1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Bản Rục sau ngày lũ

(Dân Trí) - Trong một buổi chiều, đi suốt cả 3 bản Ón, Mò o ồ ồ và Yên Hợp với 150 hộ, 675 khẩu, đâu cũng nghe đến chuyện đói, chuyện nghèo. Ba trưởng bản đều đưa ra những con số giống nhau: 100% hộ trong bản thuộc diện đói quanh năm, chủ yếu sống bằng nguồn hỗ trợ…

Sau những ngày bị lũ cô lập, con đường độc đạo vào bản người Rục, người Sách ở Quảng Bình đã thông, điện nối, nhiều chuyến xe chở hàng cứu trợ cũng đã đến với đồng bào. Dân bản đã có gạo, có nhu thực phẩm, cuộc sống đã dần trở lại. Nhưng đi giữa bản, chứng kiến cuộc sống đói khổ của người Rục, người Sách mới thấy đăng đẳng những nỗi lòng.

 

Kỳ 1: Tả tơi sau lũ

 

Gần cả ngày đi đường, vượt núi đèo cheo leo hiểm trở, cuối cùng PV Dân trí cũng đến được với đồng bào Rục, Sách - những dân tộc vừa trải qua một trận đói đến não lòng.

 

Bản Rục sau ngày lũ - 1
Gian nan đường vào các bản người Rục. 

 

Trình xong giấy “đồng ý cho vào các bản để nắm thông tin” do Đồn trưởng Đồn biên phòng 585 Đinh Tiến Khâm ký, gửi Trạm biên phòng Yên Hợp, chúng tôi phóng thẳng lên Bản Mò o ồ ồ. Gặp Trưởng bản Mò o ồ ồ Cao Xuân Nhạc cùng cán bộ biên phòng đi từng nhà nắm tình hình để gửi về xuôi. Ông Nhạc da đen ngăm, gầy gò trong bộ quần áo cũ nhàu. Ông đúng là người thông thái nhất ở bản, có thể đọc, viết, cộng trừ nhân chia vanh vách.

 

Dẫn chúng tôi vào một căn nhà tuềnh toàng rộng cỡ 15m2, lật cuốn sổ nhàu nát, ông Nhạc cung cấp vài con số: Bản Mò o ồ ồ có 55 hộ, 261 nhân khẩu, toàn bộ các hộ dân sinh sống dọc theo tuyến đường mà nhà nước xây cho. Hỏi cuộc sống của người dân trong bản, ông Nhạc tặc lưỡi: “Mò o ồ ồ nghèo lắm, dân thiếu cái ăn thường xuyên cán bộ à”.

 

Bản Rục sau ngày lũ - 2

Trưởng bản Mò o ồ ồ: “Dân bản ở đây đói quanh năm”.

Mấy ngày gần đây dân bản các bản rẻo cao ở Thượng Hóa chỉ nói đến cái ăn. Cũng vì thế, điều đầu tiên ông trưởng bản nhắc đến đó là lương thực. Ông nói với nỗi niềm: “Lương thực chính ở đây chỉ có khoai sắn thôi. Quanh năm suốt tháng dân ăn khoai độn sắn và ngô. Hộ giàu nhất và nghèo nhất chỉ cách nhau vài thúng ngô, thúng sắn. Hết lương thực lại lên rừng đi kiếm cây nhúc, củ mài sống qua ngày”.

 

Những ngày qua, ông Nhạc lo đến phát ốm vì hai cơn bão số 5 và số 6 liên tiếp đổ về khiến cuộc sống của người dân càng thêm khốn đốn. “Cơn bão số 6 lũ quét qua bản, 4 ngày mưa, ngoài mắc nước không đi lấy gạo được, bên kia con suối nước chảy xiết bà con không dám qua kiếm mì, ai cũng thiếu cái ăn. Huy động sắn, ngô trong bản cũng chỉ được ít ít thôi, coi như là không đủ sống, đành chịu đói. Mà khổ đói đã rồi lại khổ vì bệnh tật nữa. Vừa rồi mắc nước nên bác sỹ trị bệnh, bảo vệ sức khỏe không đến được. Người đau bụng, sốt rét cũng đành chịu thôi!” - ông Nhạc kể.

 

Chúng tôi cuốc bộ đến nhiều gia đình trong bản. Ngôi nhà của Hồ Thị Hiển, 23 tuổi như một chiếc tổ chim treo trên vách núi. Căn nhà chỉ rộng khoảng chục m2, 4 vách tường được chằm bằng ván, lá nằm giữa bãi đất trống trơ. Xung quanh vườn chỉ có cỏ và cỏ.

 

Bước vào nhà Hiển, thoáng nghe hơi lạnh và mùi ẩm. Không một tài sản nào có giá cỡ vài chục ngàn đồng. Tài sản duy nhất của Hiển là mấy củ mì mới đào trên nương về và hai yến gạo vừa được trợ cấp. Nhà cũng không nuôn một con gì, mà có nuôi cũng không biết lấy gì cho chúng ăn.

 

Bản Rục sau ngày lũ - 3

Hồ Thị Hiển bế con ngóng gạo cứu trợ từ miền xuôi.

Nhà Hiển có 4 khẩu, hai vợ chồng và hai đứa con nhỏ. Chồng và đứa con đầu lòng đi chơi, chỉ còn cô lụi cụi bên bếp lửa đỏ nồng. Hiển đang nấu một nồi cơm mà như cô nói là đã lâu lắm rồi mới có. Nhưng nồi cơm may chỉ đủ mỗi người nữa bát. “Như rứa là no lắm rồi cán bộ ạ. Lâu lắm rồi mới được ăn gạo trắng như rứa đó” -  Hiển mở vung nồi cơm đang sùng sục sôi rồi nói như khoe. Cũng vì không có cái ăn, thiếu dinh dưỡng mà đứa con 3 tháng tuổi của cô nheo nhóc nằm trên cái chỏng tre nhỏ.

 

Chúng tôi rời nhà Hiển, cô bế đưa con ra trước cửa xin chụp ảnh, rồi nói vọi như trách rằng, “bữa trước chỗ ni đói như rứa mà cán bộ dưới xuôi lên muộn quá. Khổ lắm. Đói lắm. Cán bộ thương cháu nhỏ ni với!”

 

Gần chập tối, chúng tôi đến gia đình nhà ông Cao Ngọc Ên - như lời một cán bộ biên phòng là nhà nào có người tập trung đông nhất xem tivi đó là nhà giàu nhất của bản Mò o ồ ồ. Trong nhà ông Ên, trẻ con người Rục ngồi xúm lại dưới chiếc tivi, còn ông già ngồi riết thuốc lá trước cửa. Thấy khách, ông già Ên mừng quýnh: “Cán bộ lại đến rồi. Trên này khó khăn lắm. Nhà chỉ trồng mấy cây sắn, cây ngô bên nớ suối thôi. Mà sắn cũng không đủ ăn nữa!”

 

Trong một buổi chiều, đi suốt cả 3 bản Ón, Mò o ồ ồ và Yên Hợp với 150 hộ, 675 khẩu, đâu cũng nghe đến chuyện đói, chuyện nghèo. Ba trưởng bản đều đưa ra những con số giống nhau: 100% hộ trong bản thuộc diện đói quanh năm, chủ yếu sống bằng nguồn hỗ trợ.     

 

(Còn nữa...)

 

Minh San - Văn Dũng

 

Phóng sự “Bản Rục sau lũ”:

Kỳ 1: Tả tơi sau lũ

Kỳ 2: Nỗi niềm bản Rục

Kỳ 3: Đốm sáng giữa rừng sâu