1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Bão Yinxing nhiều ngày duy trì cấp rất mạnh trước khi suy yếu nhanh

Nguyễn Hải

(Dân trí) - Trong 24 giờ tới bão Yinxing sẽ mạnh nhất và sau đó giảm dần do gặp những yếu tố không thuận lợi về không khí, bề mặt, độ ẩm.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, đến 10h ngày 9/11, bão số 7 (tên gọi Yinxing) trên khu vực Bắc Biển Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 415km về phía Đông Bắc.

Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão cấp 14 (150-166km/h), giật cấp 17; di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, tốc độ khoảng 15km/h.

Như vậy, từ khi bão Yinxing vào Biển Đông sáng sớm 8/11, đã liên tục duy trì cấp cực đại (cấp 14, giật cấp 17).

Đến 10h sáng mai (10/11), tâm bão trên vùng biển phía Tây Bắc khu vực Bắc Biển Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 290km về phía Bắc. Cường độ bão có xu hướng giảm, còn cấp 12-13, giật cấp 16. Sau đó, bão Yinxing đổi hướng di chuyển Tây Nam, tốc độ khoảng 10-15km/h, suy yếu nhanh.

Đến 10h sáng 11/11, tâm bão cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 160km về phía Tây Bắc; tiếp tục giảm còn cấp 10, giật cấp 13, di chuyển theo hướng Tây Nam.

Bão Yinxing nhiều ngày duy trì cấp rất mạnh trước khi suy yếu nhanh - 1

Hướng di chuyển của bão Yinxing (Ảnh: NCHMF).

Trong 24 giờ tiếp theo, bão số 7 giữ nguyên hướng di chuyển và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới. Lúc 10h ngày 12/11, áp thấp nhiệt đới có gió mạnh cấp 6, trên đất liền các tỉnh Quảng Nam đến Bình Định.

Từ 72 đến 96 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Nam, mỗi giờ đi được khoảng 10km và suy yếu thành một vùng áp thấp.

Ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, cho biết qua phân tích, đánh giá, theo dõi các hệ thống mây vệ tinh cho thấy bão số 7 khi tiến về đảo Hoàng Sa sẽ tương đối thuận lợi để mạnh lên.

Tuy nhiên, khi đi sâu vào Biển Đông nhiệt độ bề mặt thấp cộng thêm không khí khô, không khí lạnh phía Bắc tràn xuống nên bão sẽ suy yếu. 

Hướng di chuyển của bão số 7 hiện bị chi phối bởi dòng dẫn môi trường áp cao cận nhiệt đới nên khó có thể đi về phía Bắc. Do đó, khi đi vào Bắc quần đảo Hoàng Sa bão sẽ đổi hướng Tây Tây Nam đi về phía biển Trung Trung Bộ.

Với tác động của môi trường hiện tại, trong 24 giờ tới bão sẽ mạnh nhất và sau đó giảm dần do gặp những yếu tố không thuận lợi về không khí, bề mặt, độ ẩm. 

Qua phân tích vệ tinh ngoài cơn bão số 7, dải hội tụ nhiệt đới cắt ngang qua vùng xích đạo có rất nhiều vùng nhiễu động hình thành và có khả năng phát triển thành bão, áp thấp nhiệt đới. Chính vì vậy, ngoài bão Yinxing, chúng ta cần lưu ý ứng phó với các cơn bão tiếp theo có thể hình thành từ Philippines.