1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Bảo vệ loài voọc đen gáy trắng quý hiếm trên 6 khối núi đá vôi ở Quảng Bình

(Dân trí) - Để bảo vệ những cá thể voọc đen gáy trắng quý hiếm, cơ quan chức năng tại Quảng Bình đã quy hoạch khu vực có voọc sinh sống thành rừng đặc dụng. Tiến hành thí điểm giao rừng cộng đồng và thành lập ban quản lý rừng cộng đồng liên xã để người dân có đủ cơ sở pháp lý bảo vệ rừng và bảo tồn loài voọc.

Những đàn voọc đen gáy trắng quý hiếm tại đỉnh Thiết Sơn, huyện Tuyên Hóa.

Ngày 29/11, UBND huyện Tuyên Hóa phối hợp với Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Bình, Trung tâm Kiến thức bản địa và Phát triển (CIRD) đã triển khai hội thảo tham vấn phương án quản lý, bảo tồn loài voọc đen gáy trắng tại huyện Tuyên Hóa. Hội thảo còn có sự tham gia thảo luận của đại diện Tổng cục Lâm nghiệp và nhiều nhà nghiên cứu sinh vật.

Bảo vệ loài voọc đen gáy trắng quý hiếm trên 6 khối núi đá vôi ở Quảng Bình - 1

Hội thảo tham vấn phương án quản lý, bảo tồn loài voọc đen gáy trắng tại huyện Tuyên Hóa.

Voọc đen gáy trắng (voọc Hà Tĩnh), tên khoa học là Trachypithecus hatinhensis, thuộc họ khỉ, bộ linh trưởng, thuộc nhóm IB, cực kỳ quý hiếm, nguy cấp nằm trong sách Đỏ Việt Nam và sách Đỏ thế giới.

Tại địa bàn Tuyên Hóa, quần thể voọc đen gáy trắng phân bố rải rác tại 6 khối núi đá vôi với tổng diện tích 509,42 ha thuộc các xã Thạch Hóa, Đồng Hóa, Thuận Hóa và Sơn Hóa với số lượng gần 150 cá thể.

Bảo vệ loài voọc đen gáy trắng quý hiếm trên 6 khối núi đá vôi ở Quảng Bình - 2
Bảo vệ loài voọc đen gáy trắng quý hiếm trên 6 khối núi đá vôi ở Quảng Bình - 3

Voọc đen gáy trắng tại địa bàn huyện Tuyên Hóa.

Những đàn voọc quý hiếm này hiện được một nhóm người dân địa phương tự nguyện bảo vệ, người khởi xướng là ông Nguyễn Thanh Tú (SN 1962), trú tại thôn Thiết Sơn, xã Thạch Hóa. Tuy nhiên nguy cơ đe dọa đến sự tồn tại của loài voọc này rất lớn, trong khi vai trò pháp lý của nhóm bảo tồn voọc tự nguyện và cộng đồng dân cư chưa được nhà nước thừa nhận do chưa được giao đất, giao rừng nên khó khăn trong việc ngăn chặn tình trạng săn bắt voọc trái pháp luật.

Bảo vệ loài voọc đen gáy trắng quý hiếm trên 6 khối núi đá vôi ở Quảng Bình - 4

Ông Nguyễn Thanh Tú (bên phải) là người thành lập đội bảo vệ và tự nguyện bảo vệ đàn những đàn voọc từ năm 2012 đến nay.

Ông Phạm Hồng Thái, Chi Cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Quảng Bình cho biết, từ năm 2014, sau khi có thông tin từ người dân, đơn vị đã kiểm tra thực địa, phối hợp với các nhà khoa học điều tra, khảo sát sơ bộ, tham mưu UBND tỉnh có giải pháp bảo vệ loài voọc.

Sở NN&PTNT Quảng Bình cũng đã tham mưu UBND tỉnh này quy hoạch diện tích hơn 509 ha có voọc sinh sống vào rừng đặc dụng; đồng ý chủ trương đối với nội dung, giải pháp bảo tồn voọc; giao Sở NN&PTNT phối hợp với các tổ chức quốc tế, các sở, ngành, địa phương có liên quan xây dựng phương án.

Bảo vệ loài voọc đen gáy trắng quý hiếm trên 6 khối núi đá vôi ở Quảng Bình - 5

Sự phát triển về số lượng cá thể voọc gáy trắng ở Tuyên Hóa cũng gây được sự chú ý của các nhà nghiên cứu sinh vật trong nước và quốc tế.

Giải pháp hiện nay được đưa ra là thí điểm giao rừng cộng đồng gắn liền với giao đất và thành lập ban quản lý rừng cộng đồng liên xã để người dân có đủ cơ sở pháp lý bảo vệ rừng và bảo tồn voọc đen gáy trắng trên khu vực. Tập huấn công tác bảo tồn, nâng cao năng lực cho người dân về bảo vệ rừng; hỗ trợ ban quản lý rừng cộng đồng triển khai điều hành các hoạt động của các nhóm bảo vệ rừng cũng như xây dựng kế hoạch phát triển bền vững dựa trên nền tảng phát triển du lịch sinh thái gắn với bảo tồn loài - sinh cảnh.

Phía UBND huyện Tuyên Hóa cũng đồng ý phương án thí điểm giao đất, gắn với giao rừng cho cộng đồng bảo vệ. UBND các xã trong khu vực có voọc sinh sống đã thành lập các tổ bảo vệ rừng, với mục tiêu là bảo vệ sự bình yên cho loài voọc, đồng thời gìn giữ môi trường sống và nguồn thức ăn cho voọc với sự hỗ trợ kinh phí từ chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững và sự hỗ trợ của Hạt Kiểm lâm Tuyên Hóa, Trung tâm CIRD.

Bảo vệ loài voọc đen gáy trắng quý hiếm trên 6 khối núi đá vôi ở Quảng Bình - 6

Quần thể voọc đen gáy trắng phân bố rải rác tại 6 khối núi đá vôi.

Xã hội hóa việc bảo vệ rừng, bảo tồn voọc đen gáy trắng và đa dạng sinh học thông qua việc thí điểm giao rừng cộng đồng sẽ nâng cao vai trò trách nhiệm của chính quyền địa phương, cơ quan chức năng, cộng đồng dân cư; ngăn chặn tình trạng chặt phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp, bắt bẫy các loài động vật rừng trái quy định của pháp luật.

Bảo tồn quần thể voọc đen gáy trắng còn mang lại giá trị lớn về khoa học và môi trường sinh thái trong khu vực; gìn giữ nguồn gen quý cho thế hệ con cháu mai sau, cung cấp giống chuẩn phục vụ cho nghiên cứu khoa học, phát triển kinh tế trong tương lai.

Bảo vệ loài voọc đen gáy trắng quý hiếm trên 6 khối núi đá vôi ở Quảng Bình - 7

Việc bảo tồn quần thể voọc đen gáy trắng là hết sức cấp thiết, bởi đây là loài cực kỳ quý hiếm, nguy cấp trong sách Đỏ Việt Nam và sách Đỏ thế giới.

Được biết, khu vực quy hoạch rừng đặc dụng tại huyện Tuyên Hóa có đa dạng sinh học tương đối phong phú. Theo đánh giá sơ bộ về thực vật có nhiều loài có giá trị về kinh tế và khoa học như táu, hương giáng… Về động vật, ngoài loài voọc đen gáy trắng còn có nhiều loài động vật có giá trị sinh học cao như khỉ vàng, chồn khét, sóc, dù dì.. và nhiều loài chim khác.

Tiến Thành