Báo động gia tăng tội phạm buôn bán trẻ em
(Dân trí) - Cơ quan Phòng chống Tội phạm và Ma túy của Liên Hợp Quốc (UNODC) cho biết, 1/3 số nạn nhân được phát hiện trong các vụ việc liên quan đến tội phạm buôn bán người là trẻ em, tăng 5% so với giai đoạn 2007 – 2010.
UNODC vừa công bố Báo cáo Toàn cầu về Tình trạng Buôn bán người năm 2014 tại châu Á và trên toàn thế giới. Báo cáo này cho biết, 1/3 số nạn nhân được phát hiện trong các vụ việc liên quan đến tội phạm buôn bán người là trẻ em, tăng 5% so với giai đoạn 2007 – 2010. Trong đó, cứ 3 nạn nhân trẻ em thì có 2 nạn nhân là trẻ em gái, cùng với số nạn nhân nữ, con số này chiếm tới 70% nạn nhân trong các vụ việc liên quan đến buôn bán người trên toàn thế giới.
Không có quốc gia nào thực sự miễn nhiễm – có ít nhất 152 quốc gia là điểm xuất phát và 124 quốc gia là đích đến của nạn buôn người, cùng hơn 510 đường dây buôn lậu trên khắp thế giới. Nạn buôn người thường xảy ra chủ yếu trong nước hoặc trong cùng khu vực, đường dây buôn người xuyên lục địa phần lớn ảnh hưởng tới các nước giàu.
Ở một số khu vực, nạn buôn bán trẻ em là vấn đề nổi cộm nhất, ở khu vực Đông Nam Á, 33% nạn nhân là trẻ em.
Buôn bán người vì mục đích cưỡng bức lao động – bao gồm trong các ngành công nghiệp sản xuất và xây dựng, sản xuất nội khối và dệt may – cũng gia tăng đều đặn trong năm năm qua. Khoảng 35% nạn nhân bị buôn bán vì mục đích cưỡng ép lao động là phụ nữ.
Tuy nhiên, tình hình buôn người xảy ra ở các khu vực khác nhau có đặc điểm khác nhau: ở Đông Á - Thái Bình Dương, hai phần ba số nạn nhân bị buôn bán vì mục đích cưỡng ép lao động và một phần tư nạn nhân bị mua bán vì mục đích tình dục, trong khi ở châu Âu và Trung Á nạn nhân chủ yếu đều bị buôn bán vì cưỡng bức tình dục. Ở châu Mỹ, con số liên quan đến hai vấn đề này được thống kê là bằng nhau.
Hầu hết các đường dây buôn bán người có tính liên khu vực, cứ 10 nạn nhân thì có 6 nạn nhân bị mua bán qua ít nhất một biên giới quốc gia. Có tới 72% tội phạm bị kết án là nam giới và là công dân của đất nước mà đường dây này hoạt động.
Các nhà hoạch định chính sách ở khu vực Đông Nam Á quan ngại rằng tiến trình hòa nhập khu vực sẽ làm gia tăng sự dịch chuyển giữa các quốc gia, từ đó sẽ làm gia tăng các vấn đề này. Các quốc gia với trình độ quản lý biên giới và hệ thống tư pháp còn yếu kém, sẽ đặc biệt dễ bị tổn thương trước nguy cơ này.
Báo cáo cũng nhấn mạnh tình trạng tội ác không bị trừng phạt vẫn là một vấn đề nghiêm trọng: 40% quốc gia thống kê có rất ít hoặc không có tội phạm, và trong vòng 10 năm qua có thể thấy rõ các nỗ lực đáp ứng với loại hình tội phạm này của tư pháp hình sự toàn cầu không hề tăng, đều này khiến nhiều người dân dễ bị tổn thương trước những kẻ mua bán người.
“Cần phải thay đổi! Mọi quốc gia cần thông qua Công ước Liên hợp Quốc về Phòng chống Tội phạm xuyên Quốc gia và Nghị định thư về Ngăn ngừa, Phòng chống và Trừng phạt nạn buôn bán người và cam kết thực hiện đầy đủ các Công ước này,” ông Yury Fedotov, Giám đốc Điều hành UNODC nói.
Nguyên An