1. Dòng sự kiện:
  2. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV
  3. 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô

Báo cáo Quốc hội giá đất tại các điểm quy hoạch Hà Nội

(Dân trí) - Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng yêu cầu Chính phủ báo cáo Quốc hội về thực trạng quản lý mua bán bất động sản và giá các loại đất mua bán trên thị trường tự do tại các điểm đang được xem xét quy hoạch của Hà Nội…

Trong phát biểu chốt lại chương trình kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XII (diễn ra tháng 5 tới đây), Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đã đồng ý với việc rút khỏi chương trình các dự án Luật Thủ đô, Luật biển Việt Nam và Luật Đầu tư công theo đề nghị của Chính phủ để có thêm thời gian hoàn chỉnh trình Quốc hội tại kỳ họp sau.

Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ chuẩn bị báo cáo làm rõ một số nội dung liên quan đến dự án Nhà máy lọc dầu số 1 Dung Quất; quy hoạch đầu tư và vận hành các dự án thuỷ điện trên cả nước; một số tỉnh cho các tổ chức kinh tế nước ngoài thuê đất trồng rừng…
 
Báo cáo Quốc hội giá đất tại các điểm quy hoạch Hà Nội - 1
Tại một số điểm dự kiến quy hoạch của Hà Nội giá đất đã đội lên rất cao

Cùng đó, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu chuẩn bị báo cáo làm rõ các quyết định về quy hoạch Thủ đô Hà Nội đã được Chính phủ phê duyệt, thực trạng quản lý mua bán bất động sản và giá các loại đất mua bán trên thị trường tự do tại các điểm đang được xem xét quy hoạch.

Trước đó, trong phần thảo luận về chương trình kỳ họp tới, vấn đề quy hoạch chung Hà Nội cũng đã trở thành nội dung có nhiều tranh luận nhất. Theo Luật, Quy hoạch đô thị, thẩm quyền phê duyệt đồ án quy hoạch Hà Nội thuộc về Thủ tướng, nhưng việc lấy ý kiến đại biểu Quốc hội về đồ án cũng đặt ra nhiều vấn đề.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đề nghị đưa vào chương trình kỳ họp lần này nội dung phê chuẩn chức danh Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo mới do Phó Thủ tuớng Nguyễn Thiện Nhân theo phân công đã thôi kiêm nhiệm chức danh này.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh, ông Lê Quang Bình cho rằng, nếu Quốc hội chỉ nghe báo cáo, thảo luận về đồ án rồi tập hợp gửi Thủ tướng thì không thể hiện được quyền lực của Quốc hội.

Trưởng ban Dân nguyện Trần Thế Vượng cũng cho rằng, nếu đưa vào chương trình nghị sự của kỳ họp, phải có ràng buộc về trách nhiệm. “Nếu chỉ thảo luận rồi tập hợp gửi Thủ tướng, còn tiếp thu hay không là tuỳ thì rõ ràng không có ràng buộc”, ông Vượng phân tích.

Ông Vượng đề nghị phải làm rõ, báo cáo Quốc hội về đồ án quy hoạch để làm gì, bởi theo ông, không thể chỉ là “nghe cho biết”. Trong trường hợp đưa đồ án ra nhằm “tham khảo” ý kiến đại biểu Quốc hội theo ông Vượng chỉ nên để đại biểu thảo luận tại tổ, sau đó tập hợp gửi Thủ tướng.

Về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Thu Ba lại có ý kiến khác. Theo bà Thu Ba, tại Nghị quyết 15 (về mở rộng Hà Nội), Quốc hội đã giao Chính phủ chỉ đạo xây dựng đồ án qui hoạch Thủ đô Hà Nội, tổ chức lấy ý kiến rộng rãi của nhân dân và báo cáo Quốc hội.

Vì thế, lúc này Quốc hội có thể thực hiện quyền giám sát đối với công việc trên, thậm chí nếu cần Quốc hội sẽ ra Nghị quyết. “Đây không phải xin ý kiến hoặc chỉ để Quốc hội biết mà đây là quyền giám sát tối cao của Quốc hội”, bà Thu Ba nhấn mạnh.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên cũng cho rằng, nếu cần thiết có thể ra Nghị quyết, thậm chí ra Nghị quyết về trách nhiệm của người phê duyệt.

Quan điểm của bà Thu Ba, ông Đức Kiên không thuyết phục được Trưởng ban Dân nguyện Trần Thế Vượng, bởi ông Vượng lập luận, Luật không quy định trước khi Thủ tướng phê duyệt, Quốc hội có Nghị quyết.

Chủ nhiệm UB Pháp luật Nguyễn Văn Thuận lại đơn giản vấn đề khi nhận định, Chính phủ báo cáo đồ án quy hoạch với Quốc hội là làm đúng Nghị quyết 15 và Quốc hội thảo luận cũng… đúng.

Theo ông Thuận, Quốc hội là đại biểu của dân, Quốc hội có trách nhiệm cùng với Chính phủ quyết định hình hài của Thủ đô sao cho thích hợp và ngày càng to đẹp hơn.

Chốt lại các ý kiến thảo luận, Chủ tịch Quốc hội, Nguyễn Phú Trọng cho rằng, Chính phủ báo cáo đề án là thực hiện đúng Nghị quyết 15 và điều này “chí ít là để Quốc hội biết”. Khi Chính phủ đã có báo cáo, theo ông Trọng, Quốc hội cần phải thảo luận.

Ông Trọng yêu cầu, sau khi nghe Chính phủ báo cáo, Quốc hội cần dành một ngày thảo luận ở tổ và hội trường. “Tôi tin vấn đề này sẽ có nhiều ý kiến của đại biểu và việc nghe chỉ có tốt”, ông Trọng bày tỏ.
 
Cấn Cường

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm