1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

“Báo chí phải được cung cấp thông tin trong phòng, chống tham nhũng”

(Dân trí) - Đó là ý kiến của ông Đỗ Quý Doãn - nguyên Thứ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông - tại hội nghị tập huấn kiến thức pháp luật về phòng, chống tham nhũng cho lãnh đạo, phóng viên và biên tập viên của các báo đài trên cả nước diễn ra ngày 23/7 tại Đà Nẵng.

Đây là hội nghị do Bộ Thông tin và truyền thông cùng Bộ Tư pháp phối hợp tổ chức nhằm cung cấp kiến thức pháp luật trong công tác phòng, chống tham nhũng đối với báo chí trong tình hình hiện nay.

TS. Ngô Mạnh Toan - Phó Hiệu trưởng Trường Đào tạo cán bộ Thanh tra - Thanh tra Chính phủ
TS. Ngô Mạnh Toan - Phó Hiệu trưởng Trường Đào tạo cán bộ Thanh tra - Thanh tra Chính phủ
 
Tại hội nghị, TS. Ngô Mạnh Toan - Phó hiệu trưởng Trường Đào tạo cán bộ Thanh tra – Thanh tra Chính phủ cũng đã trình bày khái quát Luật phòng, chống tham nhũng của Việt Nam được sửa đổi, bổ sung vào các năm 2005, 2007 và 2012 cùng Công ước quốc tế của Liên hiệp quốc về chống tham nhũng.

Phát biểu tại hội nghị, ông Đỗ Quý Doãn - nguyên Thứ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông cho biết, hệ thống báo chí ở Việt Nam trong những năm qua có sự phát triển toàn diện cả về số lượng, chất lượng nội dung thông tin và đang ngày càng khẳng định vị trí quan trọng trong đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội…

Hiện nay toàn quốc có 906 cơ quan báo chí; trong đó có 838 cơ quan báo in, 67 đài phát thanh, truyền hình, một hãng thông tấn quốc gia, 95 báo điện tử và hàng ngàn trang tin điện tử cung cấp thông tin; trên 17.000 nhà báo đã được cấp thẻ, trong số đó có hàng ngàn nhà báo chuyên viết phóng sự điều tra về phòng, chống tham nhũng…

“Hệ thống báo chí và đội ngũ nhà báo này đang thực hiện chức năng giám sát một cách toàn diện hoạt động đời sống xã hội, tuyên truyền sâu rộng về chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng; thông tin về thành tích đấu tranh chống tham nhũng của các cơ quan chức năng, các ngành, địa phương; biểu dương những điển hình tiên tiến trong phong trào đấu tranh phòng, chống tham nhũng”, ông Đỗ Quý Doãn phát biểu.

Ông Đỗ Quý Doãn – nguyên Thứ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông phát biểu tại hội nghị
Ông Đỗ Quý Doãn – nguyên Thứ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông phát biểu tại hội nghị

Ông Đỗ Quý Doãn cũng cho rằng chưa bao giờ cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng được Đảng, Nhà nước và nhân dân ta tập trung cao độ như hiện nay. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng Cộng sản Việt Nam đã nhấn mạnh: “Tăng cường phòng ngừa và chống tham nhũng, lãng phí là đòi hỏi bức xúc của xã hội, là quyết tâm chính trị của Đảng ta nhằm xây dựng một bộ máy lãnh đạo và quản lý trong sạch, vững mạnh, khắc phục một trong những nguy cơ lớn đe dọa sự sống còn của chế độ ta”.

Ngoài ra, Luật Báo chí đã quy định khá cụ thể về việc các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm cung cấp thông tin cho báo chí. Điều 7 của Luật này quy định: “Trong phạm vi quyền hạn, nhiệm vụ của mình, các tổ chức có quyền và nghĩa vụ cung cấp thông tin cho báo chí, giúp cho báo chí thông tin chính xác, kịp thời và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung thông tin”.

“Như vậy, có thể nói Luật phòng, chống tham nhũng và Luật Báo chí đã xây dựng được một hành lang pháp lý thông thoáng để báo chí phát huy vai trò xung kích trong giám sát, đấu tranh phòng, chống tham nhũng”, nguyên Thứ trưởng Đỗ Quý Doãn phát biểu.

Ông Đỗ Quý Doãn kết luận: Có thể khẳng định Đảng, Nhà nước, pháp luật Việt Nam luôn khẳng định vai trò của báo chí trong cuộc chiến chống tham nhũng, tiêu cực góp phần làm lành mạnh hóa đời sống xã hội. Trong thực tế ở Việt Nam, báo chí đang làm tốt vai trò đó. Song, báo chí, nhà báo cũng cần thiết phải tuân thủ các quy định của pháp luật, cần có nghiệp vụ cao và đạo đức nghề nghiệp trong sáng mới có thể làm tốt vai trò trong việc phòng, chống tham nhũng. 

Công Bính