Bát nháo chất lượng hàng hóa hội chợ xuân
(Dân trí) - Hội chợ xuân 2006 có đến 950 gian hàng tham dự, là hội chợ lớn nhất từ trước đến nay. Trước ngày khai mạc, 12/1, Ban tổ chức đã rất kỳ vọng vào sự thành công, ấn tượng của hội chợ lần này. Nhưng dường như ngay trong chính sự hoành tráng, ấn tượng của hội chợ vẫn còn quá nhiều vấn đề cần xem xét lại.
Hỗn loạn hàng hoá
Ba khu nhà A1, A3, D hội chợ xuân tại triển lãm Giảng Võ nêm chặt bởi hàng hoá. Những gian hàng bán và giới thiệu sản phẩn của đủ các công ty, đơn vị, quen thuộc có, lần đầu tiên nghe tên thấy mặt cũng có. Đi kèm với các “đại gia” dường như lúc nào cũng là vài ba mặt hàng “ngồi ké”. Chính sự phong phú, đa dạng của các loại hàng hóa, thương hiệu không hiểu vì vô tình hay từ sự sắp xếp có chủ đích đã tạo ra những sự tạp nham, lập lờ, đánh lừa người tiêu dùng.
Gian sản phẩm căng tấm biển rất to “Công ty CP bánh kẹo Kinh Đô” khá dài. Ngay dưới tấm biển là những giỏ quà đủ loại từ các sản phẩm của hãng, các loại bánh, kẹo đóng hộp và cả hàng bán theo cân. Vẫn liền dãy bàn bày sản phẩm đó, bên tay trái tấm biển, cả núi bánh, mứt đủ loại.
Người nhân viên bán hàng chào mời khá sôi nổi. Khi khách hàng cố gạn hỏi về xuất xứ, nhãn mác của nhiều loại sản phẩm, người bán hàng mới trả lời: “Không phải sản phẩm nào cũng của Kinh Đô”. Theo người bán hàng này, một loại kẹo tròn nhỏ, gói từng viên trong giấy nilon bóng màu cầu vồng là của Kinh Đô, giá 50.000đ/kg, còn loại kẹo bọc giấy tương tự nhưng to hơn, hình vuông, chữ nhật thì lại không phải của Kinh Đô, giá cũng 50.000đ/kg.
Lúc này nhìn kỹ mới thấy bên vách phải của gian hàng bánh kẹo Kinh Đô có một tấm biển khác nhỏ hơn, treo ngang, không phải thẳng phía trước gian hàng nên ít ai để ý, có để ý cũng khó thấy, khó nhớ tên một công ty TNHH nào đó. Đây có phải kiểu “lập lờ đánh lận con đen”?
Trong cả hai khu trưng bày, tình trạng cứ một “đại gia” tên tuổi lại có một, hai góc hàng hoá của đơn vị khác ngồi chung, thậm chí là ghép với loại sản phẩm không ăn nhập gì với sản phẩm chính, rất phổ biến. Nhãn hiệu áo vest, complet T.T có thêm một cái bàn con bày bán phong bao lì xì, bóng bay, vài thứ đồ chơi… giá đều cao gấp đôi giá bán bên ngoài. Còn cùng gian hàng với một công ty kinh doanh trà Atiso Đà Lạt lại có một góc bán đủ loại mứt, ô mai. Hỏi kỹ mới biết đây là sản phẩm của cửa hàng ômai 15 Hàng Đường đứng “ké”.
| |
Dù có biển đại há giá, nhưng chưa chắc |
Ngược lại những mặt hàng “ôi”, năm nay hội chợ xuân bùng nổ mặt hàng rượu ngâm truyền thống. Thôi thì đủ loại từ ong đất, tằm, rắn cho đến rượu vây cá mập, rượu chân gấu, rượu “ngọc dương” (rượu ngâm dương vật dê), rượu “hải cẩu bim” (rượu ngâm dương vật hải cẩu), rồi cả loại ngâm ta hoả tam tinh 12 loại rắn, hàng chục vị thuốc bắc, cá ngựa, sao biển, bìm bịp... lên tới 20 - 30triệu đồng/bình. Tất cả đều để “tăng cường sinh lý”. Không biết giá trị thực của các vị thuốc thần có tương đương với lời giới thiệu và giá thành của chúng.
Tràn ngập mỹ phẩm kém chất lượng
Nằm trong sự lộn xộn, bát nháo của một bộ phận quầy hàng hội chợ Xuân 2006 lần này có sự đóng góp của các hàng bán mỹ phẩm. Son môi, phấn nền, phấn mắt… được đựng trong các rổ nhựa, khay nhựa một cách xộc xệch, bừa bãi. Điều khá đặc biệt là các chủ hàng này đều trưng biển giảm giá nên khách ghé lại mua khá đông.
Tại một gian có tên là Mỹ phẩm OLAY, quầy hàng này chỉ có một góc trong cùng để các sản phẩm OLAY, còn phía ngoài là hàng loạt rổ nhựa đựng các loại mỹ phẩm E'TUDE, Maybelline, Essance. Nhìn phía ngoài vỏ, các thỏi son, lọ kem dưỡng da... trông còn khá mới nhưng khi mở nắp, đầu các thỏi son hầu hết là bị sứt, gãy, có nhiều thỏi đã mất đi độ bóng của màu son.
Giá mỗi thỏi son này rẻ bằng một nửa hoặc một phần ba so với các cửa hàng bên ngoài. Chẳng hạn son Essance chỉ từ 18.000đ - 25.000đ/thỏi, E'TUDE giá 35.000đ/thỏi, Maybelline từ 30.000đ- 45.000đ. Khi được hỏi tại sao giá lại rẻ như vậy, cô bán hàng giải thích: "Đây là son chính hãng nhưng do quá trình vận chuyển bị va đập, dẫn đến trầy xước nên giảm giá bằng với giá nhập vào".
Gian bán quần áo của Công ty Thương mại dịch vụ Phương Nga cũng khéo chọn cho mình một khoảng trống để bày những khay đựng các loại mỹ phẩm. Cũng là Essance, Maybelline, cũng giảm giá đến 30 - 40% cùng những lời chào mời hết sức đon đả.
Chị Thu Hà (Giảng Võ, Hà Nội) - một người đi hội chợ cho biết: "Khi mua mỹ phẩm, tôi thường kín đáo lấy móng tay cậy vào tem bảo hành, tem bị vụn ra, tức là hàng thật, chính hãng, còn nếu cậy mà tem không hề có một vết xước nào tức là hàng nhái. Thấy hàng đại hạ giá, tôi cũng đã ghé vài cửa hàng nhưng khi lấy móng tay cậy mạnh, tem chống hàng giả không hề xây xước chút nào".
Một khách hàng bức xúc: "Không hiểu khi tổ chức hội chợ, Ban tổ chức có kiểm tra các nguồn hàng của các công ty đưa vào trưng bày và bán hay không? Quy mô hội chợ thì lớn thật đấy, nhưng xem ra lại hết sức xô bồ và nguồn gốc hàng cũng không được bảo đảm cho lắm. Điển hình là mặt hàng mỹ phẩm, chỉ chiếm một phần nhỏ tại hội chợ nhưng sẽ khiến cho khá nhiều người mua hàng nhầm tưởng là hàng thực sự giảm giá. Nếu so với mặt hàng kém chất lượng tại các chợ bên ngoài, cái giá đại hạ này vẫn còn đắt hơn nhiều".
Không thể phủ nhận những điểm nổi trội của Hội chợ Xuân năm nay. Nhiều người chỉ cần bỏ ra một buổi là có thể mua sắm cho mình khá đầy đủ những mặt hàng cần có trong ngày tết. Nhưng đã đến lúc tiểu ban kiểm tra chất lượng hàng hoá (có đại diện từ Sở Thương mại, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Y tế, Chi cục quản lý thị trường) cần phát huy tác dụng hơn bao giờ hết để đảm bảo lợi ích cho người tiêu dùng.
Hơn hết, người tiêu dùng phải tự bảo vệ mình, chọn mua những mặt hàng có nguồn gốc xuất xứ một cách rõ ràng để tránh hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng.
Phương Thảo - Nguyễn Hiền