1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Báo chí cần “chuyển mình” thế nào trong bối cảnh chuyển đổi số?

Nguyễn Trường

(Dân trí) - Mọi thứ có thể mang trên người được đều được kết nối. Báo chí vì vậy đứng trước thách thức không thể cưỡng lại, không thể né tránh là phải tham gia vào quá trình chuyển đổi số.

Báo chí cần “chuyển mình” thế nào trong bối cảnh chuyển đổi số? - 1

Hội thảo khoa học "Báo chí với thời cuộc trong bối cảnh chuyển đổi số" diễn ra ngày 5/11 (Ảnh: Nguyễn Trường).

Ngày 5/11, Viện Báo chí - Học viện Báo chí và Tuyên truyền (Hà Nội) tổ chức buổi hội thảo với chủ đề “Báo chí với thời cuộc trong bối cảnh chuyển đổi số”.

Hội thảo có 2 phiên là “Báo chí với thời cuộc trong bối cảnh chuyển đổi số: lý luận và yêu cầu thực tiễn ở Việt Nam” và “Đổi mới sáng tạo, tổ chức sản xuất, mô hình tòa soạn, chiến lược đào tạo nguồn nhân lực nhằm đáp ứng yêu cầu thời cuộc trong bối cảnh chuyển đổi số ngành báo chí, truyền thông hiện nay”.

Báo chí đảm bảo tính định hướng nhưng phải kịp thời, chính xác

Trình bày về vai trò của báo chí trong việc thông tin, giải đáp các vấn đề cấp bách của xã hội trước thách thức của chuyển đổi số quốc gia và hội nhập quốc tế, GS.TS Đinh Xuân Dũng - Hội đồng Lý luận và phê bình văn học nghệ thuật Trung ương - nêu ra mối quan hệ 3 chiều “chuyển đổi số - tác động, vị trí của báo chí hiện đại trong quá trình chuyển đổi số - những vấn đề cấp bách của thời cuộc”.

GS.TS Dũng cho rằng, trong quá trình chuyển đổi số, báo chí đang “chậm chân hơn” đối với những vấn đề phức tạp. 

Dẫn chứng lời trong một cuốn sách, theo GS.TS Dũng, chuyển đổi số sẽ là “Mọi quốc gia, mọi doanh nghiệp, mọi công dân mọi gia đình, mọi phương tiện, mọi thứ có thể mang trên người được đều được kết nối. Thông điệp này cho phép bạn thay đổi mọi thứ”.

Vì vậy, chuyển đổi số sẽ tác động đến mọi mặt, các hoạt động chính trị, xã hội… trên mọi lĩnh vực đều bị tác động. Báo chí đứng trước thách thức không thể cưỡng lại, không thể né tránh là phải tham gia vào quá trình này để không bị “chậm chân”.

Báo chí cần “chuyển mình” thế nào trong bối cảnh chuyển đổi số? - 2

GS.TS Đinh Xuân Dũng trình bày tham luận tại buổi hội thảo. (Ảnh: Nguyễn Trường).

Ông Dũng dẫn lại lời của một nhà khoa học rằng thách thức lớn nhất của chuyển đổi số nằm ở con người và lãnh đạo tạo ra tầm nhìn và chiến lược, có khả năng tiếp sức cho nhân viên nhằm kích thích sự sáng tạo.

Báo chí cần đưa thông tin đến người đọc trên cơ sở nắm bắt nhanh nhạy, kịp thời, chính xác; đồng thời phải có năng lực định hướng người đọc.

“Đây là 2 yêu cầu không thể tách rời. Báo chí không có sự định hướng thì không phải báo chí cách mạng. Nhưng nếu chỉ định hướng mà không nắm bắt nhanh nhạy, kịp thời, chính xác và đưa ra thông tin nhanh nhất thì báo chí lại rơi vào thời kỳ cũ, chỉ đáp ứng yêu cầu định hướng mà không đáp ứng nhu cầu người đọc” - ông Dũng nhận định.

Tiếp đó, ông Dũng cho rằng các cơ quan báo chí cần phân khúc người đọc để không “bắn chỉ thiên”; xây dựng, bồi dưỡng và đào tạo lại hệ thống báo chí cho phù hợp với thời cuộc, đặc biệt là hệ thống lãnh đạo quản lý và phóng viên…

Chuyển đổi số sẽ tác động mạnh mẽ đến lĩnh vực báo chí

Tại hội thảo, PGS.TS Đỗ Thị Thu Hằng - Viện trưởng Viện Báo chí - chia sẻ tham luận về “Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 - từ góc nhìn xã hội thông tin”.

Theo PGS.TS Thu Hằng, Quyết định số 362/QĐ-TTg là văn bản pháp lý có tính nền tảng cho việc đổi mới mô hình và tổ chức, quản lý nền báo chí nhằm phát triển xã hội thông tin, là “một cú hích nhằm tái định vị các sản phẩm báo chí và cơ quan báo chí”.

PGS.TS Thu Hằng nhận định, trong xã hội thông tin hiện nay có 3 dòng chảy chủ lưu và chuyển đổi số sẽ tác động mạnh mẽ đến lĩnh vực báo chí - dòng chảy thông tin quan trọng, cốt lõi nhất góp phần định hướng, điều chỉnh các luồng thông tin còn lại.

Quy hoạch báo chí là khởi đầu cho chiến lược phát triển cơ sở hạ tầng và yêu cầu mới về nguồn nhân lực ngành báo chí truyền thông theo hướng đa phương tiện và đa nền tảng…

Báo chí cần “chuyển mình” thế nào trong bối cảnh chuyển đổi số? - 3

PGS.TS Đỗ Thị Thu Hằng - Viện trưởng Viện Báo chí - Học viện Báo chí và Tuyên truyền (Ảnh: Nguyễn Trường).

Để có kế hoạch phát triển cho riêng mình, mỗi cơ quan báo chí cần xác định lại giá trị, vai trò của từng sản phẩm đối với công chúng, xã hội...

Trước những khó khăn gặp phải trong quá trình quy hoạch báo chí, PGS.TS Thu Hằng đã đề xuất nhiều giải pháp để thúc đẩy, đảm bảo sự phát triển của báo chí.

Đặc biệt, các cơ quan báo chí cần xây dựng phương án sắp xếp nguồn nhân lực một cách bài bản, công khai, minh bạch để tránh việc người tài giỏi không được ngồi đúng vị trí.

“Bài toán chuyển đổi số, bài toán quy hoạch nếu không rõ ràng, minh bạch, không có phương pháp tốt thì sẽ là một con dao 2 lưỡi” - bà Thu Hằng ví von.

Trước đó, theo Ban Tổ chức, hội thảo lần này đã nhận được 22 bài tham luận của các nhà khoa học, các nhà quản lý báo chí truyền thông, các chuyên gia, nghiên cứu sinh…

Trên cơ sở các bài tham luận và sự thảo luận tại hội thảo, Hội đồng biên tập và phản biện độc lập sẽ lựa chọn những tham luận đảm bảo chất lượng, phù hợp với chủ đề, biên soạn sách chuyên khảo cùng tên và có kế hoạch xuất bản trong thời gian tới.

Làm gì để tạo ra tòa soạn hội tụ trong thời đại chuyển đổi số?

Tại buổi hội thảo, ông Lê Nguyễn Trường Giang - Tổng Giám đốc CSCI Indochina Group - cho rằng, trong bối cảnh chuyển đổi số, tòa soạn hội tụ phải đặt trên cơ sở media hội tụ.

Trong khi đó, hiện tất cả mọi người đều có thể trở thành nhà báo nên “đường biên media” đã không còn gói gọn trong truyền hình, báo in, báo điện tử mà tồn tại trên các diễn đàn (forum), ứng dụng (apps), trên tương tác mạng xã hội…

Để có cấu trúc một tòa soạn hội tụ, ông Giang cho rằng cần định hình “dòng chảy” thông tin, phải tổ chức phân luồng thông tin. Muốn thực sự tạo ra tòa soạn hội tụ, báo chí hội tụ thì trong tương lai phải phân luồng, có mục tiêu rõ ràng và dòng thông tin chủ đạo.

“Rất ít tờ báo xác định được mục tiêu dẫn đến việc thông tin không hội tụ được” - ông Giang nhận định.

Đồng thời, một yếu tố quan trọng khác đó là cần con người có tư duy, phương pháp, có nhận thức khác về chuyển đổi số, về bối cảnh xã hội và phương pháp, nghiệp vụ báo chí truyền thông.

“Có một máy vi tính hiện đại nhưng người sử dụng chỉ biết gõ văn bản, các chức năng khác là thừa thì không cần máy vi tính hiện đại, cấu hình cao” - ông Giang nêu dẫn chứng.