1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Báo chí có nguy cơ bị mạng xã hội "vượt mặt"!

(Dân trí) - Mạng xã hội đang phát triển một cách nhanh chóng, nhiều người sử dụng internet, mạng xã hội là kênh quảng bá hữu hiệu cho báo chí. Tuy nhiên, báo chí đang có nguy cơ bị truyền thông xã hội “vượt mặt” trong việc cung cấp thông tin đến độc giả, bị dẫn dắt bởi các thông tin giả mạo.

Ngày 26/12, tại TPHCM, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức Hội nghị báo chí toàn quốc tổng kết năm 2017, triển khai nhiệm vụ năm 2018.

Ông Võ Văn Thưởng - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương – đến tham dự và chỉ đạo hội nghị.

Hội  nghị báo chí toàn quốc tổng kết công tác năm 2017, triển khai nhiệm vụ năm 2018
Hội nghị báo chí toàn quốc tổng kết công tác năm 2017, triển khai nhiệm vụ năm 2018

Tại hội nghị, ông Hoàng Vĩnh Bảo - Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông – trình bày báo cáo đánh giá công tác báo chí năm 2017, nhiệm vụ giải pháp trọng tâm năm 2018.

Theo ông Bảo, trong năm 2017, báo chí đã thông tin, phản ánh toàn diện và kịp thời về các sự kiện và sinh hoạt chính trị quan trọng, các hoạt động kỷ niệm lớn của đất nước. Báo chí đã thực hiện ngày càng hiệu quả chức năng giám sát, phản biện xã hội, đấu tranh kiên quyết với những hành vi tham nhũng lãng phí, tiêu cực, quan liêu.

Ngoài ra, báo chí đã tích cực đấu tranh bảo vệ chủ quyền, biên giới lãnh thổ, đấu tranh chống “diễn biến hòa bình”, phản bác quan điểm, luận điệu sai trái của các thế lực thù địch, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng và Nhà nước.

Đặc biệt, trong năm 2017, báo chí đã vào cuộc mạnh mẽ đấu tranh chống thông tin xấu, độc; phản bác các quan điểm sai trái trên môi trường mạng internet.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Hoàng Vĩnh Bảo
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Hoàng Vĩnh Bảo

Bên cạnh những kết quả, ưu điểm, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cũng chỉ ra một số hạn chế, thiếu sót trong hoạt động báo chí.

Theo ông Bảo, nhiều báo, tạp chí điện tử chủ yếu tập trung khai thác phát tán những vấn đề tiêu cực, thông tin một chiều, gây bức xúc cho địa phương, doanh nghiệp và cá nhân. Tính định hướng, tính chính luận trên báo chí còn chưa được coi trọng. Thông tin không đúng sự thật, thông tin thiếu nhạy cảm về chính trị, không phù hợp với lợi ích đất nước của nhân dân, không phù hợp định hướng, tiết lộ bí mật Nhà nước.

Trong năm qua, dạng sai phạm này đã giảm đáng kể, tuy nhiên vẫn còn xảy ra trên một số báo, gây ra những tác động xấu trên dư luận xã hội, làm tổn hại đến lợi ích đất nước, lợi ích chính đáng của tổ chức, là kẽ hở để báo chí nước ngoài, các trang tin điện tử của thế lực chống đối lợi dụng để xuyên tạc.

Thứ trưởng cho rằng hiện nay báo chí đăng tải quá nhiều thông tin về mặt trái xã hội. Tình trạng thông tin phản cảm, trái thuần phong mỹ tục Việt Nam, giật gân câu khách về những vụ việc liên quan đến người nổi tiếng hoặc miêu tả các hành vi tội ác, các vụ án nhiều chi tiết tỉ mỉ, rùng rợn... vẫn tiếp diễn, chưa được khắc phục triệt để.

Theo ông Hoàng Vĩnh Bảo, có tình trạng báo chí chậm hơn so với thông tin trên truyền thông xã hội trong nhiều vấn đề quan trọng của đất nước và xã hội, trong khi lẽ ra báo chí phải chủ động thông tin để định hướng hoặc đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái.

Một thực tế đáng buồn được chỉ ra là tình trạng báo chí “đánh hội đồng” kết án vụ việc, hiện tượng mà không cần xem xét đến quy định pháp luật, các kết luận của cơ quan chức năng. Nhiều trường hợp phóng viên chỉ soi mói, tìm những sơ hở hạn chế của tổ chức, doanh nghiệp, địa phương để gây áp lực với động cơ không lành mạnh.

Hơn 650 đại biểu tham dự hội nghị báo chí toàn quốc
Hơn 650 đại biểu tham dự hội nghị báo chí toàn quốc

Theo Thứ trưởng, một số hạn chế của báo chí xuất phát từ những nguyên nhân khách quan, chủ quan. Trong đó, công tác cung cấp thông tin của nhiều cơ quan, tổ chức, địa phương còn thiếu chủ động chưa kịp thời, nhất là tình huống, sự kiện bất thường, phức tạp liên quan đến chính trị, kinh tế, xã hội, đối ngoại, gây khó khăn cho cơ quan chỉ đạo và quản lý thông tin, cũng như cơ quan báo chí.

Ngoài ra, một số vấn đề gây bức xúc trong xã hội nhưng chậm được cơ quan chức năng giải quyết, hoặc chưa có phương thức xử lý thông tin thỏa đáng nên tạo thành “điểm nóng” trên báo chí.

Theo ông Hoàng Vĩnh Bảo, Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp tục hoàn thiện và đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí đến năm 2025.

Mục tiêu của quy hoạch là tiếp tục xếp hệ thống báo chí gắn với đổi mới mô hình tổ chức, nâng cao hiệu quả lãnh đạo, quản lý báo chí, xây dựng một số cơ quan báo chí chủ lực, đa phương tiện làm nòng cốt, có vai trò định hướng thông tin báo chí, thông tin trên mạng viễn thông, internet.

Ngoài ra, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đang hoàn thiện để trình Chính phủ Chiến lược phát triển thông tin quốc gia đến năm 2025, tầm nhìn 2030.

Theo báo cáo của hội nghị, sự ra đời và phổ cập mạng internet đã và đang tạo thành cuộc cách mạng thông tin thực sự. Mạng xã hội đang phát triển một cách nhanh chóng, hiệu quả, được nhiều người sử dụng internet ưa dùng, đóng vai trò ngày càng quan trọng trong đời sống xã hội hiện đại.

Mạng xã hội cũng là kênh quảng bá hữu hiệu cho báo chí, tuy nhiên, bên cạnh đó mạng xã hội cũng có không ít ảnh hưởng tiêu cực.

Cụ thể, báo chí có nguy cơ bị truyền thông xã hội “vượt mặt” trong việc cung cấp thông tin đến độc giả. Thậm chí, có lúc lấn át cơ quan báo chí về độ nhanh nhạy, cập nhật thông tin và cả sự quan tâm của độc giả, đặc biệt là trong các vấn đề, vụ việc nhạy cảm, phức tạp.

Ngoài ra, báo chí còn có nguy cơ phụ thuộc và bị mạng xã hội dẫn dắt bởi các thông tin giả mạo. Nguy cơ phụ thuộc vào mạng xã hội để tăng lượng truy cập, khi những mạng xã hội lớn như facebook dùng tính năng hạn chế chia sẻ đường link báo chí trên nền tảng của họ thì báo chí có nguy cơ giảm sút lượng người đọc và giảm khả năng tương tác.

Quốc Anh