Phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi:

Báo chí với sự phát triển đời sống đồng bào dân tộc thiểu số

CTV

(Dân trí) - Những năm qua, báo chí đã trở thành kênh tuyên truyền có hiệu quả chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là về chính sách dân tộc, tôn giáo, đại đoàn kết dân tộc.

Đây cũng là nội dung góp phần thực hiện Dự án 10: Truyền thông, tuyên truyền, vận động trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025.

Việt Nam có 53 dân tộc thiểu số với trên 14 triệu người, chiếm 14,48% dân số cả nước. Hầu hết các dân tộc thiểu số sống ở vùng núi cao, biên giới, vùng sâu, vùng xa, đời sống kinh tế, văn hóa còn thấp.

Những năm qua, báo chí đã trở thành kênh tuyên truyền có hiệu quả chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là về chính sách dân tộc, tôn giáo, đại đoàn kết dân tộc góp phần nâng cao đời sống kinh tế, văn hóa tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn. Báo chí đã trở thành cầu nối giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân.

Báo chí với sự phát triển đời sống đồng bào dân tộc thiểu số - 1

Lễ hội Nàng Han, huyện Phong Thổ (Lai Châu).

Ngày 9/1/2019, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quyết định số 45/QĐ-TTg về việc: "Cấp một số ấn phẩm báo, tạp chí cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn" giai đoạn 2019 - 2021. Báo Dân tộc và Phát triển, Chuyên đề "Dân tộc thiểu số và miền núi" của Báo phụ nữ Việt Nam, Chuyên đề "An ninh Biên giới" của báo Biên phòng, chuyên đề "Thanh niên khởi nghiệp, làm giàu" của Báo Tuổi trẻ thủ đô; chuyên trang "Dân tộc thiểu số và miền núi" của Báo Nhân dân… là những ấn phẩm tiêu biểu trong tổng số 19 cơ quan báo, tạp chí tham gia chương trình này.

Đã có 424.529 đối tượng được thụ hưởng bao gồm: Ủy ban nhân dân xã vùng dân tộc thiểu số và miền núi, người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, Ủy ban Mặt trận tổ quốc xã, Trường Dân tộc Nội trú, dân tộc bán trú, Hội Chữ thập đỏ thôn bản, Hội Phụ nữ xã, Đoàn Thanh niên xã,…

Các ấn phẩm báo, tạp chí, các chuyên đề, chuyên trang được đưa tới tận tay đồng bào các dân tộc đã góp phần tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, những gương người tốt, việc tốt, những mô hình sản xuất, kinh doanh giỏi đến đồng bào vùng sâu vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, góp phần xóa đói giảm nghèo.

Thông qua việc tiếp cận với báo, tạp chí đã nâng cao được nhận thức đối với đồng bào dân tộc thiểu số, nhiều hộ đã thực hiện các quy trình canh tác mới, chủ động đầu tư thâm canh, đưa các giống mới có năng suất và hiệu quả kinh tế cao, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, các mô hình sản xuất, kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, kỹ thuật chế biến, bảo quản nông sản vào đời sống và sản xuất, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.  

Báo, tạp chí đã góp phần giáo dục ý thức nền nếp cho học sinh người dân tộc thiểu số, giúp các em nắm được thông tin bổ ích phục vụ cho học tập, rèn luyện, tìm tòi, khám phá kiến thức mới thông qua nhiều chuyên mục sinh động.

Qua đó, đã tạo cho các em sự say mê tìm hiểu, chăm học chăm làm, nâng cao được kỹ năng tiếng Việt, nhất là đối với những học sinh dân tộc ít người sống ở những vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.

Các báo, tạp chí cũng góp phần tích cực vào giáo dục ý thức của đồng bào trong việc giữ gìn môi trường, bảo tồn phát huy các giá trị truyền thống của dân tộc, vận động đồng bào biết quý trọng, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, xây dựng bản làng, gia đình văn hóa, bài trừ các hủ tục lạc hậu, các tệ nạn xã hội.

Bà Sùng Mùa Dẻ - Phó Bí thư xã Sùng Phài - Huyện Tam Đường - tỉnh Lai Châu cho biết: "Thời đại 4.0 với sự phát triển mạnh của điện thoại thông minh, khi báo điện tử và mạng xã hội là kênh tiếp cận thông tin chính ở các thành phố lớn thì báo in, và tạp chí vẫn là kênh thông tin được đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu vùng xa đón nhận.

Các ấn phẩm báo với hình ảnh phong phú, cách thể hiện đơn giản, dễ hiểu, mang tính phổ thông đại chung phù hợp với trình độ phát triển của người dân miền núi. Chính các ấn phẩm báo chí đã giúp lãnh đạo địa phương định hướng thông tin tuyên truyền đến bà con.

Hơn nữa, các ấn phẩm báo in bà con có thể truyền tay nhau, sau khi đọc xong trở thành tài liệu lưu trữ quan trọng của địa phương".

Báo Nhân dân là một trong những đơn vị thực hiện có hiệu quả chương trình này. Với lợi thế có đội ngũ phóng viên thường trú đông đảo tại tất cả 63 tỉnh, thành phố trên cả nước. Báo Nhân dân ra hàng ngày đã liên tục cập nhật, đăng nhiều tin, bài, ảnh liên quan đến vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trong cả nước.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc thực hiện Chương trình vẫn còn một số hạn chế, bất cập như: Địa bàn rộng, địa hình và giao thông đi lại khó khăn nên việc phát báo đến các đối tượng ở thôn, bản làng chưa kịp thời; số lượng báo, tạp chí cấp tuy nhiều nhưng một số ấn phẩm chưa thực sự phù hợp với bà con nên chưa phát huy hết hiệu quả của công tác tuyên truyền. 

Vì vậy, để đạt hiệu quả, các ấn phẩm báo, tạp chí cần tiếp tục đổi mới nội dung, sử dụng nhiều hình ảnh minh họa và sử dụng ngôn ngữ gần gũi với đời sống đồng bào dân tộc.

Các ấn phẩm có nội dung phù hợp với yêu cầu thực tế, đổi mới cách trình bày, nội dung phù hợp với đặc thù cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi để những ấn phẩm báo chí đến với bà con thực sự thu hút và phù hợp, phục vụ cho công tác tuyên truyền ngày càng có chất lượng hơn.

Bám sát các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác dân tộc, chính sách dân tộc để tuyên truyền đến bà con các dân tộc ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo và phản ánh tâm tư, nguyện vọng của bà con các dân tộc với Đảng và Nhà nước.

Giai đoạn 2023 - 2025, tiếp tục phát huy những ưu điểm và khắc phục những tồn tại hạn chế, Ủy ban Dân tộc đã đề xuất những nội dung cơ bản nhằm đổi mới hình thức cung cấp thông tin phù hợp với điều kiện đặc thù của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn.

Theo đó, một số nội dung cần đổi mới là: Đổi mới về nội dung các ấn phẩm báo, tạp chí nhằm khắc phục việc đưa các thông tin chồng chéo, tràn lan, khó kiểm soát, dàn trải; phát huy được thế mạnh của các báo, đặc biệt là hạn chế cao nhất sự nhàm chán, lãng phí.

Đổi mới hình thức cung cấp thông tin như: Xây dựng App chuyên trang điện tử dân tộc thiểu số và miền núi; đa dạng các kênh phát hành báo, tạp chí; đổi mới trong công tác vận chuyển báo, tạp chí, chuyên đề đến đối tượng hưởng thụ; đổi mới trong việc bổ sung đối tượng hưởng thụ các ấn phẩm báo, tạp chí…