Báo chí phải luôn đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên hàng đầu
(Dân trí) - Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh, báo chí phải phản ánh toàn diện xã hội trên tất cả lĩnh vực, nhất là vấn đề được dư luận quan tâm, phản ánh về các vấn đề mới, các vấn đề khó.
Chiều 8/8, Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam, Hội Xuất bản Việt Nam tổ chức Hội nghị giao ban công tác báo chí, xuất bản năm 2022.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, nhấn mạnh trong thời gian tới, các cơ quan báo chí tiếp tục quán triệt, áp dụng, bàn các giải pháp quyết tâm thực hiện tốt chủ trương của Đảng về đổi mới báo chí.
"Tinh thần chung theo dòng chủ đạo, phải quy hoạch, phải quản lý rồi phát triển. Tôi nhớ các lãnh đạo nói quản lý tới đâu phát triển đến đó, không để phát triển mà không quản lý được. Tự do báo chí nhưng đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của nhà nước" - ông Nghĩa trao đổi.
Về tôn chỉ mục đích, theo ông Nghĩa, báo chí phải phản ánh toàn diện xã hội trên tất cả lĩnh vực, có trọng tâm trọng điểm nhất là vấn đề được dư luận quan tâm, phản ánh về các vấn đề mới, các vấn đề khó. Báo chí phải luôn luôn đặt lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc lên hàng đầu. Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cũng lưu ý, nếu các cơ quan báo chí không nhận thức sâu, không nhận thức rõ rồi dẫn dắt thông tin sai lệch sẽ trở thành "vấn đề khác", điều này rất hệ trọng.
Tiếp tục dẫn chứng, ông Nguyễn Trọng Nghĩa cho hay, viết về phòng, chống tham nhũng là một "vấn đề khó". Trước đó, Tổng Bí thư đã nói, chống tham nhũng liên tục, không ngừng, không nghỉ nhưng quá trình đó là quá trình "vừa xây, vừa chống". Đồng thời phải hết sức cảnh giác âm mưu phá hoại của thế lực thù địch. Để từ đó người dân thấy "dòng chảy chính" là sự lãnh đạo của Đảng, tiên phong của Đảng. Nếu báo chí không "khéo" trong công tác tuyên truyền sẽ khiến dư luận cứ nghĩ đến cán bộ là nghĩ tới sai phạm.
Vì vậy, ông Nghĩa đề nghị tiếp tục phát huy phát huy vai trò của báo chí, tạp chí trong việc định hướng dư luận về chủ trương của Đảng và pháp luật. Đồng thời, hoạt động của báo chí và xuất bản phải theo đúng luật pháp.
Sẽ sửa Luật Báo chí
Trước đó, sau khi nghe đại diện một số cơ quan chủ quản, lãnh đạo cơ quan báo chí phát biểu tham luận, trao đổi về công tác báo chí, xuất bản, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Anh Tuấn nhấn mạnh, báo chí nước ta là báo chí cách mạng, không có báo chí tư nhân; báo chí có 2 nhiệm vụ chính là tuyên truyền và phản biện.
Giai đoạn vừa rồi, về cơ bản các cơ quan báo chí đã thực hiện tốt và đóng góp chung cho sự phát triển kinh tế - xã hội, đóng góp cho sự ổn định và phát triển đất nước.
Theo Thứ trưởng Tuấn, hiện nay, có một số vấn đề nổi lên của các cơ quan báo chí là rất khó khăn về kinh tế, kinh phí hoạt động. Từ khó khăn này mới làm nảy sinh một số điểm vi phạm như sai tôn chỉ mục đích, báo hóa tạp chí, báo hóa trang tin, tư nhân hóa báo chí; một số cơ quan báo chí buông lỏng quản lý, có xu hướng "đánh đấm" và đưa tin sai sự thật....
"Chúng tôi xác định một trong những nguyên nhân chính, nguyên nhân cơ bản dẫn đến việc này xuất phát từ khó khăn kinh tế của cơ quan báo chí" - ông Tuấn nói và nhận định thêm, nguyên nhân chính nữa là sự buông lỏng, không theo sát, thiếu quan tâm chủ đạo từ cơ quan chủ quản.
Về vấn đề này, ngày 26/7, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đã ký kế hoạch 156 về chấn chỉnh cơ quan báo chí, trong đó có giao 5 nhiệm vụ cho cơ quan chủ quản. Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã có quyết định về tiêu chí nhận diện báo hóa tạp chí, báo hóa trang tin, báo hóa mạng xã hội để từ đó phát hiện vi phạm.
Về trách nhiệm quản lý nhà nước, lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, Bộ đã tập trung vào định hướng phát triển; trình Thủ tướng Chính phủ về quy hoạch mạng lưới báo chí, phát thanh, truyền hình, thông tin cơ sở, thông tin đối ngoại. Dự kiến trong tháng này Thủ tướng sẽ ký quyết định ban hành.
Về việc sửa Luật Báo chí, Thứ trưởng Tuấn cho biết trong luật sẽ tập trung làm rõ trách nhiệm, quyền hạn các cơ quan liên quan, nhất là cơ quan chủ quản.
Ông Tuấn cũng cho rằng khi vấn đề kinh tế trong báo chí được giải quyết thì những vấn đề còn lại sẽ "dễ nói, dễ làm hơn".
Cũng theo Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ sẽ tập trung xử lý sai phạm hiện nay đối với các cơ quan báo chí; đặc biệt nhấn mạnh "sai phạm của cơ quan báo chí sẽ gắn liền với sai phạm của cơ quan chủ quản".