1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Đà Nẵng:

“Bắn khách” và chuyện nghề của giới xe ôm

(Dân trí) - “Cao gót, mũ đỏ”, “ba-lô, đầu đinh”, “giày vải, áo sọc”… đủ tiếng hô vang lên ở bến xe Trung tâm TP Đà Nẵng khi có loạt hành khách từ trong bến đi ra. Những tiếng hô kèm theo ngón tay chỉ được giới xe ôm gọi bằng cái tên “nổ như súng”: “bắn khách”.

Những năm qua, xe ôm đã trở thành như một nghề ngày càng có nhiều người tham gia. Cái nghề chở khách này cũng đang dần đi vào trật tự khi thành lập thành những đội, nhóm có tổ chức, kỷ luật tại các bến xe, nhà ga,…

 

Câu chuyện nghề của giới xe ôm Đà Nẵng cũng có lắm chuyện vui buồn.

 

“Bắn khách”

 

“Bắn khách” và chuyện nghề của giới xe ôm - 1

Các bác tài xe ôm trật tự, chăm chú chọn khách từ xa.
 
Theo các bác tài xế xe ôm ở bến xe Trung tâm thành phố Đà Nẵng, từ “bắn khách” đã xuất hiện trong giới xe ôm và được sử dụng nhiều trong vài năm trở lại đây.

 

Anh Hoa cười sảng lảng giải thích: “cao gót, mũ đỏ” nghĩa là bác xe ôm này “xí” người khách mặc giày cao gót và đội chiếc mũ màu đỏ; “ba-lô, đầu đinh” là cậu thanh niên đeo ba-lô, cắt tóc đầu đinh; “giày vải, áo sọc” là chỉ người khách đi giày vải, mặc áo sọc… Đó là cách các tài xế xe ôm “đánh dấu” người khách mà họ đã chọn. Cứ như vậy, mỗi lần có xe vào bến là anh em xe ôm lại “rút ruột, lên hơi” để chuẩn bị “bắn”.

 

Một luật bất thành văn là khi đã “bắn” rồi thì khách của ai người đó mời, không tranh khách của nhau. Một điều ghi nhớ nữa là đã “bắn” khách phải thật chuẩn, nếu không sẽ phí “đạn”. Đặc biệt phải dùng từ chính xác và thích hợp mới giành riêng được khách của mình, nghĩa là phải nhanh chóng tìm được sự khác biệt, đặc điểm dễ nhận ra đầu tiên của khách. Điều đó đòi hỏi đôi mắt tinh tường của người “bắn”.

 

Một anh chạy xe ôm khác kể: Có lần khách trong bến đi ra, anh đã “bắn” trước: “Xanh, đeo ba lô”, trong khi đó cũng có người khác “bắn”: “Xanh, đeo ba-lô, xăng-đan”. Cuối cùng hai người tranh nhau một khách, kết quả anh bị thua, bởi có đến 3 người khách đeo ba-lô, mặc áo xanh nhưng chỉ một khách đi đôi dép xăng-đan. Chuyện đó xảy ra khá nhiều nên người làm nghề này muốn “xí” được khách phải luôn tinh tường và nhanh nhạy.

 

Chuyện các bác tài xe ôm “bắn khách” thường chỉ có ở bến xe, ga tàu và các chợ. Theo những người trong nghề, việc này giúp họ bớt đi nhiều phiền toái khi ít phải tranh giành khách, cũng đỡ cho các cơ quan chức năng trong việc đảm bảo an ninh trật tự.

 
“Bắn khách” và chuyện nghề của giới xe ôm - 2
"bắn khách"
 

Theo anh Đặng Trần Sỹ Dũng, tổ trưởng tổ tự quản xe ôm bến xe trung tâm TP Đà Nẵng, cách đây khoảng 10 năm, khi việc “bắn khách” còn chưa được áp dụng rộng rãi, khu vực bến xe liên tục xảy ra tình trạng tranh giành khách, phá giá, nhiều lúc dẫn đến xô xát. Điều này cũng làm cho không ít hành khách sợ hãi, dè chừng. Nay mọi chuyện đã khác. Những người cùng nghề cũng bớt ác cảm với nhau, sống với nhau chan hòa hơn.

 

Những “đội xe liều”

 

Tuyến đường Trường Chinh (TP Đà Nẵng) thời gian qua được mệnh danh là “tuyến đường hãi hùng”. Đội xe ôm chuyên bắt khách ở đây cũng được gọi bằng cái tên thật đặc biệt: “đội xe liều”.

 

Có mặt tại cung đường này, phóng viên chứng kiến khoảng 10-15 chiếc xe máy rú ga, ầm ầm chạy đua theo một chiếc xe khách đang chuẩn bị trả khách gần ngã ba Huế. Những cú lạng lách, đánh võng thót tim khi cả đoàn xe ôm bám sát thành cửa xe khách để chọn khách, bắt khách.

 

Kể cả những chuyến xe không dừng trả khách cũng bị “đội xe liều” này bám riết, ai đến trước sẽ được bắt khách trước nên màn bắt khách trở thành màn đua tốc độ.
 
“Bắn khách” và chuyện nghề của giới xe ôm - 3
“Đội xe liều” chấp nhận liều cả mạng sống để giành được khách.

 

Trong cuộc chuyện trò với tôi, một bác tài tên Hùng phân bua: “Nguy hiểm thì nguy hiểm chứ, có lúc đuổi theo xe khách lên đến 70-80km/giờ cũng phải chạy cho kịp mới mong có miếng cơm ăn”.

 

Không chỉ khi rượt theo xe khách mà cả khi bắt được khách rồi, nhóm xe ôm này cũng chạy bạt mạng khiến khách ngồi sau chỉ khi đến nơi mới biết mình… còn sống.

 

Tương tự, tại các điểm như cầu vượt Hòa Cầm, điểm xe buýt từ Quảng Nam ra trên đường Nguyễn Tri Phương… nạn “xe liều” cũng rất phổ biến, gây không ít vụ tai nạn giao thông cho người đi đường và chính người lái xe ôm.

 

Biết rằng nghề chạy xe ôm là một trong những nghề vất vả, người làm nghề phải khốn khó mưu sinh vì miếng cơm manh áo, song có lẽ kiểu mưu sinh “bất chấp tất cả” như “đội quân liều” nói trên thì cần sớm dẹp bỏ.

 

Ô Châu