1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Bé trai 20 tháng tuổi đã biết đọc sách

18 tháng tuổi vẫn chưa biết nói nhưng 2 tháng sau đã có thể đọc sách báo, đếm số thứ tự - đó là cậu bé Lê Bá Hoàng Việt, sống ở tập thể viện Năng lượng (Trung Tự, Đống Đa, Hà Nội). Việt sinh ngày 17/2/2004.

Muốn kiểm tra khả năng đọc của Việt, khách đưa ra một tờ báo, cậu bé đọc ngay tên báo và tựa đề của một bài.

Bà Nguyễn Thị Hợp, bà nội cháu Việt, vốn là giáo viên, kể, so với những đứa trẻ khác, Việt chậm nói và hay suy tư hơn. Khi 18 tháng tuổi, cháu vẫn chưa biết nói, gia đình hơi lo lo. Nhưng đến 20 tháng tuổi, kể từ khi nói câu đầu tiên thì cháu trở nên nói nhiều và nhận thức rất nhanh.

Hôm đó, cả nhà vừa mở ti vi ra xem thì đến chương trình Hành trình văn hóa. Việt đọc luôn: "Hành trình văn hóa". Câu nói đầu tiên của bé khiến cả nhà kinh ngạc. Họ đã thử khả năng nói và đọc của cháu với nhiều loại sách báo khác nhau và nhận thấy cháu thực sự có đọc được.

Bà Hợp cũng cho biết Việt ít khi gọi bố gọi mẹ mà chủ yếu là đọc số đếm. Khi Việt xem TV thường rất tập trung, ít bị ảnh hưởng bởi các tác động bên ngoài. Muốn Việt ngừng khóc, chỉ cần mở TV cho cháu xem. Trong khi đang xem, Việt không thích "nói chuyện riêng".

Về cân nặng, chiều cao, Hoàng Việt hoàn toàn bình thường. Mẹ cháu khi mang thai, sinh nở cũng không có gì đặc biệt. Chỉ có điều Việt rất lười ăn. Mỗi khi muốn dỗ cháu ăn, bà nội thường lấy sách báo đọc cho nghe. Vậy là Việt chịu ăn theo kiểu mải nghe quên là mình đang ăn. Cũng theo bà nội thì bà có dạy cho cháu mặt chữ cái và các số đếm từ 1 đến 10 nhưng chưa bao giờ dạy ghép vần.

Bà Hợp cho biết con cái bà đều là những người thành đạt trong xã hội; bố Việt thông minh và đã được nhiều giải thưởng khi còn đi học. Gia đình rất tự hào về khả năng của Việt nhưng cũng cảm thấy lo lắng và muốn cháu có được môi trường tốt để phát triển bình thường.

Trẻ biết đọc sớm, tại sao?

 

Tiến sĩ Nguyễn Thị Ánh Tuyết, nguyên Trưởng khoa Giáo dục mầm non, Đại học Sư phạm Hà Nội, cho biết những đứa trẻ phát triển sớm có hai loại, một là phát triển sớm đầy đủ những chức năng tâm lý, năng lực chung của con người, hai là phát triển sớm một vài năng lực nào đó.

 

Cháu Việt có thể thuộc nhóm thứ hai. Ở nhóm này có những đứa trẻ rất giỏi về âm nhạc, có em giỏi về đọc, viết, có em sớm biết cộng trừ nhân chia hay xếp hình, vẽ tranh. Những trẻ này thường có khả năng tự khám phá, tự tìm lấy chữ chứ không cần dạy dỗ nhiều.

 

Cháu Việt có khả năng về chữ viết và số đếm. Theo tiến sĩ Tuyết, điều này có thể giải thích được vì cháu sinh ra trong môi trường chữ. Bà nội là giáo viên, hay dạy cháu, gia đình lại gồm những người có học vấn cao, có gene thông minh.

 

Tuy nhiên, tiến sĩ Tuyết cũng lưu ý gia đình để ý xem cháu đọc được nhưng có hiểu được không. Cách đây khoảng 3-4 năm, Bệnh viện Nhi Trung ương cũng phát hiện khoảng 4 cháu có khả năng đọc rất tốt nhưng không hiểu gì về nội dung đã đọc.

 

Rất sai lầm nếu cho rằng những trường hợp như cháu Việt là thần đồng rồi cho đọc những tài liệu khoa học rất khó để chứng minh là cháu chưa bao giờ đọc nhưng vẫn đọc được. Vấn đề là ở chỗ, các cháu có thể đọc được nhưng không thể hiểu. Vì vậy việc cho đọc lâu ngày như vậy sẽ hình thành tư duy kiểu lối mòn, tức là chỉ biết đọc mà không cần hiểu nghĩa.

Theo Sức khỏe và Đời sống