Bão số 9 tiến gần đất liền, TPHCM nguy cơ ngập lụt diện rộng
(Dân trí) - Bão số 9 đang tiếp tục tiến gần vào đất liền thuộc khu vực các tỉnh từ phía Nam Bình Thuận đến Bến Tre. Cảnh báo, tại TPHCM trong tối và đêm nay (24/11), có mưa rất to (200-250mm), khả năng xảy ra giông, lốc xoáy; nguy cơ rất cao mưa lớn kết hợp triều cường gây ngập lụt diện rộng.
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, Hồi 16h ngày 24/11, vị trí tâm bão ở vào khoảng 9,7 độ Vĩ Bắc; 108,4 độ Kinh Đông, cách Phan Thiết khoảng 140km, cách Vũng Tàu khoảng 150km, cách Bến Tre 200km. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9-10 (75-100km/giờ), giật cấp 12. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 khoảng 150km, bán kính gió mạnh cấp 10, giật cấp 12 khoảng 50km tính từ tâm bão.
Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây mỗi giờ đi được khoảng 10-15km. Đến 4h ngày 25/11, vị trí tâm bão ở khoảng 10,1 độ Vĩ Bắc; 107,0 độ Kinh Đông, ngay trên bờ biển các tỉnh từ Nam Bình Thuận đến Bến Tre. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9 (60-90km/giờ), giật cấp 11. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 khoảng 130km.
Trong 12 đến 24 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10-15km và đi vào đất liền các tỉnh từ Nam Bình Thuận đến Bến Tre với cường độ mạnh cấp 7-8 và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, sau đó là một vùng áp thấp trên khu vực đất liền Nam Bộ. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.
Thành phố Hồ Chí Minh: Trong tối và đêm nay có mưa rất to (200-250mm) và có khả năng giông, lốc xoáy. Nguy cơ rất cao mưa lớn kết hợp triều cường gây ngập lụt diện rộng.
Cảnh báo gió mạnh trên biển: Do ảnh hưởng của bão số 9, ở vùng biển từ Nam Bình Thuận đến Bến Tre có gió mạnh cấp 6-7, sau tăng lên cấp 8, vùng gần tâm bão đi qua cấp 9-10, giật cấp 12. Biển động rất mạnh. Sóng trên biển vùng gần tâm bão cao 4-6m, vùng gần bờ cao 3-5m.
Ngoài ra, do ảnh hưởng của gió mùa Đông Bắc tăng cường, từ gần sáng và ngày mai (25/11) ở Vịnh Bắc Bộ gió Đông Bắc mạnh dần lên cấp 6, giật cấp 8; biển động.
Cảnh báo gió mạnh trên đất liền: Trong đêm nay (24/11), trên đất liền các tỉnh từ Nam Bình Thuận đến Bến Tre có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-9; riêng vùng ven biển Nam Bình Thuận, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bến Tre có gió mạnh cấp 7-8, giật cấp 10. Vùng ven biển các tỉnh Tiền Giang, Trà Vinh có gió mạnh cấp 6, giật cấp 7-8. Sâu trong đất liền các tỉnh Đông Nam Bộ có gió giật mạnh cấp 6-7 và nguy cơ giông mạnh, lốc xoáy trên toàn bộ khu vực Nam Bộ.
Cảnh báo mưa lớn: Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 9, trong đêm nay và ngày mai (25/11), ở các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Bình Thuận, khu vực Nam Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến 100-200mm, có nơi 250-300mm; khu vực Bắc Tây Nguyên và Tây Nam Bộ có mưa to 50-100mm.
Từ đêm mai (25/11) đến đêm 27/11, do ảnh hưởng hoàn lưu sau bão kết hợp với không khí lạnh từ phía Bắc tăng cường nên mưa to đến rất to mở rộng ra các tỉnh từ Quảng Trị đến Khánh Hòa, lượng mưa phổ biến: các tỉnh Quảng Trị, Khánh Hòa (50-80mm/ngày); ở Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Phú Yên (80-150mm/ngày); ở Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định (100-200mm/ngày).
Cảnh báo lũ: Từ nay đến 28/11, trên các sông từ Quảng Trị đến Bình Thuận, các tỉnh miền Đông Nam Bộ và khu vực Tây Nguyên xuất hiện một đợt lũ. Đỉnh lũ trên các sông từ Quảng Trị đến Bình Thuận phổ biến ở mức báo động (BĐ) 2-BĐ3 và trên BĐ3; các sông ở khu vực Tây Nguyên ở mức BĐ1-BĐ2 và trên BĐ2. Nguy cơ cao xảy ra lũ lớn cục bộ, lũ quét, sạt lở đất vùng núi, ngập lụt vùng trũng thấp, đô thị tại các tỉnh trên. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 2-3.
Ngành Y tế sẵn sàng đón bão
BS Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết, thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố, Sở Y tế đang khẩn trương triển khai các biện pháp chủ động ứng phó với cơn bão số 9 sắp đổ bộ vào khu vực từ Bình Thuận đến Bến Tre. TPHCM được xác định thuộc vùng gần tâm bão, với nguy cơ gió giật mạnh kèm theo mưa lớn.
“Từ hôm qua đến nay, Sở Y tế đã phối hợp cùng Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão đi kiểm tra tại những khu vực trọng yếu và các quận 11, quận 6. Về cơ bản, các phương án phòng chống bão đã được chuẩn bị sẵn, tuy nhiên để tránh tâm lý chủ quan, lơ là trước trong và sau khi bão đổ bộ, Sở Y tế đã có văn bản chỉ đạo các đơn vị trực thuộc chủ động các phương án ứng phó” – BS Hữu Hưng cho hay.
Theo đó, Sở Y tế yêu cầu tất cả các bệnh viện từ tuyến thành phố đến tuyến quận huyện, trạm y tế phường xã phải đảm bảo nhân sự trực 24/24, tăng cường trang thiết bị, vật tư y tế, chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc, dịch truyền… sẵn sàng thu dung cấp cứu, điều trị cho người bệnh, nạn nhân do bão gây ra. Trung tâm cấp cứu 115 sẽ tăng cường công tác trực cấp cứu, thực hiện công tác cấp cứu tại hiện trường, chuyển viện trong trường hợp cần thiết ngay cả thời điểm bão đổ bộ.
Cũng theo BS Hữu Hưng, trong thời điểm mưa bão diễn ra giải pháp hàng đầu Sở Y tế yêu cầu các cơ sở y tế phải chủ động phương án cấp cứu, điều trị tại chỗ cho người bệnh, hạn chế tối đa việc chuyển viện để tránh rủi ro có thể xảy ra trên đường di chuyển.
Mặt khác, nguy cơ bão lớn sẽ gây ra những sự cố mất điện cục bộ hoặc mất điện trên diện rộng. Ngoài việc yêu cầu các bệnh viện chủ động phương án thay thế nguồn điện trong trường hợp bất đắc dĩ, Sở Y tế cũng đã đề xuất ngành điện lực về các phương án hỗ trợ khẩn cấp để đảm bảo điện cho các bệnh viện, tránh gián đoạn việc điều trị cho người bệnh vì mất điện.
Vân Sơn
Nguyễn Dương