1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Báo chí Pháp: Việt Nam - rồng nhỏ đã lớn

Trong mấy ngày qua, báo chí Pháp đã có những bài viết về cuộc đi thăm chính thức nước Pháp của Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh từ ngày 6 đến 9/6. Các bài báo đều ghi nhận những thành tựu phát triển kinh tế của Việt Nam trong thời kỳ đổi mới.

Những bài bình luận đều trích dẫn phát biểu của Tổng thống (TT) Jacques Chirac và Tổng Bí thư (TBT) Nông Đức Mạnh tin tưởng vào triển vọng và tiềm năng hợp tác toàn diện hơn nữa về chính trị và kinh tế giữa 2 nước Việt - Pháp “vì lợi ích tăng cường sự ổn định ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương”.

 

Bài bình luận nhan đề “VN - Con rồng nhỏ đã trở thành con rồng lớn” của đài phát thanh RFI nêu rõ: Cuộc đi thăm chính thức nước Pháp đầu tiên của ông Nông Đức Mạnh diễn ra trong bối cảnh hợp tác kinh tế đang được tăng cường. Đây cũng là trọng tâm các cuộc hội đàm của TBT Nông Đức Mạnh với TT Jacques Chirac. Bởi vì Pháp hiện là nước đầu tư số 1 của châu Âu tại VN và là nước viện trợ phát triển chính thức (ODA) lớn thứ hai”.

 

Về thành tựu kinh tế của VN, bài bình luận viết: “Từ vị trí là một trong 20 nước nghèo nhất thế giới, từ năm 1986 VN đã quyết tâm mở cửa kinh tế, đạt được sự tăng trưởng quan trọng và VN đã được xếp vào hàng ngũ những con rồng châu Á. Nhờ chính sách đổi mới, chỉ trong vòng chưa đến 15 năm, VN đã từ một nền kinh tế nông nghiệp chuyển đổi sang nền kinh tế phát triển theo con đường công nghiệp hóa. Là một thành viên của Hội đồng Tương trợ kinh tế (Comecon) trước đây nay VN sắp gia nhập WTO đủ nói lên sự chuyển đổi kinh tế đó”.

 

Đài RFI nêu rõ: Chính trong tinh thần đổi mới mà Đại hội IX Đảng Cộng sản VN đã có quyết định lớn thúc đẩy VN đi vào con đường phát triển kinh tế thị trường XHCN. Đường lối kinh tế này đã bảo đảm duy trì được sự tăng trưởng bền vững có sự đóng góp của nền kinh tế tư nhân. Từ năm 2001, tốc độ tăng trưởng kinh tế của VN thật ấn tượng, bình quân đạt 7,25% mỗi năm. Sự tăng trưởng này tạo 2 kết quả rõ rệt: Vừa tăng đáng kể nguồn lực của Nhà nước vừa cải thiện cơ bản sức mua của người dân.

 

Hiện nay, hầu hết các nhà quan sát đều cho rằng bài toán chuyển đổi VN thành một nền kinh tế mở cửa đã có lời giải. Thành công của VN có sự đóng góp của cá nhân ông Nông Đức Mạnh. Trong khi tăng cường sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản VN, ông Nông Đức Mạnh cùng ban lãnh đạo đã tạo những điều kiện cần thiết để nền kinh tế VN cất cánh...”.

 

Báo Humanité của Đảng Cộng sản Pháp đánh giá cao quy mô hợp tác giữa Pháp với VN bằng việc trích dẫn phát biểu của đại sứ VN tại Pháp Nguyễn Đình Bin: “Các cuộc gặp gỡ cấp cao chứng tỏ quan hệ Việt - Pháp đã và đang không ngừng phát triển”. Bài báo dẫn chứng: Trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại và đầu tư, Pháp là đối tác số 1 của châu Âu ở VN. Tại hội nghị các nước viện trợ ODA cho VN họp tháng 12/2004 nước Pháp đã cam kết tăng viện trợ ODA năm 2005 gấp 3 năm 2003, đạt 334 triệu euro (6.530 tỉ VNĐ). Trao đổi thương mại giữa 2 nước là 1,2 tỉ euro (23.460 tỉ VNĐ), tăng mỗi năm 10% trong 5 năm qua. Một bằng chứng về quan hệ đối tác tốt giữa Paris và Hà Nội là việc tổ chức triển lãm “VN Expo 2005” tại Paris từ ngày 15 đến 19/6, một sự kiện kinh tế, thương mại và du lịch quan trọng nhất của VN tại Pháp từ trước đến nay.

 

Báo Le Monde viết mong muốn của nước Pháp là tăng cường hơn nữa quan hệ với VN, đúng như phát biểu của TT Jacques Chirac trong bữa tiệc chiêu đãi TBT Nông Đức Mạnh tại Điện Élysée: “VN và Pháp là những đối tác tự nhiên của nhau và nước Pháp hơn bao giờ hết muốn là đối tác mẫu mực của VN”.

 

Muốn đạt được điều đó, TT Chirac gợi ý thành lập một hội đồng tối cao phát triển và hợp tác kinh tế giữa 2 nước. Nhiệm vụ của hội đồng là thăm dò và khai thác khả năng hợp tác giữa 2 nước trong các lĩnh vực hàng không, giao thông vận tải và năng lượng.

 

Báo Le Monde nhấn mạnh: Về mục đích tăng cường quan hệ Pháp - Việt, TT Chirac mong muốn cuộc đối thoại giữa Pháp và VN có đủ cường độ và mật độ để phục vụ lợi ích tăng cường sự ổn định của khu vực châu Á - Thái Bình Dương”.

 

Theo Đỗ Chuyên
Người Lao Động