1. Dòng sự kiện:
  2. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết
  3. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh

“Bắt mạch” chất lượng công trình giao thông

(Dân trí) - Bộ GTVT vừa “bắt bệnh” và đưa ra những yếu kém trong quản lý chất lượng các công trình giao thông từ khâu tư vấn thiết kế, giám sát và thi công… nhằm chống thất thoát, tăng tính hiệu quả trong đầu tư xây dựng cơ bản.

Hư hỏng “đồng bộ”

Thống kê cho thấy, chỉ tính riêng trong năm 2010, ngành giao thông đã có sự phát triển mạnh mẽ với mức giải ngân đạt khoảng 40.000 tỷ đồng. Hàng loạt công trình được cải tạo và xây dựng mới đạt hơn 1.000km đường bộ, trên 8.700m cầu, các công trình nhà ga, sân đỗ.... Tuy nhiên, trên thực tế có nhiều công trình giao thông mới thi công, sau khi đưa vào sử dụng đã nhanh chóng xuống cấp và hư hỏng.
 
“Bắt mạch” chất lượng công trình giao thông - 1

Thực trạng công trình vừa thi công xong đã hỏng khá nhiều
(trong ảnh: mặt cầu Thăng Long - Hà Nội hỏng sau 2 tháng thông xe)

Ông Trần Quốc Việt - Cục trưởng Cục Quản lý Xây dựng và Chất lượng công trình giao thông - cho biết: “Qua kiểm tra theo dõi, chúng tôi nhận thấy một số hạng mục thường xuyên xảy ra hư hỏng nhất là: lún sụt nền đường, sạt lở taluy nền đường, lún và sụt lở 2 đầu cầu, mặt đường bị rạn nứt hoặc bong bật; Mố cầu bị chuyển vị, dầm cầu bị nghiêng đổ trong quá trình thi công…

Điều này thể hiện khá rõ tại một số dự án như: QL1, QL2, QL 3, QL6, QL48, đường tránh Huế, QL 91 (Cần Thơ), QL 53 (Vĩnh Long), QL 48 (Nghệ An - Dự án WB4), một số đoạn trên quốc lộ 1A (Hợp phần bảo trì dự án WB4), QL 27B, trải thảm nhựa dự án cầu Thăng Long, tuyến tránh Phú Yên….”.

“Nguyên nhân dẫn tới công trình yếu là do nguồn vốn đầu tư cho dự án còn hạn hẹp dẫn đến hạn chế trong việc xác định quy mô đầu tư. Đồng thời, sự phát triển nhanh về lưu lượng giao thông vận tải cũng khiến nhiều tuyến đường nhanh chóng xuống cấp” - ông Việt chỉ rõ.

Ông Việt cũng thẳng thắn thừa nhận: Các dự án còn kém trong rất nhiều khâu quan trọng, đặc biệt là công tác tư vấn thiết kế công trình còn nhiều hạn chế. Ngay từ bước lập dự án, thiết kế cơ sở chưa đảm bảo chất lượng dẫn tới nhiều dự án phải điều chỉnh quy mô, giải pháp thực hiện dẫn tới mất thời gian, tốn kém kinh phí.

Bên cạnh đó, trong quá trình thi công, việc quản lý chất lượng của các nhà thầu chưa tuân thủ theo đúng quy trình, tiêu chuẩn dự án. Nhiều công trình triển khai thiếu khoa học, thi công bề bộn. Bộ máy kiểm soát chất lượng và chi phí cho việc đảm bảo chất lượng của nhà thầu kém dẫn tới nguy cơ vi phạm chất lượng công trình là rất lớn.

Có trường hợp, nhiều chủ đầu tư đã chấp nhận bỏ giá thấp để thắng thầu. Tuy nhiên, điều này cũng rất nguy hiểm bởi hệ lụy tiếp theo sẽ dẫn tới yếu kém về chất lượng trong quá trình thi công do không đủ vốn, chi phí cho công trình.

Quy trách nhiệm rõ ràng

Tại Hội nghị Tăng cường Quản lý chất lượng công trình giao thông, đại diện Hội đồng nghiệm thu Nhà nước các công trình xây dựng cho biết: “Hiện nay, thực trạng một số công trình giao thông thường được phân chia thành nhiều gói thầu và nhiều nhà thầu tham gia, kể cả một số nhà thầu nhỏ năng lực hạn chế đang gây rất nhiều khó khăn cho công tác quản lý chất lượng dự án. Vì thế, ngay từ khâu lựa chọn nhà thầu cần phải đánh giá đúng năng lực, đáp ứng đủ các điều kiện quy định”.
 
“Bắt mạch” chất lượng công trình giao thông - 2
Cần quy rõ trách nhiệm đối với những đơn vị làm sai khiến chất lượng công trình kém

Ý kiến của nhiều đơn vị khác trực thuộc Bộ GTVT lại cho rằng: “Muốn chất lượng công trình được nâng cao thì cần phải rà soát lại các khâu chính sách nhằm quản lý chất lượng theo hướng minh bạch, chịu trách nhiệm (đơn vị nào làm sai, đơn vị đó phải chịu trách nhiệm), điều chỉnh bổ sung nghị định 209 và nghị định 49 để phân cấp quản lý”.

Theo đó, cần xác định rõ trách nhiệm của chủ thể tham gia bảo đảm chất lượng công trình, đặc biệt là khâu tư vấn giám sát,các tổ chức tham gia giám sát xây dựng; đồng thời kiến nghị Bộ GTVT cần hoàn thiện mô hình các Ban QLDA để áp dụng thống nhất với các Ban QLDA hiện nay. Qua đó, thống nhất từ Quản lý chất lượng giám sát xây dựng của chủ đầu tư để kiểm tra các nhà thầu và tư vấn giám sát tại hiện trường.

Phân tích ở góc độ khác, ông Hoàng Hà, Vụ trưởng Vụ Khoa học - Công nghệ, Bộ GTVT kiến nghị: Bộ GTVT cũng cần làm rõ cơ chế quản lý an toàn chất lượng đối với các dự án xây dựng theo các hình thức khác nhau như: dự án sử dụng vốn ngân sách, dự án ủy quyền chủ đầu tư cho các địa phương, dự án BOT, BTO, BT, PPP… Đồng thời, cũng cần nghiên cứu lại các tiêu chuẩn phân cấp tải trọng xe trong thiết kế cầu để có lựa chọn chính xác trong xây dựng các dự án giao thông nông thôn, miền núi, tăng tính linh hoạt giữa các vùng miền.

Trong vài năm trở lại đây, ngành giao thông đang có mức tăng trưởng khá mạnh (khoảng 30%/năm), đó là sự phát triển đáng mừng. Nhưng cùng với sự phát triển “nóng” trên, các công trình đã và đang lộ rõ nhiều bất cập.

Bộ GTVT quyết định chọn năm 2011 là năm “nâng cao chất lượng công trình giao thông”, qua đó rà soát, siết chặt các khâu quản lý… với mục tiêu hiệu quả đầu tư phải đi đôi với kết cấu bền vững, các dự án phải đạt tiêu chuẩn chất lượng cao.

Quỳnh Anh