1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Kỷ niệm 85 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam:

“Báo chí cần coi trọng tính cách mạng, tính chuyên nghiệp, tính hiện đại”

(Dân trí) - Sáng 18/6, tại Bộ Thông tin - Truyền thông đã diễn ra lễ kỷ niệm, gặp mặt thân mật nhân 85 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2010).

Tham dự buổi lễ có ông Tô Huy Rứa, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; ông Nguyễn Thiện Nhân, Phó Thủ tướng Chính phủ; ông Lê Doãn Hợp, Bộ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông; ông Lê Quốc Trung, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam cùng đại diện lãnh đạo nhiều cơ quan báo chí tại Hà Nội.

 

Tại buổi lễ, ông Tô Huy Rứa nhấn mạnh những cống hiến to lớn của các thế hệ nhà báo Việt Nam với sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Ông đề nghị báo chí cần coi trọng tính cách mạng, tính chuyên nghiệp và tính hiện đại của báo chí trước yêu cầu mới. Tập trung khắc phục một số yếu kém khuyết điểm kéo dài như: thông tin thiếu toàn diện, thiếu cân nhắc mặt lợi hại, thông tin sai sự thật, đưa đậm mặt trái, mặt yếu kém, các vụ án và tệ nạn xã hội trên mặt báo, nhất là trên trang nhất.

 

Tại buổi gặp gỡ, Bộ trưởng Bộ TT-TT, Lê Doãn Hợp đã điểm lại những mốc son trong chặng đường 85 năm vẻ vang của báo chí cách mạng Việt Nam và nhấn mạnh: Báo chí đã làm tốt công tác truyền thông, là tiếng nói của Đảng và Nhà nước, là diễn đàn của nhân dân, tạo sự cởi mở và dân chủ về thông tin, đóng góp tích cực cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng đất nước và công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.

 

Gần đây, báo chí đã tuyên truyền có hiệu quả nhiều chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước như Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, các phong trào thi đua yêu nước... tạo nên hào khí chính trị, dân chủ, đoàn kết, vượt khó, xây dựng và chấn hưng đất nước.

 

Từ những năm cuối của thế kỷ XX, sự bùng nổ và phát triển rất nhanh của Internet đã tác động rộng lớn đến hệ thống báo chí, đồng thời đánh dấu sự ra đời của các báo điện tử và các trang thông tin điện tử tại Việt Nam. Tính đến tháng 12/2009, cả nước có 706 cơ quan báo chí với hơn 900 ấn phẩm; 67 Đài PT-TH gồm 3 đài trung ương và 64 đài phát thanh - truyền hình địa phương. Mạng lưới truyền thanh cơ sở có 606 đài cấp huyện, trong đó trên 350 đài phát sóng FM.

 

Hệ thống truyền hình trả tiền phát triển nhanh, đã phát nhiều kênh truyền hình trong nước và nước ngoài, đáp ứng tốt nhu cầu hưởng thụ thông tin, giải trí phong phú, đa dạng của nhân dân trong nước, Việt kiều ngoài nước và bạn bè quốc tế. Trên lĩnh vực thông tin điện tử, có 27 báo điện tử và 88 trang tin điện tử của các cơ quan báo chí, hàng ngàn trang tin điện tử của các cơ quan Đảng, Nhà nước, các đoàn thể, hội, hiệp hội và các doanh nghiệp. Thông tấn xã Việt Nam là hãng Thông tấn quốc gia ngày càng phát triển và không ngừng đổi mới, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, kịp thời cung cấp thông tin chính yếu phục vụ trong nước và quốc tế.
 
TTXVN