“Bạo hành trẻ em thường xuyên cho thấy phát triển xã hội không bền vững”
(Dân trí) - Mỗi năm cả nước có khoảng 7.000 - 8.000 vụ bạo hành và xâm hại tình dục trẻ em. Theo Tiến sĩ Nguyễn Hải Hữu - Cục trưởng Cục Bảo vệ chăm sóc trẻ em - đây là chỉ là con số được trình báo; thực tế còn cao hơn nữa.
Theo báo cáo của Bộ LĐ-TB&XH, từ năm 2008 đến nay, mỗi năm số trẻ bị bạo hành và xâm hại tình dục tăng lên hàng trăm vụ. Điều này có đi ngược với xu thế phát triển của toàn xã hội, thưa ông?
Từ năm 2008 đến nay cả nước xảy ra hàng vạn vụ bạo hành và xâm hại tình dục trẻ em. Căn cứ vào số liệu báo cáo thì có vẻ tình trạng bạo hành và xâm hại tình dục trẻ em thời gian qua có xu hướng tăng lên đáng kể. Thực tế không phải như vậy, nguyên nhân là do trước đây cũng có rất nhiều vụ việc, công tác thông kê chưa tốt, nhiều trường hợp bị bỏ qua nên không thấy hết vụ việc và mức độ nghiêm trọng của việc bạo hành trẻ em. Điều này cũng không đi ngược với xu hướng của xã hội. Đơn giải khi điều kiện kinh tế phát triển, về nguyên tắc cuộc sống của trẻ em phải tốt hơn, chứ nó không thể nào xấu đi được.
Thưa ông, nhiều người cho rằng từ khi Ủy ban Dân số, gia đình và trẻ em ngừng hoạt động đến nay, do thiếu lực lượng hoạt động đã gây khó khăn rất lớn trong việc phát hiện sớm trẻ bị bạo hành?
Trước đây, chúng tôi có 160.000 người làm ở mạng lưới cộng tác viên, mỗi huyện có từ 4-5 người làm công tác dân số, gia đình trẻ em. Nay chỉ có khoảng 7.000 nhân viên. Nhiều huyện trên cả nước hiện nay chưa có nổi 1 cán bộ chuyên trách về bảo vệ chăm sóc trẻ em. Điều đó là cái khó cho chúng tôi hoạt động hiệu quả.
Ngân sách 1 năm đầu tư cho công tác bảo vệ chăm sóc trẻ em quá thấp, một năm cả trung ương và địa phương ngân sách bỏ ra chưa nổi 100 tỷ cho 23 triệu trẻ em. Nguồn ngân sách của địa phương và trung ương bố trí các chương trình đề án liên quan đến vấn đề này quá thấp. Chúng ta mới chỉ tập trung cho giáo dục, chữa bệnh còn bảo vệ và vui chơi là 2 vấn đề chưa thực sự được quan tâm.
Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội Trương Thị Mai cho rằng, cứ 1 khoảng thời gian xã hội lại có bạo hành trẻ em là không ổn. Cơ quan chức năng cần vào cuộc mạnh mẽ hơn để giải quyết vấn nạn này. Chịu trách nhiệm trực tiếp việc bảo vệ, chăm sóc trẻ em, quan điểm của ông về vấn đề này thế nào?
Tôi cho thế là đúng khi một đất nước bước qua sự nghèo đói, tiến vào ngưỡng cửa của sự phát triển thì việc đầu tư cho chăm sóc, bảo vệ trẻ em phải tốt hơn. Rõ ràng nay để xảy ra chuyện này, mai xảy ra chuyện khác liên quan đến vấn đề chăm sóc trẻ em cũng cho thấy sự phát triển của xã hội không bền vững.
Chỉ thị 1408 của Thủ tướng quy định việc để xảy ra bạo hành, trách nhiệm trước tiên thuộc về chủ tịch tỉnh. Nhưng hàng ngàn vụ bạo hành đã xảy ra, vậy đã có vị chủ tịch nào tự đứng ra nhận trách nhiệm chưa, thưa ông?
Thủ tướng quy định trước hết trách nhiệm thuộc về chủ tịch UBND tỉnh, TP. Tuy nhiên, đến thời điểm này chưa có ông nào bị xử lý. Cứ sự việc xảy ra, cán bộ trực tiếp về bảo vệ chăm sóc trẻ em chịu trách nhiệm và người vi phạm chịu trách nhiệm thôi thì chưa ổn. Vì ông vẫn đứng ở vị trí bên trên để chỉ đạo và không chịu trách nhiệm tí nào thì không phải.
Một số vụ bạo hành xảy ra ở những khu công nghiệp, nguyên nhân chủ yếu là do thiếu trường mần non, do vậy nhiều cha mẹ phải tìm đến cơ sở trông trẻ tự phát. Thưa ông Bộ Lao động có kế hoạch gì trong vấn đề này không?
Đó là trách nhiệm của người quản lý quy hoạch xây cơ sở hạ tầng trong đó có nhà trẻ, mẫu giáo phải phù hợp với số lượng gia đình công nhân sinh sống tại đó. Tuy nhiên, chỉ vì lợi nhuận hoặc lý do nào đó, chủ đầu tư dường như không quan tâm đến vấn đề này. Để cho mật độ dân số quá đông sinh sống tại đây, dẫn tới việc nhà trẻ không đáp ứng đủ nhu cầu. Nếu có thì học phí cũng đắt đỏ so với mức thu nhập của công nhân. Điều đó dẫn tới việc họ phải gửi con ở những nơi tự phát, bảo mẫu không có chứng chỉ hành nghề, và cũng không được nhà nước quản lý.
Việc quy hoạch đó là trách nhiệm của hệ thống giáo dục. Nếu tư nhân không làm được thì nhà nước phải đứng ra thành lập. Rất nhiều nơi tư nhân làm được thì tại sao nhà nước không làm, nhà nước bỏ tiền vào đầu tư sẽ không lỗ vốn. Nếu như hệ thống mẫu giáo đủ thì không có chuyện bạo hành và xâm hại tình dục xảy ra. Những khu vực đó chưa đủ thì mới có hiện tượng đó.
Các vụ việc vừa qua, trách nhiệm của Cục Bảo vệ chăm sóc trẻ em đến đâu thưa ông?
Quang Phong (thực hiện)