1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Bảo vệ nghiêm ngặt cây Vân sam Fansipan quý hiếm trên dãy Hoàng Liên

Phạm Ngọc Triển

(Dân trí) - Nhiều năm nay, Hạt Kiểm lâm Hoàng Liên (Vườn quốc gia Hoàng Liên) có nhiều giải pháp bảo vệ nghiêm ngặt quần thể cây Vân sam Fansipan, cây đặc hữu rất quý hiếm của Việt Nam trên dãy Hoàng Liên.

Bảo vệ nghiêm ngặt cây Vân sam Fansipan quý hiếm trên dãy Hoàng Liên - 1

Cành cây Vân sam Fansipan có dáng đẹp, thuộc loại cây cảnh tự nhiên quý hiếm (Ảnh: Vườn quốc gia Hoàng Liên).

Đặc biệt trong dịp Tết nguyên đán Quý Mão 2023, lực lượng đã quản lý rất tốt không để kẻ xấu chặt cành cây Vân sam Fansipan Sa Pa (Lào Cai) bán cho người chơi cây cảnh.

Hạt Kiểm lâm Hoàng Liên đã tổ chức lực lượng thường trực tại 2 chốt bảo vệ rừng ở điểm cao 2.200m và 2.600m trong Vườn quốc gia Hoàng Liên. Lực lượng tham gia bao gồm kiểm lâm, dân quân, tổ bảo vệ rừng các thôn thuộc xã Hoàng Liên của thị xã Sa Pa.

Hai chốt trực nằm sâu trong rừng, để vào tới đây phải mất nửa ngày đi bộ băng rừng, vượt suối. Nhiệt độ không khí tại đây thường xuyên ở mức rất thấp từ 2 - 4 độ C; không có điện, nước...

Bảo vệ nghiêm ngặt cây Vân sam Fansipan quý hiếm trên dãy Hoàng Liên - 2

Những cây Vân Sam Fansipan quý hiếm trong Vườn quốc gia Hoàng Liên trên dộ cao 2.800m (Ảnh: Vườn quốc gia Hoàng Liên).

Loài cây Vân sam Fansipan (Abies delavayi subsp. fansipanensis) thuộc họ Thông (Pinaceae) là loài thực vật đặc hữu, không những quý hiếm và độc đáo ở Việt Nam mà còn trên thế giới.

Cây được xếp vào nhóm IA (nghiêm cấm khai thác, sử dụng vì mục đích thương mại), được đánh giá là cực kỳ nguy cấp (CR) trong danh lục đỏ thế giới (IUCN).

Năm 2014, quần thể cây Vân sam Fansipan trong Vườn quốc gia Hoàng Liên đã được trung ương Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam công nhận là Cây Di sản Việt Nam.

Ở Việt Nam, qua khảo sát từ năm 1962 đến nay, loài Vân sam Fansipan chỉ phân bố ở độ cao khoảng 2.600 đến 2.800m ven đỉnh núi Fansipan Sa Pa.

Quần thể này đang đối mặt với nguy cơ suy thoái và ngày càng thu hẹp do biến đổi khí hậu, môi trường sống và sinh cảnh bị tác động.