Bão số 8 suy yếu khi gần bờ, Biển Đông chuẩn bị đón bão số 9
(Dân trí) - Đại diện cơ quan khí tượng thủy văn cho biết, chiều nay (23/10), bão số 8 đang ở cường độ mạnh, cấp 12-13 và sẽ duy trì cường độ này từ 12-18 giờ tiếp theo; nhưng khi gần bờ, cơn bão này sẽ suy yếu.
Chiều nay (23/10), Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai tổ chức cuộc họp ứng phó với bão số 8. Cuộc họp do Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường chủ trì.
Tại cuộc họp, ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia cho biết: Hồi 13h ngày (23/10), vị trí tâm bão ở khoảng 17,8 độ Vĩ Bắc; 114,7 độ Kinh Đông, cách Quần đảo Hoàng Sa khoảng 280km về phía Đông Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 12-13 (115-150km/giờ), giật cấp 15. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 260km tính từ tâm bão; bán kính gió mạnh từ cấp 10, giật từ cấp 12 trở lên khoảng 160km tính từ tâm bão.
Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 10-15km. Đến 13h ngày 24/10, vị trí tâm bão ở khoảng 17,7 độ Vĩ Bắc; 111,5 độ Kinh Đông, cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) khoảng 100km về phía Nam Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 11 (100-115km/giờ), giật cấp 14.
"Bão đang ở giai đoạn mạnh nhất và duy trì ở cấp 12 trong 12-18 giờ tới, sau đó suy yếu. Khi bão vào Vịnh Bắc Bộ chỉ còn ở cường độ cấp 8-9, tiến gần ven biển của các tỉnh bão sẽ suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Ở khu vực Vịnh Bắc Bộ, Quảng Trị đến Quảng Ngãi có gió Đông Bắc mạnh cấp 6-7, giật cấp 8, biển động. Sóng biển cao từ 2-4m", ông Khiêm nói.
Cũng theo ông Khiêm, do ảnh hưởng của bão, từ đêm 24/10 đến sáng 26/10 ở các tỉnh từ Nghệ An đến Thừa Thiên Huế có mưa vừa, mưa to. Tổng lượng mưa phổ biến khu vực này từ 50-150mm/đợt.
Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia kết luận, bão sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Trị, thời gian ảnh hưởng trực tiếp vào ngày 25/10.
Khi bão vào đến kinh tuyến 111E, bão có xu hướng suy yếu, khi vào gần bờ bão suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Bão số 8 sẽ gây mưa ở các tỉnh Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế, lượng mưa từ 24-25/10 từ 100-150mm, có nơi trên 200mm.
Một thông tin khác được ông Khiêm cho biết tại cuộc họp, hiện nay khu vực Tây Bắc Thái Bình Dương có 4 xoáy thấp nhiệt đới, thì có 1 cơn trên Biển Đông và 1 cơn "ngấp nghé" Biển Đông.
"Ngày 25/10 dự kiến sẽ kết thúc bão số 8, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia sẽ phát tin áp thấp nhiệt đới/bão gần Biển Đông. Ngày và đêm 26/10 đến sáng 27/10 chúng tôi sẽ phát tin bão số 9", ông Khiêm nói.
Kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường lưu ý, mặc dù bão số 8 được dự báo sẽ suy yếu khi vào gần bờ, nhưng các địa phương nằm trong vùng ảnh hưởng không được chủ quan.
"Khu vực miền Trung thời gian vừa qua đã chịu thiệt hại nặng nề bởi mưa lũ, sạt lở đất, cho nên thời gian tới có tác động của gió mạnh hay nhẹ, mưa to hay mưa nhỏ đều có thể gây thiệt hại tiếp. Do đó, tôi đề nghị các địa phương được dự báo nằm trong vùng ảnh hưởng của bão số 8 cần chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại", ông Cường đề nghị.
Ngoài ra, ông Cường đề nghị các cơ quan chuyên trách, chính quyền địa phương đặc biệt lưu ý tới hoạt động tàu thuyền trên biển khi bão số 8 đang tiến vào đất liền. Kêu gọi, thông báo cho các tàu thuyền còn ở vùng nguy hiểm của bão cần khẩn trương vào nơi tránh trú an toàn, thoát nhanh ra khỏi vùng nguy hiểm.
Đặc biệt, với các tàu vãng lai đi qua khu vực ảnh hưởng của bão cần hết sức lưu ý, không được chủ quan. Bởi những tàu này thuyền trưởng thường không thông thạo luồng lạch nên không chủ động rất dễ gặp rủi ro khi bão vào.
Đối với khu đất liền, ông Cường đề nghị Tổng cục Phòng chống thiên tai cần tích cực phối hợp với các địa phương đôn đốc việc sơ tán dân đến khu vực an toàn trước khi bão đổ bộ. Dọc khu vực miền Trung có hơn 2.000 hồ chứa (thủy điện, thủy lợi) phải luôn được giám sát chặt chẽ để vận hành cho hợp lý, lên các kịch bản ứng phó khi có tình huống xấu xảy ra;...