1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Bán nhà, bán trâu nuôi 3 con đại học

(Dân trí) - Câu chuyện về một gia đình nghèo dân tộc Thái nuôi 3 con học đại học khiến nhiều người nể phục. 5 năm trước, ông Lang Đình Hồng, 60 tuổi, ở bản Đôm 2, xã Châu Phong (Quỳ Châu-Nghệ An) đã bán ngôi nhà ngói, chấp nhận ở trong nhà tranh dột nát, để có tiền cho các con “nuôi” chữ.

Từ chuyện bán nhà ngói, ở nhà tranh…

 

Tiếp PV trong căn nhà lợp mái lá, ông Hồng vui vẻ như không để ý gì đến sự nghèo khó của mình: “Bố mẹ sống sao cũng được nhưng nhìn con cái trưởng thành, học hành đỗ đạt là quý rồi. Đấy chính là tài sản vô giá…”.

 

Năm 1969, ông Hồng là cán bộ ngoại thương ở tỉnh Nghệ An. Đến năm 1979, vì điều kiện gia đình, ông được nghỉ chế độ 176, trở về quê hương làm quen với ruộng đồng. Cuộc sống gia đình bắt đầu khó khăn từ đó. Lúc bấy giờ, để có được một bữa no cho 9 miệng ăn (2 ông bà nội và 5 đứa con) đã là khó, nói gì đến chuyện học hành của các con.

 

Năm 1993, mấy đứa con đều đang học cấp 1, 2 ở xã; gia đình kinh tế vẫn tạm ổn; nhưng bước sang những năm 2000, 3 đứa con của ông bà bắt đều thi đỗ đại học. Chỉ trông chờ vào sào ruộng không đủ, ông bà cố gắng cải thiện kinh tế, tích cóp tiền gửi cho con.

 

“Năm 2002 là thời điểm khó khăn nhất đối với gia đình tui. Lúc bấy giờ người thân mất, cháu đầu là Lang Đình Cầm sinh năm 1981 thi đậu vào khoa Sinh Trường Đại học Vinh. Ý nghĩ biết lấy gì để lo cho con xuống TP Vinh ăn học dày vò tui nhiều đêm…”, ông Hồng nhớ lại.

 

Đã có lúc túng quẫn, ông nghĩ thôi thì con học hết cấp 3 đã là hơn những gia đình khác trong bản. Nhưng bắt con nghỉ ngang không đành. “Nó bảo cha cứ cho con đi học, khó khăn chi con cũng chịu. Bây giờ không học khổ nhục lắm… Thế thì tui làm sao mà từ chối nổi”, ông Hồng tâm sự.

 

Sau một đêm thức trắng suy nghĩ, ông đi đến một quyết định khá táo bạo, lúc đó là liều lĩnh, về sau ông hiểu là một quyết định đúng đắn, là bước ngoặt lớn của cả gia đình ông. Căn nhà ngói 3 gian được xây từ năm 1990, ông quyết định đem bán. “Lúc bấy giờ căn nhà bán được 14 triệu đồng. Trả hết nợ, lo tang ma cho người thân, số còn lại tui dành dụm để lo cho các cháu ăn học”, ông kể.

 

… đến cảnh bán 16 con trâu “nuôi” chữ

 

Đang ở trong căn nhà ngói, vợ chồng ông Hồng huy động lá tranh, cây nứa trên rừng về dựng một túp lều (tạm gọi là nhà) để lấy chỗ ra vào. Một cháu học đại học đã túng, sau lại thêm cháu Lang Thị Xuân (SN 1983) và Lang Đình Tiệp lần lượt đậu vào Đại học Vinh và Học viện Báo chí Tuyên truyền.

 

Số tiền ít ỏi có được nhờ bán nhà chẳng thấm vào đâu. Nhưng ý nghĩ nhất quyết phải lo cho 3 con học đầy đủ cứ thôi thúc ông. “Trước tui làm 1 thì nay lao vào làm 10. Mình chẳng có của ăn của để nên chỉ trông chờ vào đất. Vậy nên tui đã kết hợp trồng trọt với chăn nuôi trâu bò. Một năm tui bán 1 con, có khi là 2 con để lấy tiền gửi cho con…”.

 

Hỏi ông đã bán bao nhiêu con trâu? Ông Lang Đình Hồng lẩm nhẩm đầu ngón tay chai sạn, thủng thẳng: “Cũng phải đến 16 con rồi. Trước nhà tui có hàng chục con, nay thì chỉ còn hai con để kéo cày thôi. Sắp tới cũng phải bán để lo cho thằng thứ 3 học tận ngoài Hà Nội”.

 

Những cố gắng của ông bà phần nào đã được đền đáp, khi hai cháu đầu đã ra trường và nhận việc, 1 cháu đang là giáo viên ở Cao Bằng, 1 cháu dạy học ở Quảng Ninh.

 

Hỏi chuyện bao giờ mới từ biệt nhà tranh, ông bảo: “Cứ ở trong nhà tranh cái đã. Lo xong cho thằng út rồi lại tính”.

 

Vượt qua dốc Pù Xén khi bóng chiều đã đổ, bản Đôm lấp ló trong mớ khói mây, câu chuyện về một gia đình dân tộc Thái ở một huyện rẻo cao nơi miền Tây xứ Nghệ dám bán nhà, bán trâu để nuôi 3 con học Đại học cứ ngân nga mãi trong tôi.

 

Đặng Nguyên Nghĩa