1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Bảo vệ kho sách của bác sĩ Tôn Thất Tùng

Năm 1946, bác sĩ Tôn Thất Tùng được giao nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Là người say mê nghiên cứu y học nên trong nhà bác sĩ Tùng, ở 75B Coton, phố Hàng Bông, cạnh Bệnh viện Yersin (nay là Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức) có rất nhiều sách, tài liệu quý. Giữa năm 1946, gia đình bác sĩ Tôn Thất Tùng vinh dự được đón Bác Hồ đến thăm. Thấy trong nhà bác sĩ Tùng có nhiều sách quý, Bác Hồ khen và căn dặn cần bảo quản cho tốt vì nó là tài sản quý, sẽ góp phần đào tạo nhân tài giúp đất nước sau này.

Bảo vệ kho sách của bác sĩ Tôn Thất Tùng - 1

Giáo sư Tôn Thất Tùng (Ảnh tư liệu).

Đêm 19/12/1946, Hà Nội nổ súng mở đầu toàn quốc kháng chiến. Quân và dân Thủ đô nhất tề đứng lên, chủ động tấn công quân Pháp ở mọi nơi, khiến hàng trăm tên thương vong. Vì thế, chúng chủ trương chiếm một số bệnh viện của ta làm nơi cứu chữa cho binh lính.

Nhận được mật báo quân Pháp sẽ tiến công đánh chiếm Bệnh viện Yersin và phá hoại nhà bác sĩ Tôn Thất Tùng, tuy nhiên, ta chưa kịp di tản thì trưa 22/12/1946, binh lính Pháp đã đánh chiếm Bệnh viện Yersin. Được lệnh của Ủy ban Kháng chiến Hà Nội, các chiến sĩ Vệ quốc đoàn tổ chức tổ cảm tử và một số tự vệ chiến đấu, bố trí đội hình quyết chiến với kẻ thù, bằng mọi giá phải ngăn cản, không cho địch từ Bệnh viện Yersin đánh chiếm sang nhà bác sĩ Tôn Thất Tùng, quyết tâm bảo vệ kho sách quý.

Trưa hôm ấy, quân Pháp từ cổng chính Bệnh viện Yersin tràn vào lùng sục các buồng bệnh rồi tiến ra phía sau, dùng xe tăng húc đổ bức tường giữa Bệnh viện Yersin và nhà bác sĩ Tôn Thất Tùng. Binh lính theo sau vừa bắn được mấy viên đạn vào nhà bác sĩ Tôn Thất Tùng thì bị Trung đội Vệ quốc đoàn và tự vệ chiến đấu nổ súng phản kích, tiêu diệt tại chỗ 11 tên.

Sau nhiều lần tiến công bất thành, giặc Pháp chuyển hướng đánh chiếm các mục tiêu khác của ta ở Hà Nội. Trong trận đánh này, các chiến sĩ Vệ quốc đoàn và tự vệ không chỉ tiêu diệt sinh lực và kìm chân địch mà còn thực hiện được lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi Người đến thăm nhà bác sĩ Tôn Thất Tùng; giữ được nhiều tài liệu quý phục vụ sự nghiệp kháng chiến và kiến quốc lâu dài.

Sau trận chiến đấu, do quân Pháp vây ráp khu vực nội thành nên đầu năm 1947, Ủy ban Kháng chiến Hà Nội chỉ đạo các lực lượng bí mật chuyển tài liệu, các loại sách quý từ nhà bác sĩ Tôn Thất Tùng đến Vân Đình (Ứng Hòa, Hà Tây - nay là Hà Nội) - nơi bác sĩ Tôn Thất Tùng cùng cán bộ, giảng viên Trường Đại học Y dược Hà Nội sơ tán. 

Theo www.qdnd.vn