1. Dòng sự kiện:
  2. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định
  3. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV

“Bão số 9 cực kỳ nguy hiểm”

(Dân trí) - Các tỉnh miền Trung sẽ phải hứng chịu bão số 9 cực kỳ nguy hiểm. Những dấu hiệu hiện nay cho thấy cơn bão này tương tự bão Xangsane mạnh kỷ lục hồi tháng 10/2006.

Ông Lê Thanh Hải, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương nhận định: Đây là cơn bão lớn cuối mùa được dự đoán sẽ trực tiếp đổ bộ vào các tỉnh miền Trung, đặc biệt là các vùng ven biển.

Đến 13 giờ hôm nay (27/9), bão vẫn đang di chuyên trên biển Đông. Vị trí tâm bão ở vào khoảng 15,6 độ Vĩ Bắc; 115,6 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 390 km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 10, cấp giật cấp 12, cấp 13.

“Bão số 9 cực kỳ nguy hiểm” - 1
Bão số 9 được dự báo sẽ nguy hiểm tương tự bão Xangsane đổ về Đà Nẵng năm 2006. (Ảnh CTV)
 
Dự báo đến khoảng trưa 29/9, tâm bão nằm cách tỉnh Quảng Trị - Đà Nẵng khoảng 80 km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 12, cấp 13, giật cấp 14, cấp 15.

Cơn bão Xangsane đổ bổ vào miền Trung với sức gió trên cấp 12 hồi tháng 10/2006 đã làm 68 người chết và mất tích, gây thiệt hại về tài sản lên tới trên 10.000 tỷ đồng.

 

Theo nghiên cứu của Viện Khí tượng thủy văn, trung bình khoảng ba năm sẽ có hai lần bão mạnh trên cấp 12 đổ bộ vào vùng biển Việt Nam; mỗi năm có khoảng 30% các cơn bão đổ bộ vào Việt Nam mạnh cấp 10 đến cấp 12.

Với diễn biến hiện nay bão số 9 được đánh giá nguy hiểm tương tự như bão Xangsane, với sức gió trên cấp 13 đã diễn ra hồi tháng 10/2006, tại các tỉnh miền Trung.

“Vị trí đổ bộ của bão số 9 lần này được dự báo sẽ là các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế. Sau khi tràn qua các tỉnh miền Trung, bão số 9 tiếp tục di chuyển sang Lào. Dù vậy, đây là cơn bão cuối mùa với diễn biến phức tạp, nên cần đề phòng khả năng bẻ hướng đột ngột, đổ bộ vào vịnh Bắc Bộ ”- ông Hải cho biết.

Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn TƯ, từ đêm  nay, phía nam vịnh Bắc Bộ và vùng biển các tỉnh từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi gió sẽ mạnh dần lên cấp 8, cấp 9, sau tăng lên cấp 10, cấp 11, vùng gần tâm bão đi qua cấp 12, cấp 13, giật cấp 14, cấp 15. Biển động dữ dội.

Từ ngày 28/9, các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Ngãi có mưa vừa, mưa to đến rất to; Cần đề phòng lũ quét và sạt lở đất ở vùng núi, ngập úng ở vùng trũng. Ngoài ra do ảnh hưởng kết hợp với gió mùa Tây Nam hoạt động mạnh, khu vực giữa và nam biển Đông, vùng biển các tỉnh Bình Thuận - Cà Mau có gió mạnh.

Các chuyên gia khí tượng đang tiếp tục theo dõi chặt chẽ đường đi của bão số 9.
 

Huy động quân đội giúp dân ứng phó với bão số 9

 

Trước dự báo mức độ nguy hiểm và tính chất khó lường của bão số 9, Bộ tư lệnh quân khu 5, Vùng C Hải quân, Đoàn Phòng không B75, Bộ đội biên phòng các tỉnh miền Trung đã chuẩn bị đầy đủ lực lượng, phương tiện, lương thực thực phẩm… chuẩn bị “đón” bão.

 

“Bão số 9 cực kỳ nguy hiểm” - 2


Các đơn vị thuộc Bộ tư lệnh Quân khu 5 đã chủ động chằng chống hệ thống nhà cửa, chuẩn bị đầy đủ lực lượng, phương tiện sẵn sàng ứng cứu khi có tình huống xảy ra.

 

Đoàn Phòng không B75 đã huy động 450 cán bộ chiến sĩ cùng 3 ca nô, 20 xe tải, xe con, 50 nhà bạt, gần 300 áo phao và phao cứu sinh; mỗi đơn vị chuẩn bị 2 máy phát điện và nhiều dụng cụ y tế, thuốc men, mỳ tôm... để ứng cứu kịp thời cho nhân dân.

 

Vùng C Hải quân tổ chức bắn pháo hiệu báo bão và hướng dẫn tàu thuyền ngư dân vào nơi tránh bão an toàn. Vùng C Hải quân cũng đã huy động toàn bộ lực lượng triển khai mọi công tác chuẩn bị, khi có lệnh là cử 5 tàu trực cấp cứu tại vịnh Đà Nẵng, cửa biển Thuận An (Thừa Thiên-Huế), Cửa Đại (Quảng Nam) và Sa Kỳ (Quảng Ngãi) ứng cứu. Hiện đã có 400 cán bộ, chiến sĩ đã sẵn sàng phục vụ người dân vùng bão lũ.

 

Bộ đội Biên phòng TP Đà Nẵng và Quảng Ngãi cũng đang tích cực kêu gọi, hướng dẫn bà con ngư dân cơ động tránh bão, các lực lượng tổ chức chằng chống nhà cửa và chuẩn bị phương tiện sẵn sàng giúp dân. Bộ đội Biên phòng Quảng Nam đã huy động 120 cán bộ chiến sĩ cùng nhiều tàu bè, ca nô thường trực sẵn để tham gia cứu hộ, cứu nạn.

 

Tính đến chiều 27/9, các địa phương ở miền Trung (từ Quảng Bình đến Khánh Hòa) đã kêu gọi được trên 2.000 tàu thuyền vào trú ẩn an toàn. Tuy nhiên, hiện vẫn còn 4.242 tàu/30.932 lao động vẫn còn hoạt động trên biển trong đó, địa phương có số tàu thuyền đang ở trên biển nhiều nhất là Bình Định: 2.639 tàu/16.823 lao động; tiếp đến là Quảng Ngãi với 762 tàu/7.185 lao động.
 

Đặc biệt, hiện có 23 tàu/326 lao động của Quảng Ngãi đang hoạt động trên vùng biển Hoàng Sa khó có khả năng chạy vào bờ kịp nên dự kiến các tàu thuyền này sẽ vào đảo Trụ Cẩu, thuộc quần đảo Hoàng Sa để trú ẩn. (K.Hồng)

Thanh Trầm

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm