1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Báo động tình trạng lộn xộn trong nội dung và minh họa truyện cho thiếu nhi

Trong một thời gian ngắn, hàng loạt những cuốn sách, truyện cho thiếu nhi có ngôn từ phản cảm, minh họa không phù hợp bị phanh phui khiến các bậc phụ huynh không khỏi boăn khoăn, lo lắng trong việc lựa chọn sách cho con.

Gần đây nhất, truyện Thạch Sanh trong cuốn "Truyện cổ tích Việt Nam", quyển I của Nhà xuất bản Kim Đồng được tái bản vào tháng 10/2014 đã làm độc giả ngỡ ngàng với chi tiết mẹ Thạch Sanh nhường quần cho con. Theo cuốn truyện, mẹ Thạch Sanh trước khi qua đời đã cởi chiếc quần độc nhất của mình để nhường lại cho con. Chi tiết cha mẹ nhường quần cho con không phải là hiếm gặp trong kho tàng truyện dân gian Việt Nam, nhưng để người mẹ nhường quần cho con trai thì đó lại là cách kể vụng về, thiếu thuyết phục. Hơn nữa, nhiều người cho rằng, biên tập viên đã nhầm lẫn giữa câu chuyện Chử Đồng Tử và Thạch Sanh.

Cũng trong truyện Thạch Sanh, có một chi tiết bị đánh giá chứa ngôn từ bạo lực, không phù hợp với lứa tuổi thiếu nhi. Miêu tả đoạn Thạch Sanh giết trăn tinh, trong truyện có đoạn: "Thạch Sanh giơ búa nhè giữa đầu trăn bổ xuống thật mạnh, nó bị vỡ đầu, óc phọt ra chết tươi".

Tranh minh họa trong truyện Sọ Dừa của NXB Hồng Đức. 
Tranh minh họa trong truyện Sọ Dừa của NXB Hồng Đức. (Ảnh: Báo Thể thao & Văn hóa)

Trong khi truyện Thạch Sanh khiến độc giả ngỡ ngàng với chi tiết mẹ nhường quần cho con thì bộ truyện "Thần thoại Hy Lạp" cũng của Nhà xuất bản Kim Đồng lại gây sốc với những hình vẽ lõa thể. Cụ thể, trong tập 7 có tên "Số phận và bi kịch" có trang vẽ hình một pho tượng lõa thể, minh họa cho chi tiết Pic-ma-li-ông (Pygmalion - một nhà điêu khắc tài ba trong thần thoại Hy Lạp) tiến tới hôn pho tượng. Kèm theo hình ảnh là những lời văn miêu tả: "Pic-ma-li-ông sung sướng ôm ghì lấy pho tượng hôn tới tấp như người bị mất trí".

Cùng trong cuốn "Truyện cổ tích Việt Nam", quyển I của Nhà xuất bản Kim Đồng, truyện “Anh em sinh năm” có đoạn dùng những ngôn từ thô tục, xưng hô “mày, tao” như: “Từ đó, cô gái tự nhiên không chồng mà chửa. Cha mẹ nàng ngạc nhiên và xấu hổ vô cùng. Hết tra hỏi đến dụ dỗ nhưng cô gái ngây thơ ấy cũng chả làm sao mà hiểu được. Tất cả mối ngờ của cha mẹ đều đổ dồn vào nhà chùa. Đoán có một ông sư đã quyến rũ con gái mình trong ngày lễ Phật dạo nọ, họ bèn đuổi con lên chùa và nói: Mày lên đó mà ở với sư, đừng vác mặt trở về bôi nhọ nhà tao nữa”. Cách kể vô hồn như vậy không phù hợp với tâm lý tiếp nhận của lứa tuổi thiếu nhi, gây tác động xấu đến tâm lý, nhận thức của nhóm đối tượng độc giả này.

Chưa kể, trong tập truyện dành cho trẻ nhỏ của Nhà xuất bản Hồng Đức, Sọ Dừa - nhân vật cổ tích quen thuộc, được mẹ sinh ra sau khi uống nước đựng trong chiếc... sọ người. Truyện dùng ngôn từ khá phản cảm với trẻ nhỏ như: “quái thai”, “đem chôn sống nó đi...”. Không chỉ có lời kể khác biệt so với nhiều bản truyện cổ tích về Sọ Dừa trước đây, hình ảnh minh họa trong sách còn khá rùng rợn với cảnh người đàn bà cầm trên tay chiếc đầu lâu. Đây là những hình ảnh khá phản cảm, khiến truyện cổ mất đi tính giáo dục thẩm mỹ.

Những
ngôn từ phản cảm trong truyện “Anh em sinh năm” của Nhà xuất bản Kim Đồng. (Ảnh:
HT)
Những ngôn từ phản cảm trong truyện “Anh em sinh năm” của Nhà xuất bản Kim Đồng. (Ảnh: HT)

Những lỗi sai kể trên cho thấy thực trạng lộn xộn đáng báo động trong nội dung và minh họa truyện cho thiếu nhi. Rõ ràng, thị trường sách thiếu nhi hiện nay đang bị "loạn" với rất nhiều đầu sách được xuất bản mỗi năm. Trong khi đó lại thiếu đi bàn tay điều chỉnh của các nhà quản lý. Nhà giáo Ưu tú, TS.Đặng Thu Thủy, Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam cho rằng: Việc lọt lưới những cuốn sách, truyện có nội dung, tranh minh họa phản cảm là lỗi của các nhà xuất bản đã buông lỏng quản lý trong quy trình biên tập và liên kết, biên tập không kỹ, thiếu nhạy bén chính trị. Điều đó cho thấy trình độ, năng lực biên tập của đội ngũ những người làm sách trong các nhà xuất bản hiện nay còn yếu. “Để giữ được vị thế, hình ảnh của mình trong lòng bạn đọc, các nhà xuất bản cần xốc lại khâu kiểm duyệt sách dành cho thiếu nhi. Bên cạnh đó, cần nâng cao, bồi dưỡng trình độ cho đội ngũ biên tập viên nhằm ngăn chặn những cuốn sách nhảm, sách rác ra ngoài thị trường” – TS. Nhà giáo ưu tú Đặng Thu Thủy nhấn mạnh.

Theo nhà nghiên cứu Giáo dục và phát triển trí tuệ trẻ em, ThS. Lê Thị Lan Anh - Phó Viện trưởng Viện Phát triển Giáo dục và Trí tuệ Việt (IEDV): “Dù có thận trọng đến mấy, chúng ta vẫn có thể để lọt lưới các cuốn sách nhảm nhí dành cho thiếu nhi. Do đó, đối với người lớn cần rèn luyện cho trẻ kỹ năng tiếp nhận những thông tin từ sách, báo, truyện. Để khi có những thông tin bất thường, trẻ sẽ báo cho người lớn, và lúc đó người lớn có vai trò phân tích cái đúng, cái sai cho con trẻ”.

Mỗi cuốn sách hay có giá trị vô cùng to lớn trong việc góp phần tạo nên cảm xúc, sự rung động và cả trí tưởng tượng để nuôi dưỡng tâm hồn trẻ thơ. Chính vì vậy, những người làm sách, truyện tranh cho trẻ em đọc cần cẩn trọng trong việc chọn lựa nội dung, hình ảnh minh họa để câu chuyện giàu tính nhân văn hơn. Trong những câu truyện cổ tích hay truyền thuyết, ở một mức độ nào đó, người làm sách vẫn có thể tránh đi vài chi tiết có thể gây ra sự ghê sợ cho trẻ mà vẫn không làm mất đi nội dung chính của truyện./.

Theo Hà Thảo

Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam