Thanh Hóa:

Bất lực với xưởng tái chế dầu diezen trái phép gây ô nhiễm?

(Dân trí) - Một xưởng tái chế dầu diezen tại xã Phú Lâm, huyện Tĩnh Gia (Thanh Hóa) đang khiến người dân kêu trời vì ô nhiễm. Đáng nói, dù xưởng đã hoạt động trái phép 6 năm qua nhưng cơ quan chức năng dường như bất lực.

Dân khốn khổ vì ô nhiễm

Theo phản ánh của các hộ dân thôn Thung Cối, xã Phú Lâm, từ khi xuất hiện xưởng tái chế dầu diezen của gia đình ông Dương Văn Trường (trú tại xã Hải Thanh), tình trạng ô nhiễm tại địa phương rất nghiêm trọng, cuộc sống của người dân bị đảo lộn.

Không những phải chịu tra tấn bởi mùi hắc khủng khiếp của dầu, người dân còn phải hứng chịu bụi than bám đầy nhà cửa, cây cối thành từng mảng đen sì.

Mùi dầu thải bốc lên khiến người dân khốn khổ.
Mùi dầu thải bốc lên khiến người dân khốn khổ.

Được biết, dầu máy thải từ khắp mọi nơi được chủ cơ sở thu gom về, sau đó, bỏ vào lò để tiến hành tái chế. Sau khi đốt, dầu diezen ngưng tụ và chảy vào một bể chứa, còn lại trong lò là bã dầu, bã dầu sau đó được tái sử dụng làm chất đốt.

Một người dân sống ở gần đó bức xúc: “Mỗi khi xưởng đốt dầu tái chế, khói đen bốc lên ngùn ngụt, tỏa đi khắp vùng. Người dân chúng tôi, từ già đến trẻ không dám đi ra đường. Chúng tôi đã phải chịu đựng tình trạng khốn khổ vì ô nhiễm này đã 6 năm qua. Thế nhưng, dân chúng tôi cũng kêu mãi rồi, không hiểu vì sao cơ quan chức năng bất lực khi không thể cấm được xưởng này hoạt động”.

Cũng theo người dân thì trước khi đến xã Phú Lâm để hoạt động, xưởng này đã hoạt động tại xã Hải Thanh.

Theo ghi nhận, xưởng đốt hoạt động liên tục, khói đốt bốc lên nghi ngút tỏa ra khắp nơi, mùi hắc của dầu ngây ngất, khó chịu, bụi bặm khắp nơi đúng như những gì người dân phản ánh. Tại xưởng, có rất nhiều công nhân, tuy nhiên tất cả đều được “cửa chốt then cài”. Theo quan sát, bên trong xưởng đốt có nhiều bể chứa, lò đốt và thùng phuy.

Bất chấp bị cấm, phạt vẫn cứ hoạt động

Ông Dương Văn Trường, chủ cơ sở tái chế dầu phân trần: “Do xưởng đốt hoạt động với quy mô nhỏ nên việc xin cấp phép theo quy định là rất khó, ngoài thủ tục cấp phép phức tạp thì phải bỏ ra hàng tỷ đồng để được cấp phép. Như vậy xưởng chịu sao nổi”.

Cũng theo ông chủ cơ sở tái chế dầu diezen này, sau khi xưởng đi vào hoạt động, các cơ quan chức năng như C49 – Cục cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường Bộ Công an cũng đã về xử phạt cơ sở vài triệu đồng. Đặc biệt, vừa qua Phòng cảnh sát môi trường Công an tỉnh Thanh Hóa về kiểm tra và cũng đã ra quyết định xử phạt 300 triệu đồng.


Xưởng hoạt động trái phép đã 6 năm qua.

Xưởng hoạt động trái phép đã 6 năm qua.

Trao đổi về vấn đề trên, ông Lê Đức Nam - Chủ tịch UBND xã Phú Lâm cho biết: “Xưởng tái chế dầu trên hoạt động tại địa bàn xã từ năm 2012. Đến nay, cơ sở này vẫn chưa được cấp phép xây dựng và các thủ tục liên quan đến môi trường”.

“Chúng tôi đã nhiều lần phối hợp với Công an huyện, Phòng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh Thanh Hóa kiểm tra tại xưởng, xã chỉ có chức năng phối hợp để kiểm tra thực tế, còn thẩm quyền xử phạt và đình chỉ hoạt động lại thuộc cơ quan chức năng của cấp trên” – Chủ tịch xã Phú Lâm cho biết thêm.

Ông Nam cũng cho biết, cơ quan chức năng đã nhiều lần ra quyết định xử phạt, thậm chí, xử phạt rất nặng, lên đến hàng trăm triệu đồng và đình chỉ hoạt động; nhưng cơ sở trên vẫn chây ỳ không chịu chấm dứt (?!).

Bình Minh