Ban Dân nguyện Quốc hội chấp thuận giám sát vấn đề Thủ Thiêm
(Dân trí) - Đại biểu Quốc hội Phan Nguyễn Như Khuê, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM, cho biết Ban Dân nguyện Quốc hội đã chấp thuận đề nghị thành lập đoàn giám sát để cùng đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM giám sát giải quyết khiếu nại tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Sáng 4/12, tổ Đại biểu Quốc hội và HĐND TPHCM tiếp xúc cử tri quận 2. Tại đây, vấn đề của Khu đô thị mới Thủ Thiêm như khu tái định cư 160ha, khiếu nại 5 khu phố thuộc 3 phường (Bình An, Bình Khánh, An Khánh) tiếp tục được cử tri phản ánh đến các đại biểu như những buổi tiếp xúc cử tri trước đây.
Cử tri Ngô Nhật Minh (phường An Khánh) thông tin, vừa rồi UBND quận 2 kiến nghị UBND TP dùng biện pháp hành chính để thu hồi đất đai của người dân Thủ Thiêm.
"Vậy biện pháp hành chính ở đây là gì? Là cưỡng chế như những gì diễn ra trước đây. Việc này là cái sai chồng cái sai, tước đoạt quyền lợi chính đáng bà con mà trong khi các cơ quan hữu quan thành phố, Trung ương còn lúng túng về việc mất bản đồ Khu đô thị mới Thủ Thiêm", ông Minh nói. Từ đó, ông đề nghị đoàn Đại biểu Quốc hội TP xem xét vấn đề này.
Cũng theo ông Minh, gần 20 năm nay, người dân Thủ Thiêm đi khiếu nại và kiến nghị đoàn Đại biểu Quốc hội TP đưa vấn đề Khu đô thị mới Thủ Thiêm ra nghị trường. Tuy nhiên, theo dõi kỳ họp Quốc họp thứ 8 vừa qua, người dân không thấy đề cập đến vấn đề Thủ Thiêm. Ông đề nghị tổ đại biểu Quốc hội TP làm rõ vấn đề này và trả lời cho cử tri biết.
Trong khi đó, cử tri Nguyễn Huy Hoàng (phường Bình An) cho rằng, Thanh tra Chính phủ kết luận rằng TPHCM đã dùng phần đất trong quỹ đất 160ha dành cho tái định cư của người dân Thủ Thiêm giao cho 51 dự án.
"Đất tái định cư cho dân là bất khả xâm phạm, không ai có quyền tước đoạt đất của dân như vậy", ông Hoàng nói. Ông đặt vấn đề tại sao quận 2 không kiến nghị UBND TP dùng biện pháp hành chính để thu hồi lại đất đã giao cho doanh nghiệp làm dự án trả lại cho người dân phục vụ tái định cư.
Ông cho rằng, nếu các cấp ở TPHCM làm đúng trình tự quy định của pháp luật, đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trước đây thì đã có khu đô thị phát triển, nhân văn và người dân cũng nghiêm túc chấp hành chứ không xảy ra khiếu kiện như hôm nay.
Cử tri Hoàng khẩn thiết yêu cầu đưa "đại án Thủ Thiêm" vào diện theo dõi đặc biệt của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng.
Tại buổi tiếp xúc, cử tri Thủ Thiêm tiếp tục mong muốn được đối thoại với Thanh tra Chính phủ về khiếu nại ranh 5 khu phố như chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình.
Thay mặt tổ đại biểu, ông Phan Nguyễn Như Khuê (Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy) ghi nhận ý kiến của cử tri quận 2 và ông cũng giải thích tại sao vấn đề Thủ Thiêm không được đưa ra nghị trường Quốc hội.
Theo ông Khuê, sau khi tiếp xúc cử tri, đoàn Đại biểu Quốc hội TP đã có văn bản chính thức, trong đó phản ánh đến Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Quốc hội, Ban Dân nguyện Quốc hội, Ủy Ban Thường vụ Quốc hội và Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam.
Văn bản nêu rõ cử tri quận 2 luôn phản ánh về nội dung 2 thông báo kết luận số 1483 (ngày 4/9/2018) và số 1041 (ngày 26/6/2019) của Thanh tra Chính phủ về Khu đô thị mới Thủ Thiêm chưa được giải quyết đầy đủ các nội dung khiếu nại và kiến nghị của cử tri.
Trong đó, cử tri phản ánh 5 khu phố (thuộc 3 phường Bình An, Bình Khánh và An Khánh) nằm ngoài ranh quy hoạch chứ không chỉ riêng khu 4,3ha khu phố 1, phường Bình An theo kết luận thanh tra. Ý kiến cử tri và các hộ dân đã gửi đơn đến đoàn Đại biểu Quốc hội TP và tổ Đại biểu Quốc hội về 2 kết luận nêu trên đến Thanh tra nhưng đến nay chưa nhận được thông tin xem xét và giải quyết nên cử tri đề nghị Thanh tra Chính phủ trực tiếp sắp xếp đối thoại với công dân.
Đồng thời, đề nghị tổ chức đoàn thanh tra liên ngành thanh tra toàn diện đối với dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm để giải quyết dứt điểm các khiếu nại của người dân và Thanh tra Chính phủ có báo cáo trước Quốc hội về vấn đề cụ thể của Thủ Thiêm.
Cũng theo ông Khuê, trong phần chất vấn và trả lời chất vấn có đưa ra Thanh tra Chính phủ trả lời chất vấn của Quốc hội. Nhưng sau khi tham khảo ý kiến đại biểu chọn lọc vấn đề đang quan tâm "thì việc của cơ quan thanh tra xếp lại, chưa trả lời".
Tuy nhiên, trong báo cáo của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có đề cập đến và kiến nghị Chính phủ chỉ đạo bộ, ngành quan tâm cùng TPHCM giải quyết vấn đề Thủ Thiêm.
"Báo cáo cử tri, không phải Đoàn Đại biểu Quốc hội TP không đề đạt mà Ủy Ban Thường vụ xem xét. Do đó đến giờ này, trước cuộc tiếp xúc cử tri, tôi có gọi điện cho Trưởng Ban Dân nguyện Quốc hội. Tôi mong muốn Ban Dân nguyện sớm thành lập đoàn giám sát của Ban Dân nguyện để cùng với đoàn Đại biểu Quốc hội TP nắm vấn đề Thủ Thiêm. Ban Dân nguyện đã chấp thuận đề nghị của tôi và sẽ báo cáo lại Ủy Ban Thường vụ Quốc hội để có tổ công tác vào giám sát giải quyết khiếu kiện ở Thủ Thiêm", ông Khuê nói.
Quốc Anh