Báo động về tình trạng buôn bán phụ nữ, trẻ em
(Dân trí) - Trong 6 tháng đầu năm 2008, đã có 160 vụ buôn bán phụ nữ trẻ em (PNTE) được triệt phá. Theo báo cáo của Bộ Công an, các vụ buôn bán PNTE đang có chiều hướng tăng, đặc biệt đối tượng phạm tội đã áp dụng nhiều thủ đoạn dã man...
Buôn bán PNTE tăng 2%
Một trong những vụ điển hình nhất là đường dây buôn bán trẻ sơ sinh đã được công an Hà Nội, Quảng Ninh triệt phá. Nạn nhân không chỉ là những đứa trẻ sơ sinh mà cả những bào thai đang nằm trong bụng mẹ, cũng như chính những người phụ nữ mang thai.
Đây là ổ nhóm tội phạm chuyên buôn bán trẻ em sang Trung Quốc theo đường biên giới Móng Cái, Quảng Ninh có phạm vi hoạt động rất rộng khắp trên toàn quốc.
Bọn chúng thường nhằm vào các phụ nữ trót dại, bị phản bội tình cảm và quan trọng là không mong muốn giữ giọt máu này để tìm cách dụ dỗ, gạ gẫm và bán cho chúng những đứa trẻ ấy sau khi ra đời.
Không chỉ khám phá được 160 vụ, bắt giữ 299 đối tượng, cơ quan công an và biên phòng còn phối hợp giải cứu được 169 nạn nhân. Tuy nhiên, tình hình buôn bán PNTE vẫn diễn ra phức tạp, tăng 2% số vụ và số đối tượng so với năm 2007. Cụ thể là đã có 193 vụ buôn bán PNTE với 359 đối tượng, lừa bán 429 nạn nhân trong nửa đầu năm nay.
Quy mô và thủ đoạn hoạt động của các đối tượng cũng ngày càng tinh vi xảo quyệt, có tổ chức chặt chẽ và xuyên quốc gia. Nhiều học sinh, sinh viên đã trở thành nạn nhân của các đường dây buôn bán PNTE do bị lừa qua các phương tiện truyền thông như Internet, điện thoại di động...
Các nạn nhân có thể bị bán ra nước ngoài hoặc bị đưa vào nhà hàng, các ổ mại dâm thuộc vùng giáp ranh theo tuyến quốc lộ, bãi tắm, khu du lịch trong nước và bị bóc lột tình dục. Đối với những nạn nhân là trẻ nhỏ bắt đầu có thêm nhiều vụ buôn bán nội tạng, buôn bán trẻ sơ sinh, trẻ trong bào thai...
Những trường hợp bị mất tích, bỏ nhà đi chưa xác định nguyên nhân cũng đang có chiều hướng gia tăng. Theo thống kê của Ban chỉ đạo 130/CP, cả nước có khoảng 21.000 PNTE nghi bị buôn bán do chưa xác định được nguyên nhân bỏ nhà.
Không những vậy, tình trạng buôn bán PNTE vẫn diễn biến phức tạp. Theo một con số đã công bố, qua điều tra khảo sát, hiện cả nước có trên 3.048 đối tượng, khoảng 235 đường dây, gồm 654 đối tượng có biểu hiện hoạt động buôn bán PNTE song công tác đấu tranh, khám phá còn nhiều hạn chế.
Cần lắng nghe và chia sẻ
Rõ ràng, tình hình buôn bán PNTE đang là vấn đề nóng bỏng của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Vấn đề được đặt ra là chúng ta đã có nhiều hoạt động phòng chống buôn bán PNTE nhưng vì sao nạn buôn bán PNTE vẫn tiếp tục gia tăng?
Theo đánh giá của Ban chỉ đạo 130/CP, nguyên nhân cơ bản đó là do yếu tố về kinh tế khó khăn, thiếu việc làm cũng như nhận thức kém, nhất là ở những vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa dẫn đến họ dễ bị lừa gạt và trở thành nạn nhân.
Riêng đối với trẻ em, khi tới một lứa tuổi nhất định nào đó, thì nguyên nhân khiến các em không thể bảo vệ được chính mình là do nhận thức thấp. Bởi vậy, việc trang bị kiến thức cho các em cũng như tạo cơ hội cho các em được nói, được chia sẻ là điều không thể thiếu.
Chúng ta đã có tới hai cuộc đối thoại của trẻ em Việt Nam với ban chỉ đạo phòng chống buôn bán người thuộc nhiều bộ ngành. Tại cuộc đối thoại gần đây nhất, một câu hỏi mà nhiều em đặt ra đó là vì sao tình trạng buôn bán trẻ em vẫn gia tăng và vì sao những cuộc đối thoại như thế này vẫn thiếu sự có mặt của những trẻ em từng bị buôn bán hoặc có nguy cơ bị buôn bán? Điều đó cho thấy, những cuộc hội thoại kiểu như vậy chưa thực sự đem lại hiệu quả như mong muốn.
Một số trẻ em cũng đã lo lắng hỏi liệu những kiến nghị của các em có thực sự được quan tâm không? Về vấn đề này, Bộ Công an cho rằng nhiều khuyến nghị của các em đã triển khai có hiệu quả như việc tạo điều kiện cho trẻ em di cư có cuộc sống an toàn, giúp đỡ nhiều trẻ em nghèo được đến trường...
Tuy nhiên, do tội phạm buôn bán trẻ em ngày càng phức tạp với nhiều thủ đoạn ngày càng tinh vi nên công tác phòng chống buôn bán trẻ em còn gặp nhiều khó khăn. Chẳng hạn như việc truyền thông về những thủ đoạn buôn bán, đặc biệt ở những vùng sâu, vùng xa rất khó khăn...
Cần để trẻ em hiểu rõ những nguy cơ có thể bị buôn bán để các em có thể tự bảo vệ mình và tuyên truyền cho các bạn cùng trang lứa. Điều đó có nghĩa là chúng ta không chỉ nâng cao nhận thức cho toàn dân nói chung, mà phải cho các em có cơ hội được bày tỏ và chia sẻ bằng hành động.
Lan Hương