Bạo lực "núp bóng" đồ chơi Trung Quốc
Gần đến ngày Tết Trung thu, dãy phố Hàng Mã, Chả Cá, Hàng Lược (Hà Nội) ngập sắc đỏ và rộn rã tiếng "chíu chíu, bùm bùm..." được phát ra từ đồ chơi điện tử Trung Quốc. Mặt nạ kinh dị, súng, gươm... bày bán công khai. Trong khi, hình ảnh quen thuộc của đèn ông sao, trống bỏi đang dần vắng bóng.
Bị hút hồn bởi hàng chục, hàng trăm chiếc bong bóng màu sắc sặc sỡ được phun ra từ chiếc súng thổi bong bóng của Trung Quốc, bé Thu Trang, học sinh Tiểu học Tràng An, nằng nặc đòi bố mua cho bằng được.
Cầm món đồ chơi yêu thích trong tay, Thu Trang hồn nhiên: "Loại đồ chơi này màu đẹp lại tiện nữa. Cháu không cần thổi mỏi mồm như trước mà vẫn có rất nhiều bong bóng bay ra. Mai cháu sẽ đem khoe với các bạn".
Anh Hùng, bố cháu Trang, cho biết, trong khi đồ chơi nội không được đổi mới mẫu mã, thì đồ chơi Trung Quốc lại liên tục ra các loại mốt mới, đánh trúng vào tâm lý của trẻ. Bởi vậy, không thể ép trẻ phải chơi thứ này thứ kia nếu chúng không thích.
Cũng giống như bố con anh Hùng, sau một vòng dạo quanh khu phố Hàng Mã, Hàng Lược, 3 mẹ con chị Nguyễn Thanh Mai ở khu tập thể Dệt kim Đông Xuân (Hai Bà Trưng) cũng mua được vài món đồ chơi Trung Quốc. Chị Mai cho biết, mua thứ đồ chơi nào là tùy các cháu lựa chọn. Có vậy chúng mới chơi được lâu.
Theo quan sát của PV, với lợi thế phong phú về chủng loại, mẫu mã đẹp, giá cả vừa phải, đồ chơi Trung Quốc đã chiếm được cảm tình của rất nhiều phụ huynh.
Ế ẩm đồ chơi truyền thống
Vừa thấy khách hàng ngồi xuống cạnh thùng trống bỏi, chị Nguyễn Thị Hưởng, quê làng Báo Đáp, Nam Định, nơi chuyên làm đồ chơi truyền thống, đon đả: "Em mua đi 3.500 đồng 10 cái, còn mua lẻ là 1.000 đồng/cái". Như thể sợ khách bỏ đi trước món đồ chơi truyền thống, vừa mời chào, chị vừa liên tục quay tay để chiếc trống bỏi phát ra những tiếng kêu vui tai: "tạch tạch, tạch tạch...".
Chị Hưởng cho biết, nhà chị sản xuất nhiều trống bỏi nhất làng, mỗi năm làm hàng chục nghìn chiếc. "Tuy nhiên, nghề có truyền thống hàng trăm năm này chỉ còn được coi là việc làm lúc nhàn rỗi của bọn trẻ, bởi thu nhập chẳng được là bao", chị Hưởng buồn bã.
Đồ chơi truyền thống: đèn ông sao loại vừa 5.000 đồng, loại nhỏ 3.000 đồng, đèn cù 7.000 đồng, đầu sư tử 20.000-35.000 đồng, trống da loại vừa 15.000 đồng, trống bỏi 1.000 đồng.
Đèn ông sao Trung Quốc có nhạc 25.000-35.000 đồng, kiếm tròn có nhạc 35.000 đồng, gậy như ý 10.000 đồng, đao 16.000 đồng, mặt nạ kinh dị 30.000 đồng, đồ chơi siêu nhân 16.000-30.000 đồng, súng thổi bong bóng 50.000 đồng. |
Do loại đồ chơi này không hút khách nên các cửa hàng chỉ cho ký gửi, khi nào bán hết mới trả tiền. Vì vậy, trong lúc chờ lấy tiền hàng, ngày ngày, chị Hưởng và những người cùng làng phải tranh thủ ngồi bán kiếm thêm chút đỉnh.
Bà Nguyễn Thị Ngọc, 78 tuổi cho biết: "50 năm bán hàng ở đây, chưa bao giờ tôi thấy đồ chơi truyền thống lại ế ẩm như hiện nay. Từ hai năm trở lại đây, mỗi năm cũng chỉ bán được hơn trăm chiếc trống bỏi. Trước đây, mỗi mùa Trung thu cửa hàng đều bán được chừng 500 chiếc".
Trong hàng chục cửa hàng đồ chơi trên các con phố Hàng Mã, Hàng Lược, số cửa hàng có kinh doanh đồ chơi truyền thống có thể đếm được trên đầu ngón tay. Tuy nhiên, không phải tất cả các cửa hàng này đều chuyên doanh đồ chơi truyền thống, bởi xen vào đó vẫn là những món đồ chơi Trung Quốc.
Với mẫu mã đa dạng, thường xuyên được thay đổi để đáp ứng thị hiếu của trẻ, đồ chơi Trung Quốc ngày càng được ưa chuộng. Đây chính là nguyên nhân khiến đồ chơi dân gian chỉ được bày khiêm tốn ở một góc của các cửa hàng và trở thành mặt hàng chính của những người bán dạo.
Bạo lực "núp bóng" đồ chơi ngoại
| |
Mặt nạ kinh dị bày bán công khai |
Tại một cửa hàng đồ chơi trên phố Chả Cá, cả chục chiếc đao nhựa cỡ lớn được bán với giá 15.000 đồng chiếc. Cô chủ quán cho biết, không mua nhanh, vài hôm nữa chắc không còn. Sau một hồi trò chuyện, chủ quán cho hay, hiện vẫn còn một số nhà bán loại súng hơi bắn đạn nhựa với giá chỉ 60.000 đồng một khẩu.
Được coi là loại đồ chơi "vô hại", nhưng gần đây, bạo lực đang dần núp bóng những bộ đồ chơi siêu nhân. Mức độ nguy hiểm không kém gì các loại đồ chơi bạo lực khác.
Để hấp dẫn trẻ, hầu như mỗi bộ đồ chơi siêu nhân đều có một thứ vũ khí nào đó. Bộ thì có khẩu súng bắn nhạc, súng bắn tên dính, bộ thì có dao, kiếm, dùi cui... Nhiều chiếc kiếm rất nhọn, nếu trẻ không cẩn thận có thể gây nguy hiểm cho bản thân hoặc những người xung quanh.
Theo Tiến Dũng
VnExpress