Bạo lực học đường - Lỗi do ai?

Quang Phong Như Quỳnh

(Dân trí) - Theo đại biểu Nguyễn Văn Cảnh, nhiều gia đình không dạy con biết rõ đúng - sai, làm các em có suy nghĩ ích kỷ, dễ xung đột với nhau trong giao tiếp dẫn tới bạo lực học đường.

Chiều 1/6, tại phiên thảo luận tại hội trường về tình hình kinh tế - xã hội, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (đoàn Bình Định) đã nêu quan điểm về vấn đề giáo dục học sinh phổ thông và chính sách cho thầy cô giáo nhằm nâng cao chất lượng giáo dục trong thời gian tới. 

Không dạy con biết rõ đúng - sai

Dành nhiều thời gian thảo luận về chủ đề này, đại biểu đoàn Bình Định nêu thực trạng xảy ra trong thời gian vừa qua là học sinh vi phạm đạo đức, lối sống, vi phạm các quy định của nhà trường, dính vào các tệ nạn xã hội, gây bạo lực học đường, không kính trọng thầy cô, xem thường bạn bè và mọi người xung quanh; không lễ phép với ông bà, cha mẹ, cư xử thiếu tính nhân văn, mê game, trốn học… 

"Nhiều bé mới chỉ ở cấp tiểu học đã nói tục, chửi bậy, vô lễ với người lớn. Tỷ lệ này tuy ít nhưng nếu không được quan tâm điều chỉnh sớm sẽ là hậu quả cho các gia đình, ảnh hưởng tới các học sinh khác và tác động tới chính cuộc sống của các em sau này. 

Lỗi do ai? Tôi nghĩ, lỗi chính không phải do các em học sinh, vì các em học sinh sinh ra như tờ giấy trắng. Đạo đức và lối sống được hình thành từ noi gương, dạy dỗ, giáo dục bởi người lớn" - ông Cảnh cho biết và dẫn lại lời Bác Hồ từng nói "Hiền dữ đâu phải là tính sẵn, phần nhiều do giáo dục mà nên".

Bạo lực học đường - Lỗi do ai? - 1

Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh phát biểu thảo luận chiều 1/6 (Ảnh: Quốc Chính).

Nam đại biểu đoàn Bình Định cho rằng trách nhiệm chính là gia đình và nhà trường. Nếu nhà trường và gia đình không cùng nhận lỗi của mình thì đạo đức và lối sống của các em sẽ không được điều chỉnh tốt hơn. Việc đổ lỗi giữa gia đình và nhà trường, chính các em lại là người phải gánh hậu quả.

"Hiện nay tôi thấy không ít gia đình nuôi dạy con theo hướng làm sao để con mình khôn, không dạy con biết rõ đúng - sai, mỗi gia đình dạy một kiểu làm các em có suy nghĩ khác nhau, có tính ích kỷ. Các em dễ xung đột với nhau trong giao tiếp dẫn tới bạo lực học đường" - đại biểu cho biết và đưa ra so sánh với học sinh phương Tây, nếu tiếp xúc nhiều sẽ thấy học sinh phương Tây rất ngây thơ và trung thực, nhưng khi các em trưởng thành thì trở thành những người giỏi và nhìn rõ được cái đúng - cái sai. 

Vị đại biểu nhấn mạnh, để tốt cho các em học sinh thì nên phân định trách nhiệm chính của cha mẹ là nuôi con và làm gương tốt cho con. Việc giáo dục, dạy dỗ, thưởng - phạt hãy tin tưởng vào thầy cô, vì nhà trường là mái nhà chung của các em, nơi các em được học tập, vui chơi và được dạy dỗ, quan tâm, cư xử một cách công bằng, nhìn rõ điều hay lẽ phải và việc đúng - sai; trường học là nơi tạo ra những công dân tốt cho xã hội. 

Trách nhiệm và cơ chế thị trường

Chia sẻ về câu chuyện giáo dục ở thời kỳ trước, ông Cảnh cho biết, trước đây khi dẫn con tới trường, phụ huynh thường nói với thầy cô: "Xin được gửi cháu cho thầy cô dạy dỗ, cháu có gì hư thì thầy cô thay mặt bố mẹ dạy dỗ cháu nên người". Lời nói đó vừa là gửi gắm trách nhiệm, vừa là lòng tin dành cho thầy cô, là động lực để thầy cô quan tâm, yêu thương nhiều hơn tới học sinh. Thầy cô uốn nắn học sinh từ chữ viết - không phải chỉ để nét chữ của các em đẹp hơn mà để rèn luyện tính kiên nhẫn, cần cù cho các em. Đây là một đức tính có ích trong cuộc sống…

"Tôi nghĩ nhiều đại biểu Quốc hội cũng đã từng được thầy cô thương yêu, dạy dỗ từ những lời gửi gắm của bố mẹ. Khi đó, nếu có mắc lỗi bị thầy cô phạt thì về nhà có lẽ còn bị bố mẹ phạt nặng hơn. Tôi nghĩ tình thương của thầy cô ngày trước dành cho học sinh nhiều hơn ngày nay và học sinh thời đó cũng biết hơn thầy cô nhiều hơn thời nay. Nếu gia đình, nhà trường có tiếng nói chung thì các em sẽ được quan tâm, dạy dỗ, chăm sóc tốt hơn" - ông Cảnh bày tỏ và cho rằng, nếu vì một vài trường hợp cá biệt, học sinh bị thầy cô la mắng mà phụ huynh mất lòng tin vào thầy cô thì thiệt thòi chính là các em và cả những học sinh chăm ngoan khác.

Bạo lực học đường - Lỗi do ai? - 2

Một vụ bạo lực học đường ở quận Bình Thạnh - TPHCM xảy ra năm 2021 (Ảnh cắt từ clip).

Phần thảo luận của đại biểu Nguyễn Văn Cảnh thu hút sự quan tâm tại nghị trường khi tiếp tục đề cập tới vấn đề giáo dục con cái trong thời buổi kinh tế thị trường - khi cha mẹ nào cũng phải làm việc ngày đêm để kiếm tiền nuôi con ăn học, không có nhiều thời gian để gần gũi, dạy dỗ con đúng cách, bởi vậy các em có ngoan, có giỏi hay không thì lại càng cần có sự quan tâm của thầy cô hơn. 

"Trong giai đoạn hiện nay, học sinh dễ mắc phải các bệnh về tâm lý cần được nhà trường quan tâm nhiều hơn. Nếu học sinh không tôn trọng thầy cô thì người lớn trong gia đình cũng sẽ nhận được các cư xử tương tự từ con em của mình" - ông Cảnh lưu tâm. 

Vị đại biểu khẳng định, giáo dục là quốc sách hàng đầu, nhà giáo là nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý nên cũng phải là nghề ít chịu tác động nhất của kinh tế thị trường. 

"Các chế độ đối với thầy cô cần được ưu tiên trước nhất để thầy cô sống được với lương của mình. Để thầy cô toàn tâm toàn ý lo soạn bài, giảng bài, làm chuyên môn và thấu hiểu học sinh thì Nhà nước cần có chính sách quan tâm về chế độ tiền lương để thầy cô yên tâm công tác, phục vụ tốt hơn cho sự nghiệp trồng người" - ông Cảnh cho hay.