1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

"Bảo vệ môi trường đã chuyển từ bị động sang ứng phó, chủ động phòng ngừa"

Thế Kha

(Dân trí) - Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà khẳng định công tác bảo vệ môi trường đã chuyển từ bị động sang ứng phó, chủ động phòng ngừa, bảo vệ và phục hồi.

Phát biểu tại Hội nghị Môi trường toàn quốc lần thứ V diễn ra sáng 4/8 tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà khẳng định vấn đề môi trường luôn được đặt ở vị trí trung tâm trong các chương trình nghị sự; các chương trình, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển của đất nước với mục tiêu cao nhất là bảo vệ sức khỏe nhân dân, bảo đảm chất lượng môi trường sống.

Xây dựng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường đã được đưa vào chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. 

Bảo vệ môi trường đã chuyển từ bị động sang ứng phó, chủ động phòng ngừa - 1

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà (Ảnh: Khương Trung).

Theo ông Hà, tuyên bố mạnh mẽ về đạt mức phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050 của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) thể hiện quyết tâm và cam kết chính trị của Việt Nam trong việc giải quyết những thách thức nghiêm trọng của toàn cầu về khí hậu, môi trường, suy giảm của các hệ sinh thái, hướng đến mục tiêu một hành tinh khỏe mạnh. Đồng thời tận dụng cơ hội đưa đất nước ta theo con đường "xanh", hiện thực hóa mục tiêu trở thành nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045.

Với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và chung tay của toàn dân, công tác bảo vệ môi trường đã chuyển bị động sang ứng phó, sang chủ động phòng ngừa, bảo vệ và phục hồi.

Hệ thống chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường đã được hoàn thiện, trong đó Luật Bảo vệ môi trường 2020 với nhiều chính sách, giải pháp đột phá. Chất lượng môi trường sống tiếp tục được cải thiện. Các mô hình, công nghệ hiện đại được triển khai trong tái chế, xử lý chất thải...

Dù vậy, Bộ trưởng Trần Hồng Hà thừa nhận công tác bảo vệ môi trường vẫn còn có những tồn tại, hạn chế, xuất phát từ nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan khác nhau.

"Chất lượng môi trường tuy đã được cải thiện nhưng vẫn chậm. Môi trường ở một số nơi vẫn tiếp tục bị ô nhiễm, đặc biệt tại các lưu vực sông, làng nghề. Một số sự cố môi trường vẫn xảy ra. Việc khai thác tài nguyên không hợp lý, thiếu tính bền vững tiếp tục làm thất thoát tài nguyên và tác động xấu lên môi trường. Tình trạng phá rừng, săn bắt, mua bán trái phép động, thực vật hoang dã, sinh vật ngoại lai xâm lấn đang diễn biến phức tạp"- ông Hà nêu ví dụ.

Người đứng đầu Bộ Tài nguyên và Môi trường nhấn mạnh, nhân loại vẫn đang phải đối mặt với khủng hoảng "kép" do đại dịch Covid, biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường và suy giảm hệ sinh thái tự nhiên. Liên hợp quốc cũng đã cảnh báo, các hệ sinh thái trên Trái đất đang tiếp tục suy thoái hoặc biến đổi; đa dạng sinh học đang suy giảm với tốc độ chưa từng có trong lịch sử loài người chạm ngưỡng không thể đảo ngược.

Thực trạng đó buộc chúng ta phải nhận thức rõ hơn tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường, bảo đảm hài hòa mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên. Chuyển đổi xanh dựa nền tảng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế carbon thấp, kinh tế số là con đường để đưa đất nước phát triển bền vững, nâng cao chất lượng sống cho nhân dân.

Bảo vệ môi trường đã chuyển từ bị động sang ứng phó, chủ động phòng ngừa - 2

Rác thải sinh hoạt không được phân loại, gom chung để vận chuyển tới các bãi rác ven Hà Nội (Ảnh: Mạnh Quân).

"Bài học thành công từ phòng chống đại dịch vừa qua cho thấy, chúng ta chỉ có thể đảo ngược xu thế gia tăng ô nhiễm, suy giảm các hệ sinh thái khi có sự chung tay, đoàn kết, sẻ chia quốc tế dựa trên nguyên tắc công lý, công bằng giữa các quốc gia và quyết tâm hành động của cả hệ thống chính trị. Trong đó, Nhà nước cần kiến tạo thể chế; doanh nghiệp và người dân sẽ đóng vai trò trung tâm như Thủ tướng Phạm Minh Chính đã khẳng định, "đây là vấn đề toàn cầu nên phải có cách tiếp cận toàn cầu, đây là vấn đề ảnh hưởng đến mọi người dân nên phải có cách tiếp cận toàn dân"- Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói.

Vì thế, Bộ Tài nguyên và Môi trường lựa chọn chủ đề của hội nghị năm nay là "Hài hòa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường hướng tới nền kinh tế tuần hoàn, phát triển bền vững" như một lời kêu gọi mạnh mẽ về sự tập hợp, đoàn kết nhằm bảo vệ môi trường, ngăn chặn sự suy thoái của đa dạng sinh học vì cuộc sống hài hòa với thiên nhiên và cho một tương lai bền vững hơn.

"Tôi tin tưởng rằng, ý chí và quyết tâm của cả hệ thống chính trị, của toàn dân cùng với sự hỗ trợ của các đối tác phát triển, các tổ chức quốc tế, Việt Nam sẽ thành công trong chuyển đổi chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng kinh tế dựa vào khả năng cung ứng của các hệ sinh thái, kinh tế tuần hoàn, kinh tế carbon thấp; hoàn thành các mục tiêu của thập kỷ phục hồi các hệ sinh thái"- ông Trần Hồng Hà mong mỏi.