Bảo tàng ở Đà Nẵng "lột xác" ra sao trong 14 phương án quy hoạch?
(Dân trí) - Đà Nẵng đang tổ chức giới thiệu, lấy ý kiến đánh giá 14 phương án thi tuyển quy hoạch, kiến trúc Bảo tàng Điêu khắc Chăm cơ sở 2, giai đoạn 1. Nơi này có di chỉ khảo cổ cấp thành phố.
Trung tâm tư vấn kỹ thuật xây dựng thành phố Đà Nẵng (Sở Xây dựng Đà Nẵng) đang lấy ý kiến đánh giá 14 phương án tham dự cuộc thi "Phương án quy hoạch, kiến trúc Bảo tàng Điêu khắc Chăm cơ sở 2 (tại Phong Lệ) - Giai đoạn 1".
Di chỉ Chăm Phong Lệ nằm ở phường Hòa Thọ Đông (quận Cẩm Lệ) được các nhà khảo cổ học khai quật, phát hiện nhiều dấu vết, hiện vật có giá trị của nền văn hóa Chăm.
Năm 2020, UBND thành phố Đà Nẵng đã công nhận di chỉ khảo cổ này là di tích khảo cổ cấp thành phố. Nhằm bảo tồn, UBND thành phố Đà Nẵng phê duyệt chủ trương xây dựng khu vực di tích thành dự án "Bảo tàng Điêu khắc Chăm cơ sở 2". Cuộc thi tuyển phương án quy hoạch, kiến trúc bảo tàng này được phát động từ ngày 8/1 (Ảnh: Hoài Sơn).
Phương án AC33 (chi tiết tại đây), nhà bao che tối ưu địa hình, địa vật hiện trạng khu đất, đảm bảo tính bền vững, công trình có tính biểu trưng cao... Phương án và giải pháp thiết kế khu vực số 3 (khu vực phát huy giá trị Di tích) có tính "độc lạ" tạo sự cuốn hút riêng cho di tích.
Phương án AA07 (chi tiết tại đây) với ý tưởng "dải lụa thời gian", lấy cảm hứng từ hình ảnh chiếc khăn Njram (chiếc khăn truyền thống trong đám cưới người Chăm lúc nào cũng ẩn hiện như sợi dây gắn kết gia đình) tô điểm bằng những bông hoa sứ trắng ngần, những biểu tượng văn hóa mang tính nhận diện người Chăm.
Phương án AD75 (chi tiết tại đây) có tên "sự biến đổi". Phương án này có kiến trúc chủ yếu dùng cột và xà bằng bê tông, tường sẽ là đất nén hay thanh gỗ thông hơi, có màn tre chống nắng, các tay vịn hay lan can đều bằng gỗ… mái có giếng trời rộng, mang ánh sáng tự nhiên, thông hơi, thoát khói. Tầng mái, sẽ là nơi kết hợp các tấm năng lượng mặt trời.
Phương án AS34 (chi tiết tại đây) với kiến trúc công trình hướng đến sự kết hợp hài hòa giữa những đặc điểm tiêu biểu trong kiến trúc Chăm và hiện đại, giống như sự kết nối giữa quá khứ và tương lai được biểu hiện qua hình thái nghệ thuật kiến trúc.
Phương án CP09 (chi tiết tại đây), khu vực phát huy giá trị sẽ phát triển trục giao thông kết nối xuyên suốt với quảng trường lớn và cảnh quang ven sông, hình thành một số sân tập trung nhỏ, đóng vai trò như những khoảng nghỉ đan xen với những mảng không gian xanh.
Trung tâm sẽ là tổ hợp kiến trúc, điểm nhấn là hồ điều hòa. Lấy cảm hứng từ nghi thức tắm tượng Linga và Yoni - là một trong các lễ hội của người Chăm xưa.
Phương án CP99 (chi tiết tại đây) với bố cục có tháp trung tâm, hay còn gọi là Kalan. Bố cục tổng mặt bằng và hình khối kiến trúc của phương án hiện đại nhưng tuân thủ theo kiến trúc quần thể tháp Chăm. Tổng thể công trình đăng đối, không gian cây xanh, chọn lọc những loại cây trồng phù hợp để mang lại một không khí hoài niệm xưa.
Phương án DC01 (chi tiết tại đây), các công trình được tưởng tượng như một loạt các nhóm làng, được đánh dấu bằng một chuỗi các mái vòm hình nón tạo nên hình ảnh mạnh mẽ.
Phương án FT69 (chi tiết tại đây) với kiến trúc thiết kế dựa theo đường nét hoa sen là một biểu hiện độc đáo văn hóa, nghệ thuật kiến trúc của người Chăm. Cảnh quan là một sự kết hợp tinh tế giữa nghệ thuật kiến trúc và tôn giáo.
Phương án HA24 (chi tiết tại đây) với định hướng tổng thể tổ chức khu di tích này thành một công viên lịch sử văn hóa với vùng lõi là các di tích đền tháp đã được khảo cổ khám phá.
Phương án HP20 (chi tiết tại đây) với cảm hứng thiết kế "Theo dòng thời gian, đánh thức Phong Lệ".
Phương án PA96 (chi tiết tại đây) với cấu trúc không gian sân khấu ngoài trời, khu vực ngồi, nhạc nước kết hợp khu phố mua sắm, ẩm thực, chợ đêm, bến du thuyền, các đường dạo xuyên suốt với thiết kế không gian sinh động và tổ chức chiếu sáng ban đêm hấp dẫn.
Phương án SH24 (chi tiết tại đây) với hai công trình nổi bật là tòa nhà bảo tàng, trung tâm nghiên cứu với hình khối vuông, vật liệu gạch đỏ, lấy cảm hứng từ kiến trúc các đền tháp và văn hóa Chăm. Đối diện là công trình bảo vệ khu di tích. Hai công trình đặt giữa lòng khu vực có nhiều mảng xanh.
Phương án VF08 (chi tiết tại đây) với ý tưởng thiết kết lấy cảm hứng từ văn hóa Chăm cùng cảm hứng lễ hội truyền thống.
Phương án WL03 (chi tiết tại đây) với yếu tố nhận diện là hệ mái lớn bao phủ từ khu di tích sang khu phát huy giá trị di tích. Hình dáng mái được tinh chỉnh từ hệ mái 2 lớp của kiến trúc nhà ở truyền thống dân tộc Chăm, tỏ rõ thái độ bảo vệ của cộng đồng đối với cấu trúc lịch sử.
Tổng mức đầu tư của dự án đầu tư dự án Bảo tàng Điêu khắc Chăm cơ sở 2 - giai đoạn 1 tại di tích Chăm Phong Lệ dự kiến hơn 140 tỷ đồng.
Dự án bao gồm khu vực 1 (khu vực bảo tồn, lõi di tích) có diện tích 2.653m2 và khu vực 2 là khu vực bảo vệ di tích có diện tích 1.626m2, khu vực 3 là khu vực hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật có diện tích 15.461m2.
Ngoài ra có công trình nhà trưng bày di tích Chăm tại Đà Nẵng, không gian trình diễn các di sản văn hóa phi vật thể, các khu dịch vụ, giải khát, bán các sản phẩm truyền thống.
Ảnh: Trung tâm tư vấn kỹ thuật xây dựng Đà Nẵng