về cơ bản các xe không đến mức nghẹt thở như ở bến Giáp Bát.
 

Tại TPHCM, hầu hết các điểm bán vé xe du lịch ở khu phố Đề Thám, Phạm Ngũ Lão… đều hết sạch vé. Những doanh nghiệp vận tải hàng đầu với số lượng xe nhiều cũng lắc đầu từ chối khách vì vé đã hết ngay từ ngày 20/4. Tuyến nóng nhất vẫn là các điểm du lịch nổi tiếng như Nha Trang, Đà Lạt, Phan Thiết…

 

Nhiều khách hàng chạy đôn chạy đáo, thậm chí sẵn sàng đi với giá vé cao nhưng cũng đành “ở lại thành phố” khi các hãng xe du lịch đều quá tải.

 

Cánh học sinh, sinh viên muốn tranh thủ về thăm nhà dịp nghỉ lễ dài ngày này cũng bở hơi tai mới mua được một tấm vé. (Tùng Nam)

 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
Phương Thảo - Cấn Cường