1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Bay không giấy tờ tùy thân: Lỗ hổng nghiêm trọng của ngành hàng không?

Thế Hưng

(Dân trí) - Sau phản ánh của báo chí về hiện tượng các đối tượng nhận tiền để giúp hành khách bay không cần giấy tờ tùy thân, nhiều ý kiến đồng tình đây là một lỗ hổng đáng lo ngại của ngành hàng không.

Gần đây, xuất hiện tình trạng nhiều đối tượng hoạt động trên không gian mạng sẵn sàng nhận hỗ trợ hành khách đi máy bay không mang giấy tờ tùy thân. Phân tích về hiện tượng này, Báo Đại đoàn kết ngày 17/5 tổ chức buổi tọa đàm "Lỗ hổng an toàn hàng không: Xử lý thế nào?".

Bay không giấy tờ tùy thân: Lỗ hổng nghiêm trọng của ngành hàng không? - 1

Tọa đàm "Lỗ hổng an toàn hàng không: Xử lý thế nào?" (Ảnh: Thế Hưng).

Giấy tờ tùy thân quan trọng như thế nào?

Tại buổi tọa đàm, ông Tô Tử Hùng, Trưởng Phòng An ninh hàng không, Cục Hàng không Việt Nam, khẳng định đảm bảo an toàn hàng không dân dụng là vấn đề không chỉ với phạm vi trong nội bộ đất nước mà mang tính phạm vi toàn cầu.

Ông Hùng cho biết, Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) đã đưa ra các quy chuẩn chặt chẽ và những khuyến cáo thực hành. Trong đó, các tiêu chuẩn bắt buộc chính phủ Việt Nam phải thực hiện và khuyến cáo thực hành phải được thực hiện ở mức cao nhất có thể.

Bay không giấy tờ tùy thân: Lỗ hổng nghiêm trọng của ngành hàng không? - 2

Ông Tô Tử Hùng, Trưởng Phòng An ninh hàng không, Cục Hàng không Việt Nam (Ảnh: Thế Hưng).

Lấy ví dụ các sự cố về an ninh đã xảy ra, ông Hùng chia sẻ, năm 2014, vụ mất tích máy bay MH370 của hãng hàng không Malaysia, có 2 cuốn hộ chiếu nằm trong danh sách hộ chiếu mất cắp. Tuy nhiên, phía Malaysia đã không phát hiện được và có 2 hành khách đã mua 2 cuốn hộ chiếu đó để lên máy bay với mục đích tìm kiếm tị nạn.

Theo Trưởng Phòng An ninh hàng không, giấy tờ nhân thân rất quan trọng khi sử dụng dịch vụ hàng không, mang tính bắt buộc về mặt pháp luật. Việt Nam đã có quy định rõ ràng về 14 loại giấy tờ chứng minh nhân thân khi bay trong nước.

Đồng thời, đại diện Cục Hàng không nhấn mạnh, khi đi quốc tế, hành khách bắt buộc phải có giấy tờ nhận dạng ảnh. Các loại giấy tờ này giúp các nhân viên hàng không đánh giá về mặt tiêu chí của những hành khách đi tàu bay có đúng người đó hay không.

Ngoài ra, giấy tờ tùy thân còn liên quan đến việc bồi thường nếu tàu bay xảy ra sự cố.

Lỗ hổng quản lý

Chia sẻ về việc này, Thượng tá, TS. Đào Trung Hiếu, chuyên gia giải mã tội phạm học, khẳng định đây là vấn đề đặc biệt quan trọng bảo đảm an ninh quốc gia. Nếu không kiểm soát chặt chẽ danh tính của khách hàng thì chuyến bay đó có thể rơi vào một số nguy cơ như: khủng bố, tội phạm bỏ trốn, trộm cắp tài sản.

Nhấn mạnh việc để lọt những người không rõ danh tính lên máy bay là lỗ hổng trong công tác quản lý, ông Hiếu nói việc này "vi phạm nghiêm trọng quy định của hàng không Việt Nam. Đây là hiện tượng cá biệt nhưng cần thiết nhận diện để bịt lỗ hổng trong công tác quản lý".

Tuy nhiên, Luật sư Trần Thu Nam lại nhận định, văn bản quy phạm pháp luật để kiểm tra, giám sát thực thi trong quá trình kiểm soát an ninh hàng không đã đầy đủ. "Lỗ hổng" ở đây có thể do những người thực thi gây ra. Nhân viên hàng không dù được đào tạo chuyên nghiệp và có những bộ quy tắc đạo đức nhưng có người vẫn vì lợi ích bản thân mà làm hỏng hệ thống, phá vỡ các quy trình.

Do đó, vị luật sư này khẳng định, lỗ hổng chính là con người.

Còn theo phân tích của Luật sư Nguyễn Văn Chiến, Nguyên Ủy viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, Đại biểu Quốc hội khóa XIV, hành lang pháp lý rất đầy đủ, nhưng khâu thực hiện như thế nào. 

"Lỗ hổng này đang ở khâu nào? Tôi cho rằng lỗ hổng ở khâu tổ chức thực hiện", luật sư Chiến nói.

Ông Chiến thừa nhận, những trường hợp không có giấy tờ tùy thân vẫn qua được kiểm soát về mặt an ninh chính là lỗ hổng quản lý.

Nói thêm về hiện tượng các đối tượng hỗ trợ hành khách không có giấy tờ tùy thân lên máy bay, ông Tô Tử Hùng cho biết, vụ việc liên quan tới trách nhiệm của các hãng hàng không. Đại diện Cục Hàng không Việt Nam khẳng định không thể dung túng cho đường dây hay bất cứ cá nhân nào nếu có hành vi vi phạm.

"Quan điểm của Cục Hàng không Việt Nam là chúng tôi không ngừng, không nghỉ, kiên quyết, kiên trì xử lý, không có vùng cấm", ông Hùng nói.