Bâng khuâng bến Bắc Cần Thơ
(Dân trí) - Khi cầu Cần Thơ chính thức được thông xe, cũng là lúc những chuyến phà Cần Thơ hoàn thành sứ mệnh cao cả sau gần trăm năm cần mẫn nối đôi bờ sông Hậu
Tạm biệt những con phà
Khoảng những năm 1914 - 1918, người Pháp đã bắt đầu tiến hành xây dựng bến phà Cần Thơ. Từ khi xây dựng phà Cần Thơ và đi vào hoạt động, đường bộ từ Cần Thơ đi Sóc Trăng, Long Xuyên, Vĩnh Long được đắp và chỉnh trang.
Địa điểm ban đầu của bến phà, theo nhiều tài liệu ghi chép, đặt ngay bờ sông thuộc rạch Khai Luông (nay gần cầu Ninh Kiều). Dần dần sau này bến phà được dời về địa điểm như hiện nay.
Phà Cần Thơ ngang sông Hậu dài 1.840 m, trong đó, phía Cần Thơ đường dẫn lên phà tại phường Cái Khế; phía bờ Vĩnh Long đặt tại thị trấn Cái Vồn, huyện Bình Minh.
Những chuyến phà cuối cùng...
Theo các cụ cao niên kể lại, những năm 1946 -1950, Phà Cần Thơ chỉ có 6 chiếc phà loại nhỏ, mui trần, mỗi chiếc chở được hai xe đò. Trên mỗi chiếc phà thường có 6 nhân viên phục vụ, thời gian hoạt động cũng chỉ từ 4h sáng đến 10h đêm mỗi ngày.
Theo thời gian bến phà Cần Thơ được đầu tư nhiều phương tiện hiện đại, phà có trọng tải từ 100 - 200 tấn và thời gian hoạt động suốt 24h/24h. Tuy nhiên, vẫn có nhiều ngày quá tải, từng đoàn xe nối đuôi nhau chờ qua phà.
Tên chuyến phà cuối cùng, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng nói: Nhờ những cố gắng không biết mệt mỏi của tập thể từ tài công, nhân viên, lãnh đạo mà giao thông từ Bắc chí Nam luôn thông suốt, việc đi lại của người dân được thuận lợi.
Cũng trên chuyến phà cuối cùng này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đã nhấn 3 hồi còi để đánh dấu kết thúc vẻ vang của phà Hậu Giang như lời chào tạm biệt những con phà. Đó cũng là tiếng còi phát lệnh cho việc thông tất cả phương tiện giao thông chính thức được lưu thông qua cầu Cần Thơ.
Nhân dịp này, Thủ tướng đã trao tặng Huân chương lao động hạng Nhì cho Cụm phà Hậu Giang.
Bâng khuâng bến Bắc Cần Thơ
Khi chuyến xe đầu tiên qua cầu Cần Thơ, tôi quay lại bến phà bất chợt gặp người đàn ông màu da đen sạm vì nắng gió sông Hậu đã hơn 30 năm làm nghề lái phà, lẩm nhẩm: Nhìn những đoàn xe vun vút chạy qua cầu tôi có cảm giác niềm vui xen lẫn nỗi buồn và hoài niệm khó tả, vì gần cả cuộc đời đã gắn với con phà…giờ đây nó sắp sửa trở thành kí ức. Nhưng nhìn thấy cây cầu sừng sững bắc qua sông thì những con phà gắn bó với đời tôi phải lùi ra xa là điều tất yếu. Từ đây con cháu mình đã có một cây cầu lớn để bước những bước đi vững chắc hơn vào tương lai.
... đã hoàn thành nhiệm vụ của mình hết sức vẻ vang.
Ông Lê Văn Dương, Đội trưởng Đội vượt sông cụm phà Hậu Giang, thì bùi ngùi: “Từ ngày khởi công xây dựng cầu Cần Thơ, hơn 300 CB-CNV bến phà đã hình dung được tương lai của mình khi cầu hoàn thành. Công việc và cuộc sống của mình có nhiều thay đổi, thậm chí là khó khăn. Dù vậy, ai cũng vui vì nhiều người không còn phải lụy phà và nhiều chuyến hành trình sẽ được rút ngắn. Thế nhưng, không hiểu sao anh em không giấu được sự tiếc nuối những con phà đã gắn bó cả đời mình”.
Thuyền trưởng Thạch Son, từ nhỏ đã theo cha lênh đênh trên những chuyến phà qua sông Hậu rồi tiếp nối nghề lái phà từ rất sớm. Cha Thạch Son là ông Thạch Ri, gần một nửa đời người gắn bó với con phà. Ông Thạch Son cho biết: “Cộng cả 30 năm lái phà của tôi và phần đời lái phà của cha tôi thì cũng xấp xỉ tuổi của bến phà này”.
Ông Lưu một người hàng xóm từng nhiều năm làm việc trên phà ngồi miên man cùng bạn bên ly cà phê. Đã lâu lắm rồi ông Lưu mới nhàn nhã và đầy tâm sự như hôm nay. Ông khoát tay chào và nói vui: “Có cầu rồi, vui quá hôm nay được uống cà phê thoải mái. Mọi hôm giờ này tôi đang phải đưa khách qua sông, dẫu sướng hơn, vui hơn nhưng vẫn nhớ tiếng sôi sùng sục của những con phà”.
Đi qua cầu chợt nghe câu hát “Em đi mau kẻo trễ chuyến phà đêm qua bến Bắc Cần Thơ” vang lên từ một loa phóng thanh trên một đoạn đường tắc nghẽn do hàng ngàn người đến muốn được tận mắt chiêm ngưỡng cầu dây văng dài nhất Đông Nam Á, dẫu đây là khoảnh khắc bất chợt, những cũng khiến tôi liên tưởng đến cảnh tắc nghẽn, chen chúc nhau qua phà hôm nào.
Phạm Tâm