Chống buôn lậu xăng dầu trên biên giới An Giang:
Bắt cóc bỏ đĩa
Mấy ngày nay, khi giá xăng dầu trên thế giới đang nhích dần lên, giá xăng dầu trong nội địa với bên kia biên giới cũng chênh lệch khoảng 5.000 đồng/lít. Điều này giống như cú hích khiến dòng sông xăng dầu lậu trên tuyến biên giới lại cuồn cuộn chảy.
Xăng vẫn chảy mạnh qua biên giới
22 giờ, có mặt tại cửa chợ Long Bình (huyện An Phú), chúng tôi đã choáng ngợp trước cảnh hì hục bơm xăng, dầu vào can chất đầy trên hai bè xăng, dầu. Từ đây chỉ băng qua con sông Bình Di rộng hơn 30 mét là đã bước vào địa phận nước bạn. Đi ngược vào nội địa độ hơn 1 cây số, chúng tôi lại nhiều lần chứng kiến cảnh tượng này.
Tại quán càphê nằm trên đường đất sát bờ sông, nơi tập hợp và nghỉ chân của lực lượng chuyển xăng dầu lậu, tôi làm quen với H., biệt hiệu H. "què", một chuyên gia chuyển xăng mướn. H. cho biết: Chủ cây xăng đài thọ toàn bộ nhiên liệu vận chuyển, mình chỉ gia công, chở qua bờ bên kia được hưởng 1.000 đồng/can (30 lít) dầu và 2.000 đồng/can xăng. Mấy hôm nay, mỗi đêm tôi kiếm được khoảng 400 ngàn.
Tuy nhiên, thu nhập của H. vẫn còn kém xa "tam đại hiệp", chuyên vận chuyển cho cơ sở của bà Th., vì có hôm mỗi thành viên trong nhóm này thu nhập đến bạc triệu.
Một người chuyên làm thuê sổ sách cho các cửa hàng xăng dầu ở đây cho biết, bình quân mỗi cửa hàng tiêu thụ gần 400.000 lít xăng, dầu/tháng. Với 10 cửa hàng đang hoạt động, chỉ tính riêng khu vực cửa khẩu Khánh Bình, mỗi tháng có đến 4 triệu lít nhiên liệu chảy qua biên giới.
Còn tại cửa khẩu Vĩnh Xương, huyện Tân Châu, Xuân Tô, huyện Tịnh Biên, do phải băng qua đồng trống nên các cửu vạn chỉ tận dụng thời gian lực lượng chống lậu lơ là mới tổ chức đai vác từng can một, hoặc xé lẻ ra bằng cách cho vào bao nylon, khi bị phát hiện thì dùng kim đâm để phi tang. Thế mà mỗi ngày ở Tân Châu cũng "xuất" được 5-6 ngàn lít...
Bắt cóc... bỏ đĩa
Anh Liêm - Chi cục trưởng Hải quan Khánh Bình - cho biết: Với đường biên chỉ là con sông rộng hơn 30m vào mùa khô như hiện nay, thì đâu đâu trên tuyến sông này cũng là đường, vì vậy việc chống buôn lậu xăng dầu qua biên giới rất nan giải. Trong khi đó, chỉ cần đưa ghe đến giữa sông là đã bước sang địa bàn nước bạn. Vì vậy không ít lần truy đuổi đến giữa sông nhóm buôn lậu quay lại trêu tức, thậm chí còn buông lời thách thức.
Theo lời anh Liêm, cái khó ở đây chính là sự bất cập trong công tác quản lý nhà nước khi các cơ quan chuyên môn thiếu tính toán đến nhu cầu thực tế, khi cấp phép cho các cơ sở ngành nghề đặc biệt này tại các địa điểm vốn rất nhạy cảm trên biên giới.
Ông Trần Bửu Tài - Trưởng phòng Tham mưu chống buôn lậu và xử lý, Hải quan An Giang - cho biết: Cho đến nay, toàn lực lượng chống buôn lậu của cả tỉnh vẫn chưa xây dựng được kho chuyên dụng chứa xăng dầu. Vì vậy, gần như sau khi bắt giữ xong là các đơn vị lại phải gửi lại cho cơ sở kinh doanh xăng dầu gần nhất để họ tiêu thụ giúp. Nói cách khác là bán lại cho chính các chuyến vận chuyển lậu sang bên kia biên giới!
Theo Lục Tùng
Lao Động