1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

TPHCM:

Bạo lực hoành hành ở làng đại học Thủ Đức

Nhiều năm nay, khu vực làng đại học Thủ Đức (giáp ranh với ấp Tân Lập, xã Đông Hòa, huyện Dĩ An, Bình Dương) được coi là khu vực rất “nhạy cảm” về an ninh trật tự. Hàng nghìn sinh viên ngoại trú phải đối mặt với những "bóng ma" bạo lực, những tên đạo chích luôn rình rập trong các khu nhà trọ.

Các khu nhà trọ ở phường Linh Trung (quận Thủ Đức), được giới sinh viên ngoại trú ví như vùng đất của "đứa con rơi" khi so với khu "khách sạn sinh viên" (ký túc xá ĐH Quốc gia TPHCM). Phần lớn sinh viên ngoại trú phải luôn cảnh giác với nguy cơ đụng độ với các "đại ca" nhà trọ.

 

Hải, sinh viên năm II khoa Kinh tế ĐH QG TPHCM đã phải đôi lần "tị nạn" để tránh đụng độ với những "ông cử" hăng máu đánh đấm. Tỏ ra vô cùng bức xúc, Hải nói như mếu: "Tối hôm đó, mình đang học bài thì tự dưng một đám sinh viên say xỉn xông vào tìm thằng bạn cùng phòng đòi "tính chuyện", mình vừa nói vài câu liền bị ăn đấm vào mặt. Tức không thể chịu được, nhưng tụi nó đông quá đành phải chịu đòn oan thôi". Sau hôm đó, Hải phải chạy lo tìm nhà để được yên ổn vì đám sinh viên kia còn đòi quay lại "tính sổ" cho bằng được người bạn cùng phòng. Theo Hải, nguyên nhân vụ xích mích này chỉ vì "đám kia nhìn mặt thằng bạn mình thấy ghét".

 

Còn Mai, nữ sinh viên ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn lộ rõ sự bàng hoàng khi kể chuyện: "Đã rất nhiều lần diễn ra cảnh đánh nhau đầy máu me trước khu nhà trọ của mình. Có lần một sinh viên tay lăm lăm cây dùi cui vào tận phòng mình để đuổi theo một người vừa chạy trốn. Lúc đó, phải lấy hết can đảm mình mới có thể đóng được cửa lại, rồi như muốn chết đứng luôn trong phòng khi tên kia cứ đứng đập cửa, la hét bên ngoài". Mai đang định chuyển nhà nhưng vẫn chưa tìm được nơi nào thật sự an toàn.

 

Sinh viên ở đây kháo nhau rằng, vào quán cà phê hay bất cứ đâu nếu bị ai đó "nhìn đểu" bằng ánh mắt gườm gườm thì mau quay sang hướng khác, kẻo không thì sớm hay muộn cũng gặp chuyện. Các "đại ca" nhà trọ có quyền nhậu nhẹt la hét suốt đêm, còn "thường dân" bị "hành" không tài nào học bài được. Khánh, sinh viên khoa Kinh tế ĐHQG TPHCM hay Phước, sinh viên ĐH Khoa học xã hội và nhân văn đến giờ vẫn còn tức tối khi nhớ lại chuyện

 

Bạo lực hoành hành ở làng đại học Thủ Đức - 1
 

Điều kiện vệ sinh kém,
thiếu nước trầm trọng.

mình bị ăn đòn khi vào phòng trọ thăm bạn. Nguyên nhân chỉ là những cái nhìn gườm nhau tai hại hay lời qua tiếng lại không biết cả nể "đàn anh"... Và cũng vì chuyện đụng độ bằng... ánh mắt với những kẻ "khát" bạo lực mà Việt, sinh viên ĐH Sư phạm kỹ thuật và bạn cùng phòng bị một trận "xáp lá cà" không gớm tay của bọn người này. Kết quả là Việt và "phe đồng minh" bị thương rất nặng, sau đó lại phải chuyển nhà sang nơi khác để lánh nạn...

 

Phòng trọ ở Linh Trung có đặc điểm dàn trải, xập xệ và kém an ninh, nên đó là địa chỉ "thường trực" của những tên đạo chích.  Mới đây, tại nhà trọ 20/9, khu phố 6, phường Linh Trung đã xảy ra một vụ trộm, nạn nhân là một nhóm sinh viên ĐHDL Bình Dương đang học quân sự tại Trung tâm Giáo dục quốc phòng.

 

Trần Quý Danh vẫn chưa hết bàng hoàng kể: "Lúc đó khoảng 4h chiều, vừa tan học là em về nhà liền. Thấy cổng mở, các cửa phòng khép hờ, mở cửa phòng em không thấy chiếc xe gắn máy đâu cả. Qua các phòng khác em thấy mọi thứ bị lục tung lên. Hoảng quá em chạy ra ngoài tri hô lên, kiểm tra lại thấy mất một chiếc xe máy, đầu đĩa CD, tiền bạc của cả nhóm...". Danh cho biết thêm, khoảng 1 tuần trước đó, phòng số 2 đã bị cạy cửa một lần, các bạn đã gia cố lại nhưng vẫn không thoát khỏi tay bọn đạo chích.

 

Các tiện nghi tối thiểu của khu nhà trọ xuống cấp trầm trọng. Những vách tường loang lổ, hệ thống thoát nước xuống cấp và khủng khiếp nhất là các nhà vệ sinh đã ảnh hưởng không ít đến môi trường sống của sinh viên. Độ an toàn của các cánh cửa thì khỏi phải nói, chỉ cần 3 phút với chiếc tuốc-nơ-vít là kẻ gian có thể thoải mái đột nhập vào phòng và vét sạch tài sản của sinh viên. Thậm chí, ngay cả trong khu nhà trọ kiên cố, có tường rào bảo vệ, chủ nhà luôn có mặt thường trực vẫn bị cạy cửa giữa ban ngày, như trường hợp của bạn Hoàng, sinh viên ĐH Khoa học xã hội và nhân văn. Những tên đạo chích này đã "thuổng" tất cả tài sản quý giá của sinh viên trong phòng Hòang.

 

Bên cạnh đó, tình trạng sinh viên bị mất cắp quần áo, điện thoại di động là chuyện thường ngày. Theo lời một số sinh viên ở lại trong dịp hè, những tên này hoạt động với vẻ mặt rất điềm tĩnh và có điều lạ là chúng đều biết rõ tên, quê quán của những đối tượng chuẩn bị "tấn công". Có lần Minh - sinh viên ĐH khoa học xã hội và nhân văn phát hiện một kẻ lạ mặt vào phòng của mình, khi vặn hỏi thì cô gái đó bảo vào tìm Minh quê ở Thanh Hóa, có một đồng hương cần gặp, đang đứng đợi gần đó. Minh cũng tưởng là có đồng hương tìm mình thật nên cùng đi theo cô gái lạ để gặp người đồng hương kia. Nhưng mới đi một quãng thì cô gái dẫn đường đã nói mình nhầm người nên xin lỗi Minh và bảo Minh về. Ai ngờ về tới nhà cô phát hiện chiếc di động của mình đã không cánh mà bay.

 

Báo chí đã nhiều lần lên tiếng nhưng cho đến nay, mỗi khi đêm về, con đường từ ngã ba Đại Cương vào làng đại học vẫn tối om, không một bóng đèn đường. Đã có những lời đồn đại về nạn trấn lột, hay nữ sinh viên bị sàm sỡ gây không ít hoang mang cho nhiều sinh viên. Nếu sinh viên nào có nhu cầu đi học thêm, hay đi đâu đó về trễ thì thật là bất tiện.

 

 

Bạo lực hoành hành ở làng đại học Thủ Đức - 2
 

Đường vào khu nhà trọ
ở khu vực Ao Cá.

Với các bạn sinh viên thuê nhà ở khu vực Hồ Đá hay ở Ao Cá sinh viên thì lúc nào cũng thủ sẵn cây đèn pin trong cặp bởi nếu muốn về phòng trọ phải băng qua khu vườn cây dương tù mù hiu hắt. Ngay cả đường từ ĐH Khoa học tự nhiên về ký túc xá cũng hắt hiu những ngọn đèn đường lúc tỏ lúc mờ. Hiện nay, đa số các bạn nữ không dám ra khỏi ký túc xá, nhà trọ vào buổi tối; cơ hội học thêm tin học, ngoại ngữ cũng bị ảnh hưởng ít nhiều. Bên cạnh đó, hằng ngày, các xe tải vào công trình khai thác đá 621 băng qua ký túc xá nối đuôi chạy làm khói bụi mịt mù, cày nát cả con đường.

 

Theo Thiên Long - Trí Quang
 Thanh Niên