1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Bão quần thảo dữ dội suốt đêm qua

(Dân trí) - 5h30 sáng 15/10, tại Đà Nẵng, ngoài trời, bão vẫn đang quần thảo dữ dội. Gió gầm rít trong mưa to từ suốt 21h30 tối đêm qua (14/10)... Tại Thừa Thiên - Huế, mưa cũng đã trút xuống với cường độ lớn, âm thanh đổ vỡ vang lên liên hồi trong đêm.

Tại Đà Nẵng, khu vực phường Thuận Phước (Q. Hải Châu), điện cúp từ 21h- 22h đêm 14/10, hoạt động trở lại được 1 tiếng đồng hồ thì cúp hẳn đến thời điểm hiện tại (5h30 sáng 15/10).

Theo thông tin PV Dân trí trao đổi qua điện thoại, nhiều nơi ở các Quận Sơn Trà, Quận Liên Chiểu, Quận Thanh Khê, nhà dân cũng chìm trong bóng tối khi bên ngoài mưa to gió lớn như xé toạc từng mảnh màn đêm, càng về khuya càng dữ dội. Nước sông Hàn dâng lên tràn đường Bạch Đằng.
 
Từ chiều 14/10, người dân đã neo giữ tàu thuyền,chèn chống nhà cửa ứng phó bão
Từ chiều 14/10, người dân đã neo giữ tàu thuyền,chèn chống nhà cửa ứng phó bão

21h tối 14/10, UBND thành phố tiếp tục họp khẩn Ban Phòng chống lụt bão. Xe thiết giáp tìm kiếm cứu nạn của Quân khu V đã được điều động túc trực ứng phó với bão.

Suốt đêm qua đến rạng sáng nay, ngay cả những nhà dân kiên cố cũng cảm nhận được sức tàn phá của gió bão trong âm thanh gió rít, tiếng cây cối đổ, nhà cửa rung bần bật, tiếng mái tôn bay va chạm vào nhau trong đêm tối mịt không ánh điện.
 
Không biết chèn chống thế này có đủ yên tâm khi cơn bão hoành hành quá dữ dội
Không biết chèn chống thế này có đủ yên tâm khi cơn bão hoành hành quá dữ dội (Ảnh: Khánh Hiền)
 
Từ chiều qua, hàng vạn người dân ở vùng ven thành phố, ở nhà cửa không kiên cố đã được di dời và cưỡng chế di dời về nơi trú bão an toàn. Nhiều người dân trao đổi qua điện thoại cho biết từ chiều đã chèn chống nhà cửa kỹ lưỡng nhưng vẫn “sốt ruột” lo không biết có trụ qua được cơn bão này không. Từng chứng kiến cơn bão Xangsange đổ bộ và tàn phá Đà Nẵng năm 2006, theo cảm nhận chủ quan của PV tại Đà Nẵng, gió bão được dự đoán mạnh ngang với bão Xangsange, nhưng thực tế cảm nhận gió mạnh hơn.
 
Tại Huế, huyện Phú Lộc được xem là vùng bị ảnh hưởng nặng nhất khi nằm sát TP Đà Nẵng – tâm bão 11 đổ bộ. Vào 19h30’ tối 14/10, ông Bùi Ngọc Ga, Chủ tịch UBND xã miền biển Lộc Vĩnh cho biết, từ chiều đến thời điểm đó, mưa và gió rất to. Một số cây bị gió thổi gãy, đè lên đường dây điện dân dụng ở xã Bình An 2. Sóng lớn đã tiến thêm 25m, sát vào mép hàng dương. Các hộ dân chỉ còn cách điểm sóng chừng 30m.
 
Sóng biển lớn đã tiến sát, uy hiếp nhiều nhà cửa tại biển TT-Huế
Sóng biển lớn đã tiến sát, uy hiếp nhiều nhà cửa tại biển TT-Huế chiều tối qua

 
“Hiện chúng tôi đã di dời 302 hộ bị ảnh hưởng nặng ở sát biển lên các nhà kiên cố và trường học. Dự đoán xã Lộc Vĩnh sẽ bị bão 11 gây tác hại lớn cùng với một chuỗi các xã ven biển như Vinh Hải, Lộc Bình, Vinh Hiền và thị trấn Lăng Cô... Ngoài đường hiện tại không còn ai qua lại vì gió rất lớn, giật cấp 7,8” – ông Ga cho biết.
 

Xã Lộc Vĩnh đã được cắt điện hoàn toàn từ 16h chiều để đảm bảo an toàn. Qua trao đổi với ông Lê Túy, Bí thư xã Lộc Bình vào 20h được biết, gió thổi càng lúc càng mạnh, sóng biển rất lớn. Vùng nước lợ ở đầm phá ven biển của xã đã tiến vào đất liền đến 60m, áp sát khu chợ của xã.

Có khoảng 350 khẩu với nhiều người già yếu, trẻ con đã được cán bộ xã đưa đến nơi an toàn. Các thôn đã được tăng cường cán bộ xã về. Riêng tại trụ sở ủy ban xã Lộc Bình có túc trực 1 trung đội dân quân, sẵn sàng ứng cứu cho dân khi bão vào.

Mưa gió vẫn tiếp tục lớn và căng thẳng ở biển phía nam TT-Huế

Mưa gió vẫn tiếp tục lớn ở biển phía nam TT-Huế

Ở xã Vinh Hiền, tình hình tuy bình thường nhưng nước biển cũng đã xâm thực vào 5 mét. Có 131 hộ với 524 khẩu đã lên nơi cao ráo. Tại thị trấn Lăng Cô, vùng sát Đà Nẵng, nước biển đã dâng cao 1 mét. Gió không quá mạnh và mưa chưa thật sự lớn.

Riêng xã miền biển Hải Dương, Thị xã Hương Trà đến 21h tối, có 2 xóm ở thôn 2 đã bị sóng biển tràn vào, có khả năng gây chia cắt. Cụ thể, đường vào xóm Cồn Đâu bị sóng biển đánh vỡ và tràn qua. Xóm Định Cư 1 nước cũng đã dâng lên đầu gối. Có khoảng hơn 50 người dân đang túc trực giữ nhà ở 2 xóm này. Nếu nước biển lên cao trong đêm, các hộ này sẽ được Bộ đội biên phòng đưa ra khỏi vùng nguy hiểm.

Đã có 200 chiến sĩ thuộc Quân khu 4 được điều động về các vùng xung yếu của tỉnh TT-Huế để phối hợp với chính quyền và dân ứng phó với bão số 11 trong đêm. Theo báo cáo của BCH PCLB&TKCN tỉnh, đã có 5.225 hộ với 17.307 khẩu được di dời đến tối 14/10. Tại các khách sạn ở TP Huế hiện đang có 6.814 du khách đang bị kẹt, trong đó có 3.615 khách quốc tế. Tuyến QL 1A đi Huế vào Đà Nẵng đang có lực lượng CSGT chốt chặn ở những nơi xung yếu, không cho xe đi qua.

Mưa gió vẫn tiếp tục lớn và căng thẳng ở biển phía nam TT-Huế

Lực lượng công an phường An Cựu và TP Huế đưa người già ở khu vực thấp trũng đến nơi trú ẩn trong đêm 14/10 (ảnh: Trần Hồng)

Sở Công Thương đã dự trữ 100 tấn gạo, 100 tấn mì ăn liền, 100.000 lít xăng, 100.000 lít dầu Diezel và 30.000 lít dầu hoả để tỉnh điều động khi cần thiết. Riêng hai huyện miền núi Nam Đông và A Lưới, mỗi huyện dự trữ 30 tấn gạo, 10 tấn muối và một số hàng nhu yếu phẩm khác như mì ăn liền, xăng dầu ... để phục vụ cho đồng bào miền núi khi có lụt bão xảy ra.

Đến 21h30 đêm 14/10, lực lượng Công an, phối hợp ban bảo vệ dân phố, dân quân tự vệ…phường An Cựu di dời 150 nhân khẩu chủ yếu người già, trẻ em tổ 21, khu vực 4, phường An Cựu lên trú ẩn tại nhà thi đấu thuộc Khoa Giáo dục thể chất Đại học Huế. Đây là các hộ dân có nhà cửa tạm bợ, rất nguy hiểm khi bão đổ bộ vào.

Các hộ dân đã đến nơi trú an toàn
Các hộ dân đã đến nơi trú an toàn (ảnh: Trần Hồng)

Từ 22h30, mưa trở nên rất lớn tại TP Huế. Gió bắt đầu gào thét trên các con đường. Tất cả người dân đã vào nhà trú ẩn, không ai ra đường. Nhìn ra ngoài, cây cối cong mình dưới sức gió mạnh cấp 7-8.

Đến gần 0h ngày 15/10, gió đã tăng tốc, gây nên những tiếng rít chói tai và ghê rợn. Cơn bão chuẩn bị vào bờ đã tăng tốc về sức gió, mưa nặng hạt và cường độ mạnh. Ở thị trấn biển Lăng Cô đã cúp điện hoàn toàn.

1h15’ sáng, bão được ghi nhận ở TP Huế là mạnh nhất. Gió liên tiếp rú lên từng hồi. Cành cây va chạm vào nhau tạo những âm thanh mạnh rất ghê sợ. Tiếng các mái tôn bị tốc, đồ đạc bị rơi vỡ trong các nhà vang lên cùng tiếng gãy của cây xanh.

Gió và mưa rất lớn trong đêm ở Huế

Gió và mưa rất lớn trong đêm ở Huế (Ảnh: Đại Dương)

Đến 2h sáng, sức gió có lắng lại tuy vẫn còn mạnh. Mưa bắt đầu trút xuống với cường độ lớn làm trắng xóa không gian trong ánh đèn đường. Gió bắt đầu thổi từng đợt, không thổi liên hoàn như lúc trước.

Vào 3h sáng, ghi nhận của phóng viên tại thị trấn Lăng Cô, sức gió bắt đầu mạnh lên và mưa lớn. Tại Huế cũng mưa lớn và gió lại mạnh trở lại. Tiếng cửa va đập, âm thanh đổ bể vang lên. Rất nhiều người không ngủ để canh mưa bão đang diễn biến khó lường.
 
Tại huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi), hồi 15h ngày 14/10, bão đã gây gió mạnh cấp 9, 10; giật trên cấp 11; kèm mưa lớn. Hàng chục ngôi nhà đã bị tốc mái, các pa nô tuyên truyền bị gãy đổ hư hỏng nặng. Rất nhiều cây cối, hoa màu bị gió bão quật ngã, phá nát,…
 
Ông Đặng Oai (thôn Tây, xã An Hải) nhặt mảnh mái vỡ do bão tàn phá

Ông Đặng Oai (thôn Tây, xã An Hải) nhặt mảnh mái vỡ do bão tàn phá

 

Tại khu vực Xóm Cồn (thôn Tây, xã An Vĩnh), sóng biển cao từ 5 - 7m liên tục uy hiếp bờ đảo, ảnh hưởng trực tiếp đến 40 hộ dân thuộc đảo Lớn và 5 hộ dân ở đảo Bé. Các hộ dân đều phải sơ tán đến khu vực an toàn.

 

Ông Trần Ngọc Nguyên - Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn - cho biết: “Đây là cơn bão có sức ảnh hưởng lớn uy hiếp trực tiếp đến đảo, hiện chúng tôi bố trí lực lượng, cán bộ túc trực 24/24h để theo dõi và xử lý các trường hợp phát sinh gây thiệt hại cho nhân dân. Toàn bộ số hộ dân bị sóng biển đoe dọa, địa phương đã bố trí sơ tán người dân đến nhà phòng chống bão, bên cạnh đó bố trí lương thực, đèn dầu và các nhu yếu phẩm cần thiết khác. Riêng đảo Bé, huyện chỉ đạo xã An Bình mở kho gạo dự trữ hỗ trợ người dân khi bị cô lập, chủ động ứng phó kịp thời trên địa bàn. Ước tính thiệt hại ban đầu hàng chục tỷ đồng”.
 
Một tấm biển quảng cáo bị bão hạ gục
Một tấm biển quảng cáo bị bão "hạ gục" (Ảnh: Hồng Long)

 

Cho đến hết ngày 15/10, tuyến tàu cao tốc Sa Kỳ - Lý Sơn bị nghiêm cấm hoạt động, chờ thông báo cho phép sau khi bão tan. Sở GD-ĐT cũng đã cho học sinh nghỉ học từ 14h00 ngày 14/10 đến hết ngày hôm nay 15/10.
 

Chiều ngày 14/10, đoàn lãnh đạo tỉnh Quảng Nam do ông Nguyễn Đức Hải - Bí thư Tỉnh ủy và ông Lê Phước Thanh - Chủ tịch UBND tỉnh dẫn đầu - đã về kiểm tra tình hình cơn bão số 11 tại TP Hội An.

 

Lãnh đạo tỉnh trực tiếp ra đoạn bờ kè bị sạt lở do cơn bão số 10 tàn phá.

Lãnh đạo tỉnh trực tiếp ra đoạn bờ kè bị sạt lở do cơn bão số 10 tàn phá.
 

Rất nhiều bao cát được chất trên bờ khu vực Biển Lở.
 

Rất nhiều bao cát được chất trên bờ khu vực Biển Lở.

 
Người dân vác bao cát ra bờ biển chống sóng.

Người dân vác bao cát ra bờ biển chống sóng. (Ảnh: Hà Thế An)

 

Từ trưa 14/10 tại TP Hội An đã có gió mạnh và mưa lớn. Lãnh đạo tỉnh đã trực tiếp đến khu vực Biển Lở (thuộc phường Cửa Đại) để nắm tình hình của cơn bão cũng như công tác phòng chống lụt bão của địa phương. Đoàn đã đến nơi xảy ra vụ sạt lở làm hư hại hơn 100 mét bờ kè trong cơn bão số 10. Ông Lê Phước Thanh chỉ đạo cơ quan PCLB thành phố Hội An cần nhanh chóng di dời các hộ dân còn lại ở phường Cửa Đại về nơi trú bão an toàn, đồng thời yêu cầu gấp rút chằng chống bờ kè ven biển nhằm hạn chế sóng biển dâng cao có thể quật ngã bờ kè.
 
Chiều 14/10, một số nơi trên địa bàn tỉnh Quảng Trị vẫn đang khắc phục thiệt hại do cơn bão số 10 gây ra nhưng người dân đã phải nỗ lực ứng phó cơn bão số 11. Chị Dung (xã Triệu Long, huyện Triệu Phong) lo lắng: “Nhà tôi vừa thay lại mái tôn đã bị tốc trong cơn bão, vẫn chưa thay xong, cây cối ngã rạp trong vườn chưa chặt hết, chừ thêm bão ni nữa thì không biết mần răng đây”.
 
Mưa lớn và gió mạnh ở Quảng Trị từ hôm qua (Ảnh: Diệu Ái)

Mưa lớn và gió mạnh ở Quảng Trị từ hôm qua (Ảnh: Diệu Ái)

PV Dân trí sẽ có mặt tại hiện trường ghi lại những hình ảnh tại Đà Nẵng sau cơn bão, tiếp tục thông tin đến bạn đọc.

Nhóm phóng viên

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm