Bão số 11 áp sát vùng ven biển Quảng Trị - Quảng Ngãi
(Dân trí) - Bão số 11 giật cấp 15, cấp 16 đang áp sát vùng ven biển Quảng Trị - Quảng Ngãi. Trên biển còn có thêm cơn bão có khả năng tương tác với bão số 11, gây biến đổi khó lường.
Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng giữa Tây và Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15 km. Đến 4h ngày 15/10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 16,1 độ Vĩ Bắc; 108,3 độ Kinh Đông, trên vùng bờ biển các tỉnh Quảng Trị - Quảng Ngãi. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 11, cấp 12, giật cấp 13, cấp 14. Trong khoảng 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 10 - 15km, đi sâu vào đất liền các tỉnh Trung Trung Bộ và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới, sau đó áp thấp nhiệt đới tiếp tục suy yếu thành một vùng áp thấp.
Ông Bùi Minh Tăng, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn TƯ nhận định: Đây là cơn bão rất mạnh lại để về miền Trung và sẽ quét dọc các vùng ven biển. Do đó, từ chiều tối nay (14/10) các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi có gió mạnh cấp 6, cấp 7, vùng gần tâm bão cấp 10 – 12, giật cấp 13, cấp 14. Ở các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Ngãi có mưa vừa, mưa to đến rất to. Các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Nam đề phòng nước biển dâng kết hợp với thủy triều cao 3 - 4 mét.
“Tâm bão số 11 nhiều khả năng đi vào các tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng – Thừa Thiên Huế với song cũng không loại trừ khả năng bão đi về phía Quảng Bình. Đáng lo ngại, hiện trên biển Đông đang hình thành một cơ bão mới, nếu hai cơn bão tương tác với nhau sẽ gây biến đổi khó lường. Trước mắt, từ chiều nay do ảnh hưởng của bão các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Nam sẽ có mưa vừa, mưa to đến rất to”.
Chiều tối qua (13/10), trong cuộc họp trực tuyến tại Hà Nội của Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương với các tỉnh, thành phố từ Thanh Hóa đến Phú Yên, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chỉ đạo các địa phương cần theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão số 11 để ứng phó kịp thời.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn kiêm Trưởng Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương - ông Cao Đức Phát - bày tỏ lo lắng trước diễn biến liên tục của bão 11. “Hiện vẫn có sự khác biệt trong nhận định giữa các trung tâm dự báo trong nước và các khu vực. Cùng đó, trên biển lại có thêm bão mới có thể tương tác với bão số 11. Có thể thấy, đây là cơn bão có sự thay đổi liên tục, do đó cần theo dõi thường xuyên sự thay đổi của bão, đặc biệt là khi bão vào bờ. Cần kiên quyết kêu gọi tàu thuyền từ vĩ độ 12 đến 20 về bờ, cùng đó yêu cầu ngư dân lên bờ, mới đây trong bão số 10 đã có người chết trên tàu thuyền do cố tình ở lại” – ông Phát nhấn mạnh.
Trước diễn biến của bão, ông Phát đề nghị các địa phương tiến hành sớm vấn đề chằng chống nhà cửa, tăng cường công tác chỉ đạo sớm, tránh hiện tượng hàng trăm người bị thương trong bão số 10 do chằng chống nhà cửa khi bão về...
Chỉ đạo trong cuộc họp, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu các địa phương nắm chắc và kiểm tra nghiêm ngặt số lượng 49 hồ chứa đang trong tình trạng nguy hiểm từ Thanh Hóa đến Phú Yên; những hồ chứa không đảm bảo an toàn kiên quyết không cho chứa nước. Phó Thủ tướng không loại trừ khả năng tại một số địa phương chịu ảnh hưởng của bão bất thường dẫn đến mưa lớn cục bộ, đe dọa nghiêm trọng tính an toàn của hồ chứa.
Đối phó với bão 11, Phó Thủ tướng yêu cầu các tỉnh, thành phố kiên quyết kêu gọi tàu, thuyền đang hoạt động trong vùng nguy hiểm; đôn đốc các hồ vận hành xả nước phù hợp với tình hình thực tế, riêng các hồ chứa không đảm bảo an toàn thì không được tích nước. Đồng thời kiểm tra hệ thống cảnh báo lũ, thông tin liên lạc, phương án sơ tán dân vùng hạ du để kịp thời cảnh báo và sơ tán dân khi xả lũ rà soát phương án sơ tán dân, di dời dân ra khỏi vùng ảnh hưởng trực tiếp của bão.
Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Công an chỉ đạo thực hiện cấm các phương tiện lưu thông tại những khu vực nguy hiểm khi bão đổ bộ vào đất liền. Các tỉnh, thành phố gồm: Quảng Nam, Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế và Quảng Trị cần hoàn thành công tác phòng chống bão số 11 trước 19h tối nay; căn cứ tình hình thực tế có thể cho học sinh nghỉ học vào ngày 15/10. Riêng tỉnh Quảng Bình nên triển khai công tác sơ tán người già, trẻ nhỏ ở những khu vực nguy hiểm trước 19h tối nay.
Đà Nẵng sẽ sơ tán 55.000 dân nếu bão đổ bộ Chiều ngày 13/10, trong cuộc họp trực tuyến với Ban chỉ đạo PCLB Trung ương, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng - ông Phùng TấnViết - cho biết, nếu bão đổ bộ vào vùng biển Đà Nẵng, địa phương sẽ sơ tán khoảng 11 ngàn hộ dân với khoảng 55.000 dân. Ông Phùng Tấn Viết cho biết, với cấp bão mạnh như dự báo, khi đổ bộ vào đất liền mạnh cấp 12, 13; giật cấp 15, 16 thì toàn TP Đà Nẵng gồm 7 quận huyện với 56 xã, phường trên 1 triệu dân sẽ nằm trong khu vực gió mạnh của bão. Theo kế hoạch sẽ sơ tán dân xong trước 12h ngày 14/10. Ngư dân Đà Nẵng giúp nhau đưa ghe tàu lên bờ tránh bão số 11 trong sáng 13/10 Lãnh đạo TP Đà Nẵng cho biết các lực lượng như quân đội, công an, dân quân tự vệ đã sẵn sàng về người và phương tiện thực hiện ứng phó theo kế hoạch và hợp đồng, bảo đảm an toàn an ninh. Về số lượng tàu thuyền trên biển, theo thông tin từ Bộ đội Biên phòng TP Đà Nẵng, tính đến 14h ngày 13/10 đã trực tiếp thông báo, kêu gọi và hướng dẫn cho 123 phương tiện với gần 1.300 lao động hoạt động trên biển. Theo quan sát của PV Dân trí, từ sáng ngày 13/10, ngư dân các địa phương ven biển của Đà Nẵng như phường Thọ Quang, Mân Thái, đường Nguyễn Tất Thành… đã giúp nhau đưa ghe tàu lên bờ tránh bão. Đà Nẵng hiện chỉ có 1 khu neo đậu tàu thuyền tránh bão ở âu thuyền Thọ Quang với sức chứa tối đa 800 tàu, số lượng còn lại phải neo ở những vị trí không an toàn. Đối với các hồ chứa nước, TP Đà Nẵng có 20 hồ, trong đó có 2 hồ lớn mực nước thấp, 18 hồ chứa vừa và nhỏ hầu hết nước đã qua tràn. Thanh Hóa khẩn trương khắc phúc các hồ đập bị vỡ Theo dự báo, Thanh Hóa sẽ chịu ảnh hưởng của hoàn lưu cơn bão số 11 kết hợp với đợt không khí lạnh có cường độ mạnh. Ban chỉ huy phòng chống lụt bão Thanh Hóa đã triển khai nhiều biện pháp phòng chống bão. Công tác khắc phục các hồ đập bị vỡ do cơn bão số 10 gây ra đang được tiến hành khẩn trương. Đến thời điểm hiện nay, đoạn đê bao Cầu Tây của huyện Tĩnh Gia bị vỡ đã được khắc phục xong. Với 2 hồ đập bị vỡ là Đồng Áng và Khe Luồng, thuộc thuộc huyện Tĩnh Gia, đang lập phương án xử lý khắc phục. Các hồ đập bị vỡ đang được khẩn trương khắc phục để phòng tránh cơn bão số 11 Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo, đối với các huyện đồng bằng ven biển tập trung thông báo, kêu gọi tàu thuyền đang hoạt động ngoài khơi vào nơi trú ẩn an toàn; không đi vào vùng biển nguy hiểm như đã thông báo. Kiểm tra, rà soát các phương án đảm bảo an toàn hồ đập; đối với các hồ chứa có nguy cơ mất an toàn phải bố trí lực lượng, phương tiện, vật tư để chủ động xử lý khi có sự cố; kiểm tra rà soát phương án sơ tán dân sinh sống ven biển, song suối, hạ lưu các hồ đập, khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét và sạt lở đất. Chuẩn bị lực lượng, phương tiện để cảnh báo và sẵn sang sơ tán người và tài sản đến nơi an toàn khi có mưa lũ lớn xảy ra. Đề phòng mưa lũ gây chia cắt, cô lập các vùng xung yếu, các huyện phối hợp với các nghành liên quan có phương án chuẩn bị đầy đủ lương thực và các nhu yếu phẩm cần thiết để cứu trợ cho nhân dân vùng bị cô lập do lũ lụt gây ra. Công Bính - Duy Tuyên |
Phạm Thanh