1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

TPHCM:

Bắt đầu “mùa dịch chuyển lao động”

(Dân trí) - Đến hẹn lại lên, tháng đầu tiên sau Tết Nguyên đán luôn là thời điểm mà các doanh nghiệp sản xuất đổ xô tuyển dụng lao động mới do người lao động “dịch chuyển”.

Bắt đầu “mùa dịch chuyển lao động” - 1
Tháng đầu năm luôn là thời điểm mọi người tìm kiếm công việc mới (ảnh minh họa)

Theo ông Trần Anh Tuấn, Phó giám đốc thường trực Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TPHCM (Falmi) thì thời điểm này các doanh nghiệp cần nguồn lao động trực tiếp sản xuất, do đó có thể diễn biến tình trạng thiếu hụt lao động và liên tục tuyển dụng lao động.

Nguyên nhân của hiện tượng trên là vì nhóm đối tượng lao động phổ thông trong các ngành cần nhiều nhân lực thường sẽ chọn thời điểm đầu năm để chuyển sang làm việc khác, làm ở công ty khác có lương cao hơn hoặc về quê rồi không quay trở lại. Đặc biệt trong thời gian gần đây, xu hướng “dịch chuyển ngược” ở thị trường lao động TPHCM ngày càng phát triển, tức là lao động các tỉnh có xu hướng trở về làm việc tại các doang nghiệp địa phương ngày càng nhiều.

Hiện tượng chuyển dịch lao động này không chỉ diễn ra trong tháng 2 mà dự kiến còn kéo dài sang đến giữa quý 2/2012 mới bắt đầu ổn định. Tuy nhiên, ông Trần Anh Tuấn cũng dự báo là hiện tượng “dịch chuyển” lao động thường niên này trong năm nay sẽ không ồ ạt như các năm trước. Bởi năm nay các doanh nghiệp sẽ chú trọng nhiều đến việc kiện toàn bộ máy nhân sự để tối ưu hóa việc sản xuất hơn là phát triển, mở rộng.

Dù không ồ ạt như các năm nhưng Falmi vẫn dự báo sẽ có đến 20% tổng số lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp sẽ tham gia “dịch chuyển” trong “mùa dịch chuyển” này. Dự kiến các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố sẽ có nhu cầu tuyển dụng mới khoảng 30.000 chỗ làm việc trong tháng 2 này với cơ cấu trình độ đại học – trên đại học (7%), cao đẳng (8%), trung cấp (13%), công nhân kỹ thuật – sơ cấp nghề (15%), lao động phổ thông (57%).

Các ngành nghề tuyển dụng nhiều trong thời điểm đầu năm này vẫn thuộc về một số ngành nghể như: Dệt may – Da giầy, Xây dựng, Cơ khí, Điện – Điện tử, Viễn thông, Marketing, Dịch vụ - Phục vụ…

Trong tháng 1/2012, nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp cũng không tăng trong các ngành cần lao động trực tiếp sản xuất, nhu cầu tuyển dụng chủ yếu các ngành dịch vụ nhưng không nhiều.