TPHCM:
Bất lực trước tình trạng chiếm dụng bảo hiểm xã hội
(Dân trí) - Chế tài xử lý đối với những doanh nghiệp chiếm dụng quỹ Bảo hiểm xã hội chẳng những không đủ sức răn đe mà còn làm lợi cho doanh nghiệp. Tình trạng chiếm dụng quỹ bảo hiểm, trốn đóng bảo hiểm ngày càng phổ biến khiến Thanh tra lao động không kịp xử lý.
Tính đến hết năm 2014, Bảo hiểm Xã hội TPHCM đã nỗ lực phối hợp với chính quyền địa phương các cấp phát triển thêm hơn 8,5 nghìn đơn vị tham gia bảo hiểm cho hơn 52 nghìn lao động. Tuy nhiên, trên thực tế, độ bao phủ bảo hiểm của đối tượng đang trong độ tuổi lao động mới chỉ đạt 44,63%. Số người trong độ tuổi lao động chưa tham gia bảo hiểm đang rơi vào các doanh nghiệp trốn bảo hiểm hoặc người lao động tự do.
Hiện trên địa bàn thành phố đã có 551.554 đơn vị cùng tham gia bảo hiểm. Tuy nhiên, theo ước tính của Sở Lao động Thương binh và Xã hội, trong năm 2014 TPHCM còn khoảng 40.000 doanh nghiệp chưa tham gia Bảo hiểm Xã hội, Bảo hiểm Y tế, Bảo hiểm Thất nghiệp theo quy định của pháp luật. Đa phần trong số đó là những doanh nghiệp nhỏ với quy mô dưới 10 công nhân. Tuy nhiên, không ít doanh nghiệp có quy mô vừa và lớn nhưng vẫn cố tình trốn tránh nghĩa vụ đối với người lao động.
Nhiều doanh nghiệp đã đăng ký tham gia bảo hiểm, nhưng lại cố tình chây ì, chậm thanh toán bảo hiểm đến cơ quan quản lý bảo hiểm. Mặc dù thực tế, mỗi tháng doanh nghiệp vẫn đều đặn trừ tiền Bảo hiểm Xã hội, Bảo hiểm Y tế, Bảo hiểm Thất nghiệp từ lương của người lao động. Thực trạng trên, không chỉ khiến người lao động bị ảnh hưởng mà còn khiến bảo hiểm xã hội thất thu.
Theo phân tích của ông Cao Văn Sang, Giám đốc Bảo hiểm Xã hội thành phố, nguyên nhân dẫn tới tình trạng trên là do sự tác động của suy thoái kinh tế khiến nhiều doanh nghiệp rơi vào cảnh khó khăn, phá sản hoặc hoạt động cầm chừng, người lao động nghỉ việc, thất nghiệp gia tăng. Mặt khác, nhận thức về nghĩa vụ, quyền lợi và trách nhiệm trong việc tham gia bảo hiểm của người sử dụng lao động, người lao động còn hạn chế.
Tổng kết năm 2014, số tiền nợ bảo hiểm trên địa bàn thành phố còn 1.455,6 tỷ đồng. Trong đó, nợ Bảo hiểm Xã hội là 1.146,1 tỷ; nợ Bảo hiểm Thất nghiệp 42 tỷ; nợ Bảo hiểm Y tế 267,5 tỷ. Đây phần lớn là những khoản nợ bảo hiểm khó đòi. Ông Cao Văn Sang cho rằng, Luật bảo hiểm còn nhiều kẽ hở, quy định xử phạt, chế tài còn chưa nghiêm minh, không đủ sức răn đe. Các doanh nghiệp đang cố tình chiếm dụng quỹ Bảo hiểm Xã hội bởi mức xử phạt chậm đóng quá thấp so với lãi suất ngân hàng cho vay nên việc chiếm dụng sẽ làm lợi cho doanh nghiệp.
Từ thực thế trên, các doanh nghiệp đua nhau chiếm dụng quỹ bảo hiểm, đại diện Bảo hiểm Xã hội thành phố thừa nhận số lượng doanh nghiệp vi phạm quá nhiều nên cơ quan Thanh tra lao động chưa đủ sức thanh kiểm tra. Tình trạng vi phạm pháp luật về đóng Bảo hiểm Xã hội trong các doanh nghiệp chậm được khắc phục nên hậu quả ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn.
Trước tình trạng trên, Bảo hiểm Xã hội thành phố đã liệt kê danh sách các đơn vị nợ bảo hiểm từ 6 tháng, có số nợ từ 50 triệu đồng trở lên lập hồ sơ khởi kiện ở tòa án. Sau khi có quyết định của tòa án mà đơn vị vẫn không thi hành, Bảo hiểm Xã hội tiếp tục làm đơn yêu cầu thi hành án gửi cho Chi cục Thi hành án. Bằng giải pháp này, trong năm 2014, Bảo hiểm Xã hội thành phố đã kiện 1.717 doanh nghiệp thu hồi được gần 130 tỷ đồng. Tuy nhiên, số tiền trên mới chỉ thu về được 27,1% trên tổng số nợ.
Để ngăn chặn, tiến tới chấm dứt tình trạng doanh nghiệp trốn tránh thực hiện nghĩa vụ đối với người lao động; chiếm dụng quỹ bảo hiểm, ông Huỳnh Thanh Khiết, Phó Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội thành phố kiến nghị Quốc hội chuyển giao cho cơ quan Bảo hiểm Xã hội chức năng thanh tra, xử phạt những doanh nghiệp xâm phạm quyền lợi của người lao động; bổ sung Luật hình sự để xử lý việc chiếm dụng quỹ Bảo hiểm Xã hội.
Vân Sơn